Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ một học sinh Trường THCS Quang Trung nhảy lầu: Rất cần sự nhìn nhận khách quan của dư luận

Tạp Chí Giáo Dục

Dư luận những ngày qua quan tâm trước vụ việc em P.B.T – học sinh lớp 9/5 Trường THCS Quang Trung, TP.HCM – nhảy lầu với lý do bị cô giáo chủ nhiệm mắng. Thực hư vấn đề này ra sao?
Sáng ngày 1-4, trong giờ học Anh văn do cô Trương Thị Ngọc Nga (cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 9/5) đứng lớp, vì bị cô giáo khiển trách về điểm kém môn văn, em T. đã lao ra ban công và nhảy từ tầng 3 xuống đất. Đến ngày 5-4, sau khi tỉnh lại, T. khai nhận với cơ quan điều tra rằng do quá xấu hổ trước hành động cô Nga đánh vào tay và nói những lời lẽ xúc phạm nên em mới hành động dại dột.
Thế nhưng, qua tìm hiểu của chúng tôi, T. là một học sinh yếu với sức học ngày càng sa sút. Điển hình là năm lớp 6, T. còn đứng ở vị trí học sinh giỏi của trường, nhưng đến lớp 9, học lực của em “tuột dốc” xuống chỉ còn trung bình. Cụ thể ở học kỳ 1, môn toán em chỉ đạt 3,7; Anh văn 4,0 và văn là 5,0… Gần đây nhất là hai bài văn với điểm số 0 và 0,5 dẫn đến hành động nhảy lầu của T. Với điểm số như vậy, nhiều giáo viên không khỏi ái ngại và lo lắng khi kỳ tốt nghiệp đang đến gần mà văn lại là một trong các môn thi chính. Cô Nga cho biết: “Khi nhận kết quả bài làm của T., tôi không lấy gì làm ngạc nhiên bởi em là một học sinh yếu”. Trước đó, cô cũng luôn nhận được lời phàn nàn từ các giáo viên bộ môn khác về kết quả học tập của T. Nhiều lần làm việc với học sinh này không thấy biến chuyển, cô Nga thông báo trực tiếp cho phụ huynh em T. – vốn là giáo viên cũ của trường trên tinh thần đồng nghiệp để gia đình em nắm bắt tình hình và có biện pháp phối hợp nhằm cải thiện. Cô Nga cho hay: “Nhiều lần điện thoại yêu cầu được gặp trực tiếp nhưng cô Hương – mẹ của T. – luôn thoái thác với lý do bận rộn. Chỉ còn một cách là trao đổi với nhau qua sổ báo bài hằng ngày – là sổ liên lạc giữa phụ huynh với nhà trường – nhưng liên tục một thời gian dài tôi không nhận được sự hồi đáp của cô Hương. Sự thiếu hợp tác của phụ huynh là một trở ngại lớn cho nhà trường”. Còn em T.T.M.L. – người được cô Nga giao nhiệm vụ trực tiếp giúp đỡ T. học tập – khẳng định: “Bạn T. lên lớp rất hay ngủ gật và… quậy. Khi cô giáo nhắc nhở bạn chỉ cười. Thời gian đầu giúp T. học tập, bạn có tiến bộ nhưng càng về sau bạn càng lười và… phá không cho em học nên em không nhận kèm nữa”. L. cho biết, trong thời gian trước Tết Nguyên đán 2010, có lần T. mang ý định muốn tự tử “thông báo” cho nhiều bạn biết nhưng được các bạn khuyên bảo, động viên. Giải thích về sức học kém, cô Hương, phụ huynh của T. cũng thừa nhận có thể do em mắc bệnh viêm xoang phải thường xuyên uống thuốc nên ảnh hưởng đến sức học.
Theo ghi nhận của chúng tôi, khi khai nhận với cơ quan điều tra, các học sinh của lớp 9/5 đều khẳng định không hiểu sao T. lại cho rằng bị cô Nga đánh vào tay trong khi thực tế cô chỉ bấm hai bài văn điểm kém của T. vào sổ báo bài để em mang về trình báo bố mẹ. Trước sự lên án và quy kết trách nhiệm của dư luận, cô Nga cho biết bản thân rất đau lòng, nhiều lúc cô xuống tinh thần vì chịu nhiều áp lực. Các em học sinh kể, quà thăm bệnh cô Nga gửi cho T. phải nhờ các em mang vào và nói là của chính các em vì gia đình T. rất lạnh lùng và quyết tâm không nhận tấm lòng của cô Nga. Tâm sự với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Bích Thuận – Hiệu trưởng nhà trường nói: “Cô Nga là một giáo viên tốt, nhiệt tình trong công tác giảng dạy. Nhiều khi không có giờ lên lớp, cô vẫn vào trường để theo dõi tình hình học tập của các em. Nhất là các tiết truy bài đầu giờ cô luôn có mặt để đôn đốc, động viên các em học tập. Những việc làm này của cô Nga không hề có phụ cấp từ nhà trường, cô làm vì cái tâm của một nhà giáo. Sự việc xảy ra, chúng tôi rất lấy làm tiếc và đau lòng. Bản thân chúng tôi cũng cần lắm sự cảm thông và khách quan nhìn nhận của dư luận để an tâm công tác”…
Bước đầu, cùng với nhà trường, Hội cha mẹ học sinh đã đóng góp được cho gia đình em T. tiền thuốc thang, bổ dưỡng. Nhà trường cũng sẽ cố gắng huy động mọi nguồn lực để chung tay chia sẻ nỗi đau này.
Tuyết Dân

Bình luận (0)