Tòa soạnThư đi – tin lại

Vụ chuyển trường MN công lập sang tư thục: Chính quyền “bán” trường vì thiếu kinh phí

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chính quyền quận Hải Châu sẽ không “bán” Trường MN Tiên Sa cho Công ty cổ phần Lương thực 

Giáo Dục TP.HCM (số báo ra ngày thứ hai 9-12) đã có bài phản ánh về việc Trường MN Tiên Sa (quận Hải Châu, Đà Nẵng) được thông báo chuẩn bị xã hội hóa từ công sang tư, ngay sau đó ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo UBND quận Hải Châu dừng việc tiến hành xã hội hóa Trường MN Tiên Sa và báo cáo tình trạng CSVC của trường cho Thành ủy.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, sẽ dừng chủ trương xã hội hóa Trường MN Tiên Sa theo chỉ đạo của Thành ủy. Nguyên nhân Quận ủy có quyết định chuyển từ công sang tư theo ông Anh là do nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản mỗi năm chỉ có 15 tỷ đồng. Với số tiền đó phải đầu tư ở nhiều mảng như: Đường sá, cống rãnh, vỉa hè, điện chiếu sáng hẻm cho đến y tế, giáo dục… trong khi đó mỗi phường chỉ đủ khả năng đầu tư cho một trường công. Mặt khác, Trường MN Tiên Sa đã được xây dựng hơn 35 năm, đã xuống cấp, sửa chữa nhiều lần. Với hiện trạng đó thì không thể tiến hành sửa chữa mà chỉ có thể đập đi làm lại. Việc đập đi làm lại trường mới tốn một khoản kinh phí không hề nhỏ, vượt quá khả năng đầu tư của quận”. Cũng theo ông Anh, việc xã hội hóa từ công sang tư ở Trường MN Tiên Sa chỉ mới là chủ trương, định hướng. 
Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành đầu tiên trong cả nước thực hiện việc xã hội hóa trường công sang trường tư. Trước đó vào đầu năm học 2013-2014, Trường MN 29-3 – một ngôi trường giàu truyền thống ở quận Hải Châu đã được chính quyền thực hiện xã hội hóa, bán cho đơn vị Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng. Trường MN Tiên Sa cũng đang có chủ trương bán cho đơn vị này. Thế nhưng nhìn lại quy trình chuyển đổi, hẳn sẽ nhận thấy niềm băn khoăn, lo lắng của giáo viên và phụ huynh là điều dễ hiểu. Bởi ngay từ đầu năm học, chỉ còn cách ngày khai giảng không lâu, đơn vị đầu tư tiếp nhận trường không có gì ngoài một kế hoạch sơ sài, chưa có cả Ban giám hiệu cùng đội ngũ nhân viên tiếp quản. Và mọi thứ thu học phí đến phụ phí đều nằm trên một tờ giấy A4 với tên gọi là tạm thời theo giải thích của ông Phạm Tấn Củng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng. Thực hiện việc chuyển đổi đòi hỏi một lộ trình dài hơi nhưng xem ra ở Trường 29-3, vào thời điểm đó đã khiến người ta có cảm giác bắt cóc bỏ dĩa. Về vấn đề này, ông Lê Anh cũng thừa nhận rằng việc thực hiện chuyển đổi trường công lập sang tư thục khá gấp gáp, chưa có chuẩn mực.
Vào thời điểm 2008-2009, Đà Nẵng đã có quyết định chuyển 15 trường MN bán công sang loại hình công lập. Sự chuyển đổi này, nhiều giáo viên lẫn phụ huynh hân hoan phấn khởi. Ông Huỳnh Văn Hoa, lúc đó đang là Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng đã nói rằng, việc chuyển đổi các trường bán công sang loại hình công lập đồng nghĩa với ngân sách chi cho giáo dục của TP.Đà Nẵng tăng thêm. Thế nhưng khi bài toán kinh phí được giải quyết, cùng với vị thế, tâm thế của cả người học lẫn người dạy được thay đổi thì ngành giáo dục và cả xã hội được lợi rất lớn. Và theo ông Hoa cái lợi lớn nhất, rõ ràng nhất đó là chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Có lẽ không cần phải bàn, cái lợi ấy đã được kiểm chứng bằng sự đồng thuận, phấn khởi của đông đảo phụ huynh và thành tích về chất lượng giáo dục trong những năm qua của Đà Nẵng. Suy cho cùng, việc chuyển đổi từ công sang tư hay ngược lại thiết nghĩ vấn đề chất lượng giáo dục cho trẻ cũng cần được quan tâm hàng đầu trước khi đặt ra những lợi ích khác bên cạnh nó.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)