Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vụ mất tích của 300 thủy thủ Trung Quốc tại Liverpool – Kỳ 1

Tạp Chí Giáo Dục

Sự biến mất của các thủy thủ Trung Quốc trên các tàu ngầm Đức trong Thế chiến II đã khiến nhiều đứa trẻ lai Á Âu phải lớn lên mà không biết điều gì đã xảy ra với cha của mình.

Bà Yvonne Foley năm 1973.

Năm 1946, “người cha Thượng Hải” mà Yvonne Foley tin rằng bà chưa từng gặp mặt biến mất. Nhưng Yvonne không phải là đứa trẻ duy nhất mất cha. Cùng năm 1946, có khoảng 300 người Trung Quốc phục vụ trong các đoàn tàu buôn trên biển ở Liverpool trong chiến tranh ở Anh biến mất, để lại sự sợ hãi và nỗi lo lắng cho gia đình họ.

Cuộc tìm kiếm do một phụ nữ có họ Lee khởi xướng hồi tháng 8/1946, được tờ Liverpool Echo và báo News Chronicle đưa tin, đã không mang lại kết quả. Những lý do đằng sau sự biến mất của những thủy thủ Trung Quốc được giới chức Anh giữ bí mật, và có thể sẽ mất hàng thập kỷ nữa cho đến khi sự thật hé lộ. 

“Có rất nhiều bóng tối trong câu chuyện này”, bà Yvonne Foley nói. 

Trong những năm 1940, có khoảng 20.000 thủy thủ lành nghề ở Thượng Hải, Singapore và Hong Kong được thuê để bổ sung vào đội tàu buôn của Anh và thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương, bị các tàu ngầm Đức và xa hơn nữa tràn vào quấy phá. Trên thực tế, Liverpool là trụ sở của các tàu buôn Trung Quốc. 

Nhiều người, trong đó có cha của Foley – một kỹ sư tàu ngầm, đã gặp và phải lòng với các phụ nữ địa phương và sinh sống luôn tại thành phố này. 

Yvonne Foley đã được nghe kể về người bố Thượng Hải của mình. Nhưng mẹ của bà, bà Grace Isherwood, đã tái hôn và chưa từng giải thích lý do tại sao ông bất ngờ bỏ rơi gia đình. “Tôi thậm chí không biết tên thật của bố tôi. Mẹ tôi gọi ông là Nan và nói họ của ông là Young, nhưng nó có thể là Yeung hoặc Yang…”, bà Foley nói. 

Trong nhiều năm, nhiều gia đình khác cũng cho rằng họ đã bị bỏ rơi. Trẻ con lớn lên với cảm giác bị chối bỏ và hoang mang về dòng máu lai Á Âu của chúng. Những người vợ và mẹ của họ thường cảm thấy xấu hổ và tội lỗi và do không có người bảo hộ, nhiều người buộc phải cho con mình đi làm con nuôi. 

Một số đứa trẻ được nhận nuôi khi đó hiện giờ là bạn của Foley, người điều hành trang web Haftandhalf.org.uk dành cho những đứa trẻ Liverpool không biết cha mình là ai. 

Những manh mối

Bà Foley nhớ rất rõ khoảnh khắc sự thật về “những ông bố biến mất” xuất hiện. “Khi đó tôi bị cúm và nằm trên giường ở nhà thì nghe được đài phát thanh địa phương”, bà Foley nói. 

Đó là năm 2002, đài BBC North West phát chương trình có tên Thượng Hải. Nó xoay quanh một thủy thủ về hưu có tên Keith Cocklin và những nỗ lực tìm kiếm người cha mất tích của ông, ông Soong Kwai Sing, ở Liverpool năm 1946. Ông Cocklin khẳng định ông đã thấy những bằng chứng trong hồ sơ lưu trữ của chính phủ về một chiến dịch cưỡng ép hồi hương những thủy thủ người Trung Quốc như cha ông. 

Chương trình phát thanh đó đã thúc đẩy Foley và chồng bà bắt tay vào cuộc tìm kiếm sự thật về cha mình và những người Trung Quốc mất tích khác. Cuộc tìm kiếm mòn mỏi đã đưa họ từ Văn phòng thông tin công cộng London cho tới các kho lưu trữ quốc gia ở Thượng Hải, Đại học Hàng hải Đại Liên, tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Họ đã phát hiện ra những chi tiết bí mật trong lịch sử.

Trần Minh/Báo Tin Tức

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)