Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Vụ cô giáo tự tử: Cơ quan chức năng “đá” trách nhiệm?

Tạp Chí Giáo Dục

 Việc cô giáo Lan tự tử trước ngày về hưu đã gây xôn xao dư luận. Nhưng cơ quan chức năng địa phương có vẻ xem nhẹ.
Vụ cô giáo Lan tự tử khiến dư luận bức xúc nhưng chính quyền có vẻ xem nhẹ!  Ảnh: TL

Như PV đã phản ánh, vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Lan ở trường Tiểu học Hồng Hà tự tử trước ngày về hưu đã gây xôn xao dư luận. Gia đình nạn nhân bức xúc, nhiều giáo viên khác hoang mang. Vậy nhưng, phía cơ quan chức năng địa phương có vẻ như xem nhẹ sự việc và tìm cách đùn đẩy trách nhiệm giải quyết.

Bận đi họp!
Theo thông tin chúng tôi nhận được, gia đình cô giáo Lan đã gửi đơn đề nghị lên UBND huyện Đan Phượng, Phòng GD&ĐT huyện và Sở GD&ĐT Hà Nội với mong muốn làm sáng tỏ những nghi vấn xung quanh cái chết của cô Lan.
Hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi cô Lan chết, chúng tôi cũng đã nhiều lần liên hệ trực tiếp và qua điện thoại với chính quyền địa phương để nắm thông tin về cách giải quyết nhưng chúng tôi vẫn không thể tiếp cận được các vị lãnh đạo này với lý do: Bận đi họp!
PV mang theo giấy giới thiệu đến trực tiếp trụ sở UBND huyện Đan Phượng. Ông Nguyễn Đình Cẩn, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện tiếp chúng tôi và cho biết các lãnh đạo đều kín lịch đi họp trên thành phố (trước đó một tuần, PV cũng đã đến trao đổi với nhân viên phòng Văn thư nhưng nhận được câu trả lời quen thuộc như vậy).  Sau đó, PV có gọi điện cho ông Cẩn để xin xếp lịch làm việc với lãnh đạo huyện thì ông Cẩn thông tin lại là lãnh đạo bảo (phóng viên) làm việc với Phòng GD&ĐT.
Trước sự "bận rộn" của lãnh đạo địa phương, chúng tôi buộc phải… làm việc qua điện thoại với ông Bùi Xuân Sách, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng. Nhưng có gặp được thì vị lãnh đạo này cũng chỉ "bắn" trách nhiệm giải quyết sang đầu mối khác: UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện và Phòng GD&ĐT là đầu mối giải quyết sự việc, mọi thông tin phải được thông báo cho UBND.
Chúng tôi tiếp tục "gõ cửa" Công an huyện Đan Phượng. Sau nhiều lần đến không gặp được lãnh đạo, PV đã trao đổi qua điện thoại với ông Bùi Xuân Trường, Trưởng Công an huyện. Ông Trường cho biết, cơ quan Công an huyện chỉ có trách nhiệm nắm tình hình, khám nghiệm tử thi. Do sự việc không có dấu hiệu hình sự nên việc xử lý các vấn đề liên quan không thuộc trách nhiệm của công an, mọi giấy tờ đều được chuyển qua phía UBND huyện vì vậy nhà báo nên làm việc với  Ủy ban.
Mới chỉ dừng ở sự góp ý
Trở lại diễn biến vụ việc, theo ông Thế Minh Khôi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, trong cuộc họp với tập thể giáo viên toàn trường ngày 3/10, phần lớn các ý kiến cho rằng không có sự trù dập của hiệu trưởng, những điều trong di thư của cô Lan là không có căn cứ.
Sau đó, ngày 4/10 Phòng GD&ĐT huyện có văn bản báo cáo sự việc lên UBND huyện Đan Phượng và Sở GD&ĐT Hà Nội. Trong văn bản có viết: "Tại buổi làm việc, tổ công tác đã nghe nhiều ý kiến thẳng thắn, dân chủ, khách quan của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định đồng chí hiệu trưởng có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết, chưa có ý kiến kết luận để khẳng định cô Nụ – Hiệu trưởng có trù úm cô giáo Lan hay không. Tuy nhiên đôi lúc trong xử lý công việc còn thiếu tính linh hoạt, chưa biết kết hợp hài hòa giữa tình và lý đối với cán bộ giáo viên, đặc biệt là giáo viên có tuổi".
Ông Thế Minh Khôi khẳng định: Sự việc này cũng xuất phát từ hai phía, thứ nhất do việc quản lý cứng nhắc của cô Nụ lại gặp sự việc cô Lan có dấu hiệu bệnh trầm cảm mới dẫn đến sự việc đáng tiếc như vậy. Cá nhân ông Khôi cho rằng, với những chứng cứ có được thì chưa thể khẳng định cái chết của cô Lan là vì trù úm. "Nếu khẳng định có sự trù úm thì không có chứng cứ xác định. Cũng chỉ có mấy việc xếp ghế hay không xếp ghế. Chúng tôi cũng đang xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, hành vi này có thể bị kỷ luật, tuy nhiên ở mức độ nào thì cần phải xét", ông Khôi nói.
Ông Khôi đưa ra ý kiến cá nhân cho rằng nếu cô Nụ có đập bàn trước đồng nghiệp thì đây là thái độ hách dịch, dựa vào Nghị định 34 (Theo Nghị định số 34 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của người làm lãnh đạo, quản lý mà áp dụng các hình thức xử lý. Nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo, nặng thì cách chức, buộc thôi việc) thì sẽ áp dụng hình thức khiển trách. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật thì Phòng GD&ĐT không ra quyết định được mà việc đó do phía UBND đảm nhiệm theo phân cấp trách nhiệm.
"Hiện tại lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện mới chỉ dừng lại ở việc góp ý để cô Nụ sửa chữa, thay đổi phương pháp quản lý. Tuy nhiên nếu cô Nụ không thay đổi được thì lúc đó xử lý kỷ luật, có thể luân chuyển công tác", ông Khôi cho biết.
Vụ việc phức tạp, cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra 
Ông Nguyễn Đức Vui, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Sở đã nhận được đơn của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Lan. Sau khi nhận được đơn, chúng tôi đã gửi ngược trở lại UBND huyện Đan Phượng để xử lý theo đúng chức năng, phân cấp. Chúng tôi không vào cuộc vì không đúng luật vì theo phân cấp là Phòng GD&ĐT huyện, rồi Thanh tra UBND huyện, nếu không thỏa đáng được thì mới lên thẳng Thanh tra thành phố chứ không phải lên Sở hay Bộ GD&ĐT.
Sở chỉ tham gia khi họ mời với tư cách là tư vấn, chứ không phải đơn vị giải quyết trực tiếp. Hiện chúng tôi chưa nhận được báo cáo của Phòng GD&ĐT gửi lên báo cáo sự việc. Theo tôi, vụ việc phức tạp như thế này cần phải có cơ quan điều tra vào cuộc. Nếu những tình tiết đưa ra có thật thì cô hiệu trưởng không thể giữ chức đó được.
Theo Khánh Thuận
(GiadinhNet)

Bình luận (0)