Liên quan đến vụ việc gần 1.200 HS hai trường MN Hoa Mai và Mùa Xuân, thuộc Cục Hậu cần, Quân chủng Phòng không không quân (PKKQ) có nguy cơ không có chỗ học trong năm học 2015-2016 như Giáo dục TP.HCM đã đưa tin. Sáng 5-6, đại diện UBND Q.Thanh Xuân, Phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân, P.Khương Mai, Cục Hậu cần thuộc Quân chủng PKKQ, Hội Cha mẹ HS của hai trường đã họp về vấn đề này.
Mong chuyển trường sang mô hình MN công lập
Tại buổi họp, đại diện cha mẹ HS của hai trường đều có mong muốn là chuyển trường sang mô hình công lập để đảm bảo quyền lợi HS. Ông Lê Cảnh Toàn (Ban đại diện cha mẹ HS (BĐDCMHS) Trường MN Mùa Xuân) cho biết khi nhận được tin trường có nguy cơ giải thể, các phụ huynh (PH) đều “sốc”. Mong muốn của PH trong trường là trường được chuyển sang mô hình công lập để đảm bảo quyền lợi cho các con và PH yên tâm công tác. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Mão (cũng trong BĐDCMHS Trường MN Mùa Xuân) cho rằng việc chuyển sang mô hình trường công lập là mong muốn của tất cả PH có con em đang đi học tại hai trường và của cả nhân dân P.Khương Mai. Còn về phía Quân chủng PKKQ, đại diện Cục Hậu cần, cho biết thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Cục Hậu cần thông báo giải thể hai trường MN Hoa Mai và MN Mùa Xuân. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết Cục Hậu cần, Quân chủng PKKQ cam kết ngày 15-6, cục sẽ có thông báo cụ thể cuối cùng về “số phận” của hai trường này. Thực tế, trong quy định của Bộ Quốc phòng cũng có nhiều trói buộc. Nếu thuê lại địa điểm của hai trường cũng không được vì nghiêm cấm không được thuê đất. Cục đang tính toán sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Còn chuyển hai trường này sang công lập là tốt nhất nhưng phải có lộ trình. Để thực hiện được điều đó thì chắc chắn HS sẽ bị gián đoạn việc học.
Trường MN Mùa Xuân (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) trước nguy cơ giải thể |
Cần có lộ trình cụ thể
Tại buổi làm việc lãnh đạo UBND Q.Thanh Xuân và Phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân đều khẳng định, nếu Quân chủng PKKQ quyết tâm giải thể Trường MN Mùa Xuân và Hoa Mai chắc chắn không thể giải quyết ngay được chỗ học cho gần 1.200 trẻ bởi P.Khương Mai không có đất để xây trường. Nếu xin được đất từ Quân chủng PKKQ thì ít nhất cũng phải mất 1 năm để xây dựng. Trong khi đó, các địa bàn lân cận gồm P.Khương Trung và Khương Đình đều chỉ có một trường MN công lập và số lượng phòng học thậm chí chưa đáp ứng đủ nhu cầu chính con em trong các phường này. Bà Nguyễn Thị Thủy – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân – cho biết việc chuyển đổi mô hình trường cần có lộ trình nhưng trong lúc chờ đợi phải vẫn hoạt động bình thường để cha mẹ HS yên tâm. Bà Thủy cũng khẳng định nếu giải thể, ngành giáo dục của quận không thể gánh được gần 1.200 HS của 2 trường trong năm học này. Bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân khẳng định nếu giải thể thì chắc chắn gần 1.200 HS của hai trường này sẽ “ra đường… học” vì không thể “gửi” các cháu vào trường nào được nữa. Do đó, bà Trang mong muốn trong năm học 2015-2016 chưa thể giải thể được 2 trường và đề nghị Cục Hậu cần báo cáo với Bộ Quốc phòng để tìm hướng giải quyết. Ông Nguyễn Hữu Mão cũng cho rằng hai trường được thành lập cùng với sự ra đời của P.Khương Mai, ngành giáo dục, quận, phường nghiễm nhiên coi đó là 2 trường công lập. Đây là trách nhiệm của phường và quận đã không nghĩ đến kế hoạch lâu dài. Tuy nhiên, phường cũng có đặc thù là phường “PKKQ”. Một tấc đất ở đó là đất của quốc phòng, do đó, cũng có khó khăn. Ngay cả Trường THCS Khương Mai cũng phải xây nhờ bên P.Khương Trung.
Tuy nhiên, nói về việc giải thể, bà Trang cho rằng sự việc vừa qua khiến cho người dân bức xúc có lỗi từ phía ban giám hiệu của hai trường MN vì chưa báo cáo lên quận nhà trường đã đưa ra thông báo. Đáng buồn hơn việc thông báo này lại đưa ra vào thời điểm UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh. Quận cũng đã giao chỉ tiêu cho hai trường.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Theo Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân Lê Mai Trang, việc chủ động xử lý của Quân chủng PKKQ là chưa đúng so với quy định. Theo khoản 6, điều 8, nghị định 115 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục có nêu rõ: Quyết định thành lập (đối với các trường công lập), cho phép thành lập (đối với các trường ngoài công lập), sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể (bao gồm cả các cơ sở giáo dục có sự tham gia đầu tư của các tổ chức, cá nhân nước ngoài) đối với các cơ sở giáo dục MN, trường tiểu học, THCS, THPT có nhiều cấp học (trong đó không có cấp học THPT), trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục khác (nếu có) thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện. Bên cạnh đó, theo quy định, đơn vị muốn giải thể trường phải gửi kế hoạch và nộp hồ sơ về cấp quận/huyện, trong đó nêu rõ lý do giải thể, quy định biện pháp đảm bảo quyền lợi của trẻ em, giáo viên, cán bộ nhân viên trong nhà trường, quyết định phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. |
Bình luận (0)