Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vu Lan mùa báo hiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày lễ Vu Lan lại đến với mọi người, mọi sinh vật trong trời đất, là dịp để chúng ta bày tỏ lòng hiếu hạnh với cha mẹ, cái đạo với bà con hàng xóm. Qua Kinh Vu Lan bồn, chúng ta càng biết ơn công lao trời biển của đấng sinh thành đã tạo nên hình hài, vóc dáng của mỗi chúng ta, nhất là câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Bạch Tuyết đang trình bày bài vọng cổ Mừng tuổi mẹ trong mùa Vu Lan 2007.  Ảnh: K.N1. Mẹ tôi là một phụ nữ xinh đẹp và đức hạnh. Tuổi thơ mẹ gắn liền với trường Dòng, lớn lên trong vòng tay yêu thương của các bà sơ. Mẹ tôi nhờ vào những tình thương ấy mà trưởng thành trong cái thiếu thốn tình thương của cha mẹ, trong sự suy đoán, tưởng tượng mơ hồ về bóng dáng cha mẹ. Ngày mẹ tôi lên xe hoa về nhà chồng cũng do chính các bà sơ làm chủ hôn. Thế là mẹ tôi trở thành người đàn bà đảm đang và mẫu mực trong gia đình nhà chồng và trong mắt ba. Thế nhưng cái hạnh phúc trọn vẹn ấy không được may mắn tồn tại lâu dài với gia đình tôi. Tám tuổi tôi phải mồ côi mẹ. Tám tuổi tôi đã cảm nhận nỗi mất mát quá to lớn trong đời. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ bị tai nạn ở cái ngày ác nghiệt ấy. Mẹ tôi nằm bất động trên giường. Vẫn khuôn mặt xinh đẹp, ánh mắt hiền hậu mọi ngày, toàn thân thể không một vết trầy xước, tôi hy vọng ngày mai mẹ sẽ khỏe lại để về với gia đình. Nhưng bác sĩ bảo mẹ tôi khó cứu chữa, do bị dập phổi và bể tim. Tuổi thơ, tôi nghe rồi để đó, chứ có hiểu gì đâu. Như có linh cảm chẳng lành, mẹ tôi gọi hai đứa con gái đến, vẫn giọng ngọt ngào: “Má sẽ không còn được ở với các con. Hai chị em con ở lại phải biết yêu thương nhau, đừng để người ta nguyền rủa là con chết mẹ”. Chỉ để lại cho chúng tôi vài câu như là lời trăn trối, thế là mẹ tôi đã mãi mãi ra đi. Trước đó, mẹ thường bảo tôi cố gắng học hành để trở thành luật sư. Bởi mẹ tôi ngày trước cũng từng là học trò giỏi của Trường Nam Vang – Campuchia, do được mấy sơ cho ăn học đến nơi đến chốn. Sự ra đi vĩnh viễn của mẹ để lại trong tôi khoảng trống không thể nào bù đắp được. Tôi chỉ tiếc một điều là mình đã không trở thành một luật sư như lời mẹ mong muốn mà bước chân vào con đường nghệ thuật cải lương. Mặc dù đã có những bước đi đầu đời khá vững vàng, được mọi người khen ngợi, quý mến, tôi vẫn không tìm được niềm vui riêng cho mình. Vì những niềm vui sướng, hạnh phúc của cuộc đời trong những bước chân hàng ngày đi qua, tôi không còn cơ hội chia sẻ với mẹ, mang về cho mẹ. Sau đó, tôi tìm được nguồn đồng cảm từ những đứa trẻ bất hạnh khác. Cho mãi đến sau này, tôi vẫn hay đến các trại mồ côi để thăm hỏi những đứa trẻ thiếu vắng hình bóng cha mẹ. Tôi nghĩ, trong đó có rất nhiều tia sáng tài năng đang còn tiềm ẩn, mình là người đi trước, nên tìm cho chúng một chỗ dựa, vì con người ai cũng cần có một chỗ dựa, nhất là về mặt tinh thần. Bản thân tôi cũng đã vào rất nhiều vai người mẹ trong các vở Gia tài của mẹ, Tình mẫu tử, Con gái chị Hằng, Nỗi lòng người mẹ, Bông hồng cài áo, Tấm lòng của biển… Tôi đã khóc với nhân vật của mình khi có những đứa con hiếu hạnh, hy sinh vì mẹ. Nhưng cũng tự trách những nhân vật sao lại bất hiếu, vô tình với mẹ mình. Cải lương cũng chính là cuộc đời, người xem cải lương sẽ học hỏi hoặc loại bỏ những điều không hay để sống tốt đẹp hơn.

