Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng về vụ việc 60 giáo viên (GV), cán bộ, nhân viên Trường THPT Trần Phú (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) bị nộp thiếu tiền BHXH. Trước đó, trên số báo 1.825 (ra ngày 7-10), Báo Giáo dục TP.HCM đã phản ánh sự việc này…
Trường THPT Trần Phú – nơi xảy ra sự việc ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Ảnh: H.Giang |
Không được nhận BHXH đúng mức đóng
Ông Phan Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho biết: Tháng 6-2013, nhà trường đã phát hiện ra những sai sót trong quá trình thực hiện đóng BHXH cho 154 cán bộ, GV và nhân viên của trường. Thời điểm đó ông Lê Vinh (hiện là Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Quý Đôn) về nhận đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng tại Trường THPT Trần Phú phát hiện ra, khi phía BHXH thông báo cho nhà trường về khoản kết dư lên đến hơn 582 triệu đồng. Tiến hành rà soát bảng lương, phát hiện số tiền kết dư ở BHXH là do một thời gian dài, bảo hiểm của người lao động ở trường này đóng không đúng với hệ số lương thực nhận, phụ cấp thâm niên, phụ cấp vượt khung… Có trường hợp, cùng trong một năm nhưng tháng 6 đang hưởng hệ số lương 3.33, qua tháng 7 hệ số lương chỉ còn 2.34, dù trường hợp đó không hề bị kỷ luật hạ bậc lương. Trường hợp khác là thầy Ngô Văn Bang hệ số lương tại BHXH là 4.98, không có phụ cấp kèm theo. Trong khi đó, thực tế thầy Bang có hưởng thâm niên vượt khung 8% và thâm niên nghề giáo 35%. Trường hợp thai sản của trường, hệ số lương thực tế là 3.33 nhưng đóng tại BHXH lại chỉ ở mức 2.67 (tụt 2 mức)…
Về việc này, ông Lê Vinh cho biết, từ năm 2010 cho đến tháng 6-2013, Trường THPT Trần Phú chưa báo tăng, giảm cho BHXH khi có trường hợp tăng lương, thâm niên, vượt khung. Vì vậy, khi nhà trường chuyển thanh toán cho BHXH đúng, đủ theo mức lương và phụ cấp mà người lao động thực nhận thì có hiện tượng kết dư. Hệ lụy của việc sai sót dẫn đến có 5 trường hợp nghỉ hưu nhưng không nhận BHXH đúng mức đóng. Đơn cử như cô Nguyễn Thị Hiền (nhân viên y tế) khi nghỉ hưu sổ bảo hiểm chỉ có 10 năm; ông Huỳnh Ngọc Tân thời điểm nghỉ hợp đồng với trường không được hưởng chế độ…
Truy nộp BHXH cho khoảng 90 trường hợp
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tháng 7-2013, ông Lê Vinh đã có tờ trình xin ý kiến Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc sở. Ngay sau đó, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp tại Trường THPT Trần Phú (có sự tham gia của kế toán cũ và mới – PV) để tìm hướng tháo gỡ. Tuy nhiên, hồ sơ kế toán cũ bàn giao cho kế toán mới hầu như không có bộ nào hoàn chỉnh, thiếu những quyết định nâng lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên… nên rất khó giải quyết. Sau buổi làm việc này, Giám đốc Sở GD-ĐT thời điểm đó là ông Lê Trung Chinh đã có văn bản kết luận. Theo đó, giao Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (ông Lê Vinh) ra quyết định điều chỉnh, bổ sung đối với các vấn đề liên quan đến quyết định nâng lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung sai hoặc thiếu với sự hướng dẫn của Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT. Ngoài ra, việc truy nộp BHXH cho các GV đã về hưu nhưng chưa được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo và điều chỉnh sai sót trong nâng bậc lương thường xuyên trong thời gian qua của đội ngũ, Sở GD-ĐT sẽ làm việc với BHXH thành phố, sau đó Hiệu trưởng có trách nhiệm chỉ đạo kế toán cũ và mới trực tiếp làm việc với BHXH thành phố để truy nộp, điều chỉnh lương hưu của các GV đã nghỉ hưu, truy nộp BHXH do chênh lệch tiền lương sau khi đã điều chỉnh, bổ sung các quyết định nâng lương có sai sót.
Tuy nhiên, do số tiền bị thiếu quá lớn, không thể giải quyết ngay được nên Trường THPT Trần Phú đi đến thống nhất với BHXH chia thành gói nhỏ (khoảng 30 hồ sơ/đợt) để giải quyết. Theo thứ tự ưu tiên, từ trường hợp thai sản đến những người đã nghỉ hưu hoặc gần về hưu, tiếp đó là những người còn khoảng 3 năm sẽ nghỉ hưu. Sau khi điều chỉnh được khoảng 90 trường hợp thì số tiền kết dư kể trên chỉ còn khoảng 9 triệu đồng. Thời điểm này, ông Lê Vinh cũng có quyết định điều chuyển sang Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn làm Hiệu trưởng.
Kiểm tra việc đóng BHXH đối với toàn bộ GV
Do số tiền kết dư còn lại không đủ để đóng khoản chênh lệch cho 60 trường hợp còn lại. Vì vậy, tại Đại hội Công nhân viên chức mới đây, nhà trường đưa ra giải pháp sử dụng quỹ tiết kiệm, quỹ phúc lợi của trường để bù đắp.
Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Quản lý thu BHXH TP.Đà Nẵng, cho biết: Nếu đơn vị sử dụng lao động nộp đúng, đủ thì không thừa hoặc thiếu. Việc có tiền kết dư là do khi có quyết định tăng lương thì ngay tháng đầu tiên, nhà trường phải báo điều chỉnh cho BHXH cập nhật. Trong tình huống này, từ năm 2013 trở về trước, nhà trường đã không cập nhật kịp thời việc tăng lương nên khi đóng đủ thì có hiện tượng kết dư kể trên.
Ông Long cho rằng, cần rà soát lại toàn bộ quá trình đóng BHXH của trường, thời điểm lên lương của từng người ứng với từng thời kỳ hiệu trưởng, kế toán thời điểm đó để tìm ra nguyên nhân. Trường hợp, người lao động đã nộp BHXH tại giai đoạn đó đúng với hệ số lương cùng các khoản phụ cấp khác, nhưng nhà trường không điều chỉnh lương cũng như các khoản khác tại BHXH thì phải làm rõ số tiền đó đi đâu?
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết: Sở GD-ĐT sẽ thành lập đoàn kiểm tra việc đóng BHXH đối với toàn bộ GV, nhân viên tại Trường THPT Trần Phú từ ngày 11-10 tới. Nếu phát hiện sai phạm, các cá nhân liên quan sẽ bị xử lý theo đúng pháp lệnh cán bộ, công chức và quy định của pháp luật hiện hành”.
Báo Giáo dục TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Hàn Giang
Bình luận (0)