Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ học sinh xô xát tại Trường Quốc tế TP.HCM: Đề xuất UBND TP chỉ đạo cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những ngày qua sự việc mâu thuẫn giữa nhóm học sinh tại Trường Quốc tế TP.HCM đã nhận được sự quan tâm của xã hội. UBND TP.HCM cũng đã có yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM nhanh chóng xác minh thông tin, đề xuất hướng xử lý trên tinh thần đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên phù hợp huynh.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng

Chiều 30-5, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng đối với sự việc này.

Phóng viên: Được biết sáng 30-5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có buổi làm việc với Trường Quốc tế TP.HCM. Quan điểm của Sở GD-ĐT TP.HCM về sự việc xảy ra tại trường vào ngày 26-5 giữa một nhóm học sinh là như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Trí Dũng: Qua trao đổi, nắm bắt thông tin từ phía nhà trường và UBND TP.Thủ Đức, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận thấy đây là sự việc mâu thuẫn giữa một nhóm học sinh trong trường.

Về sự việc này, nhà trường phải là đơn vị chịu trách nhiệm để tìm hiểu và giải quyết, làm sao đảm bảo xử lý vụ việc một cách khách quan, đảm bảo an toàn nhất cho học sinh trong môi trường học tập. Đồng thời, việc giải quyết phải tạo được sự an tâm của phụ huynh, học sinh, đảm bảo quyền lợi của mỗi học sinh khi học tập tại đơn vị nhà trường.

+ Trong câu chuyện mâu thuẫn giữa học sinh, việc ứng xử của các bên liên quan đến thời điểm này đã có những ảnh hưởng đến tâm lý học sinh như phát tán hình ảnh, thông tin học sinh. Đứng ở góc độ quản lý ngành, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có hướng can thiệp, hỗ trợ sự việc này như thế nào, thưa ông?

– Về nội dung này thẩm quyền xác minh, xử lý là của các cơ quan chức năng, nhà trường cần phải liên hệ để có hướng hỗ trợ giải quyết sự việc. Tuy nhiên, về phía Sở GD-ĐT TP.HCM đứng ở góc độ quản lý ngành cũng sẽ có hướng hỗ trợ phù hợp.

Ngay sau buổi làm việc với nhà trường vào sáng 30-5, Sở đã yêu cầu Trường Quốc tế TP.HCM báo cáo lại cụ thể hơn về sự việc. Căn cứ vào sự vụ xảy ra, căn cứ vào báo cáo của nhà trường sau buổi làm việc với Sở, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có các tổng hợp để báo cáo UBND TP.HCM.

Đồng thời Sở sẽ có đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trách nhiệm vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của các học sinh liên quan đến sự việc.

Riêng các nội dung trong các clip phát tán trên mạng xã hội trong thời gian qua có tác động tiêu cực đến tâm lý học sinh, mang tính chất kích động bạo lực học đường, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng sẽ đề xuất UBND TP.HCM có chỉ đạo các cơ quan liên quan có hướng xử lý, làm việc cụ thể với những người đăng tải, phát tán các thông tin này.

Đứng ở góc độ quản lý ngành, Sở GD-ĐT cũng đã yêu cầu nhà trường phải căn cứ vào các quy định Nhà nước về quản lý đối tượng trường tương ứng để tổ chức hoạt động và có báo cáo định kỳ các nội dung liên quan với Sở GD-ĐT TP.

+ Theo ông, với những mâu thuẫn của học sinh trong lứa tuổi thì nhà trường, phụ huynh nên ứng xử như thế nào là phù hợp?

– Học sinh ở bậc THCS, THPT các em đang trong độ tuổi hình thành nhân cách, khẳng định cái tôi cá nhân nên những mâu thuẫn phát sinh trong lứa tuổi này là luôn có dù ở bất kỳ môi trường giáo dục nào, trường công lập, tư thục hay trường quốc tế.

Với những mâu thuẫn này, trước tiên, từ phía góc độ nhà trường cần tìm hiểu, xử lý theo đúng quy trình. Tuy nhiên, trên hết vẫn cần đến mối quan hệ mật thiết giữa gia đình, nhà trường và xã hội cùng phối hợp trong vấn đề giáo dục học sinh.

Đặc biệt, khi có những mâu thuẫn phát sinh trong học sinh thì nhà trường cần phải nhanh chóng vào cuộc để nắm bắt, trước hết là ổn định tâm lý, tinh thần học sinh, phụ huynh; tạo sự an tâm của phụ huynh học sinh khi đến trường và xử lý sự việc nhanh chóng, ổn thỏa, hợp tình hợp lý, không để sự việc kéo dài…

Về phía phụ huynh, khi có sự việc xảy ra phụ huynh cần bình tĩnh, căn cứ vào tâm lý lứa tuổi của học sinh, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để giải quyết sự việc một cách thỏa đáng. 

Về phía Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động chỉ đạo giáo dục học sinh về đạo đức, kỹ năng, giao tiếp, ứng xử trong nhà trường…; yêu cầu các nhà trường, giáo viên phải nắm bắt kịp thời hơn nữa tâm lý lứa tuổi học sinh và xây dựng những giải pháp hỗ trợ đa dạnh, phù hợp…

+ Xin cảm ơn ông!

Yến Hoa (thực hiện)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)