Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Vũ khí tối thượng của HLV Troussier

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Có một điểm chung trong suốt 2 tuần tập luyện của U.23 Việt Nam, trong đó có 4 buổi tập trộn lẫn cùng đội tuyển quốc gia, là HLV Troussier không cho thi đấu đối kháng mà chỉ tập trung kiểm soát bóng, đặc biệt là chuyền và nhận bóng.
Vì sao các cầu thủ Việt Nam thường chuyền bóng kém?
Phải thừa nhận một vấn đề là nếu chỉ xét kiểm soát bóng để tổ chức tấn công thì bóng đá Việt Nam không hơn được Indonesia, Malaysia. Xét về khả năng chuyền và nhận bóng, di chuyển nhịp nhàng để hỗ trợ tạo nên thế trận áp đặt tấn công, cầu thủ Việt Nam không bằng Thái Lan. Những thành công trong khoảng thời gian qua là lối chơi phòng ngự – phản công, sự thận trọng biết mình biết người, biết khai thác và tận dụng tốt những điểm yếu của đối thủ ở những thời điểm quan trọng của trận đấu. Cùng với đó là tinh thần, ý chí, bản lĩnh Việt Nam được HLV Park Hang-seo xây dựng và rèn luyện thành một tập thể gắn kết.
Hùng Dũng (bìa phải) là một trong những cầu thủ Việt Nam chuyền bóng tốt
Ở những trận cầu đỉnh cao như vòng loại thứ 3 World Cup 2022 hay những trận đấu chung kết AFF Cup với Thái Lan, nhược điểm về chuyền bóng bộc lộ một cách rõ rệt. Khi đối thủ đẩy cao đội hình và pressing với cường độ cao, các hậu vệ và thủ môn ngay lập tức lúng túng, buộc phải đá dài hoặc để mất bóng nguy hiểm. Điều này dẫn đến đội tuyển Việt Nam luôn bị động, chỉ biết tập trung tử thủ và chờ đợi sai sót của đối thủ. Nguyên nhân đến từ bộ kỹ năng nhận và chuyền bóng của các hậu vệ, thủ môn, từ khả năng di chuyển hỗ trợ và thoát pressing của các tiền vệ, từ sự sẵn sàng di chuyển vào các khoảng trống để nhận bóng ở phần sân đối phương của các tiền đạo.
Bài học vỡ lòng: chất lượng đường chuyền
"Chất lượng đường chuyền" và "Chuyền bóng vào chân xa" là 2 cụm từ được HLV Troussier nhắc nhiều nhất trong những ngày vừa qua. Với những cầu thủ chuyền bóng, ông không chỉ yêu cầu đường chuyền chính xác về điểm đến, về lực, về tầm mà còn phải đúng thời điểm mà người nhận sẵn sàng. 
Những buổi đầu là chuyền đúng người đúng thời điểm, nhưng những buổi sau đó, ông yêu cầu cao hơn: các đường chuyền phải tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho những hoạt động tiếp theo của người nhận như tách được người kèm, mở ra hướng tấn công mới. Điều này đòi hỏi người có bóng phải quan sát và phân tích tình huống nhanh, đưa ra quyết định lựa chọn đường chuyền chuẩn xác. Người nhận bóng cũng sẽ phải di chuyển linh hoạt, chọn vị trí thuận lợi nhất để nhận bóng. 
HLV Troussier luôn có những đòi hỏi rất khắt khe
Đó cũng là lý do ông Troussier yêu cầu chuyền và nhận bóng chân xa. Đó là một thuật ngữ mới trong bóng đá để các cầu thủ trên sân có được sự liên lạc: người không bóng thì phải di chuyển để có được vị trí, tư thế tốt nhất cho hành động tiếp theo, người có bóng thì phải thực hiện đường chuyền có ý đồ, thuận lợi nhất, xa đối thủ và gợi mở phương án tiếp theo cho đồng đội.
Bóng đá đỉnh cao có rất nhiều triết lý chiến thuật đỉnh cao, nhưng bất cứ trường phái nào cũng đều phải bắt nguồn từ kiểm soát: chuyền và nhận bóng. Qua quá trình tìm hiểu và phân tích bóng đá Việt Nam trong suốt thời gian qua, HLV Troussier đã nhận ra những điểm yếu cố hữu của cầu thủ Việt Nam. Và đó là lý do ông ép họ học lại bài học vỡ lòng chuyền bóng. Ông đang hướng đến việc xây dựng một lối chơi hiện đại hơn, hiệu quả hơn cho bóng đá VN dựa trên khả năng kiểm soát bóng và lối chơi phối hợp ngắn nhỏ, nhanh nhuyễn và đột biến. Rất có thể đợt tập trung đầu tiên chỉ là khoảng thời gian ông cùng các cầu thủ xây móng, hoàn thiện những bước đầu tiên trong việc phát triển bóng từ phần sân nhà. Các đợt tập huấn tiếp theo, những cấp độ phát triển cao hơn sẽ được áp dụng. Đây thực sự là những kế hoạch rất cơ bản nhưng lại cực kỳ chi tiết và mang tính thực tiễn cao để cải thiện những điểm yếu của cầu thủ VN, giúp họ tự tin hơn khi chinh phục những đấu trường, những đỉnh cao mới. 
Cầu thủ U.20 đã tập cùng đàn anh
Ngày 13.3, các cầu thủ đội U.20 Việt Nam gồm Khuất Văn Khang, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Văn Trường và Nguyễn Đức Việt đã có buổi tập đầu tiên cùng U.23 Việt Nam. Từng là học trò của ông Troussier khi còn khoác áo đội U.19 Việt Nam nên cả 4 cầu thủ đã khá quen với triết lý mà "Phù thủy trắng" áp dụng.
Theo một thành viên ban huấn luyện, không hề có sự bỡ ngỡ nào từ phía 4 cầu thủ đàn em và họ đã sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đàn anh, để trước mắt có được suất dự Doha Cup 2023. 
15 giờ chiều nay, đội U.23 Việt Nam sẽ đá giao hữu với đội hạng nhất Phú Thọ tại sân Việt Trì (Phú Thọ). Theo yêu cầu của ông Troussier, trận đấu sẽ đá kín.
 
Nhật Duy (theo thanhnien)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)