2. Vạn vật sinh ra trong trời đất theo một trình tự bất di bất dịch. Mọi thứ cứ tuần tự xoay chuyển, đổi thay có trước có sau, ở trong ra ngoài, từ trên xuống dưới… và ngược lại. Cha mẹ ta sinh ta ra… Cha mẹ ta lại được sinh ra từ ông bà ta. Ông bà ta lại được sinh ra từ ông bà cố của ta… Và nếu cứ trở ngược về với cội nguồn như thế, hẳn ta sẽ đan kết một chuỗi dài trong vô cùng. Mỗi đời người, may mắn lắm, họa hoằn lắm thì cũng chỉ tưởng niệm được cửu huyền thất tổ, với 9 đời mẹ 7 đời cha. Con cháu hậu sinh tổ chức tưởng nhớ các bậc tiền bối thì cũng chỉ trong vòng 5-7 đời trở lại so với mốc hiện tại mà thôi. Từ đây, ta chợt nhận ra, để sự có mặt này xuất hiện, sự sinh trưởng này tồn tại, ta thọ ơn không chỉ một đời mà bao kiếp. Ở một khoảng cách gần nhất, dễ nhận biết nhất ta được sản sinh từ cha mẹ ta. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, trọn một đời ta không thể trả nổi. Chỉ có bấy nhiêu sự vâng lời, học hành, thành danh, thành nhân để gọi là trả ơn người sinh thành dưỡng dục. Cái chữ hiếu mà từ thuở sinh ra ta đã thuộc nằm lòng, đã biết nắn nót viết bằng chữ in hoa tiếp tục theo đuổi trong ta qua mấy chặng đường gian nan. Đã có những lúc ta vô tình bỏ quên khi sai quấy một điều gì trong suy nghĩ, ta hồ đồ trong mỗi hành vi, dẫn đến những hậu quả, khiến cha mẹ ta phiền não, lo lắng. Cũng đã có lúc, ta đấu tranh giữa sự lựa chọn tốt và xấu, được và mất mà ranh giới quá mong manh, nhỏ bé. Trở lực nào cản ngăn ta không rơi qua mặt trái nếu không vì lòng hiếu đễ canh cánh trong lòng, e sợ điều gì làm tổn hại đến tâm trí của bậc song thân…

3. Ở hình thức thứ nhất của chữ hiếu, những biểu hiện trên chỉ là kim chỉ nam cho lương tâm và bổn phận của mỗi người con khi có mặt trên đời. Và cũng ở hình thức trực tiếp này mà chữ hiếu được nhìn nhận là thước đo đạo đức, phẩm hạnh của một con người. Xét đến cùng, đây chính là chuẩn mực của một thứ tình cảm mang tính cội rễ. Ngay cả người sinh ra ta, nuôi dưỡng ta mà còn không biết yêu thương, kính trọng, giữ gìn, nâng niu, thì nói gì đến những cung bậc tình cảm và những quan hệ gia đình, xã hội khác. Ở hình thức thứ hai, nhân rộng ra, sâu thẳm hơn, hiếu đã trở thành đạo. Nếu hiếu tồn tại trong mỗi người con thì đạo lại tồn tại trong mỗi con người. Hiếu và đạo quan hệ biện chứng để thống nhất và quán xuyến mỗi suy nghĩ và hành vi của chúng ta đầy đủ và trọn vẹn, có trước – sau, có riêng – chung, có nhân – quả. Giáo lý của đức Phật dạy rằng, đừng đi tìm ông Phật bên ngoài, hãy quay về tìm vị Phật đang ngự trị trong mỗi con người.

Tấm lòng cha mẹ bao la như trời biển, tôi thường hát những ca khúc Lòng mẹ, Mừng tuổi mẹ, Anh nhớ về thăm mẹ, Mẹ yêu con … trong mỗi mùa Vu Lan như một món quà tinh thần, lòng thơm thảo của đứa con gái dâng lên mẹ…

Tiến sĩ – nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết

Bình luận (0)