Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vụ một người lập 39 công ty: Luật cho phép lập nhiều công ty

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài 39 công ty đang có thì còn sáu hồ sơ của ông Vi đang chờ cấp.
Không có quy định tước giấy phép đăng ký kinh doanh trường hợp đăng ký làm giám đốc hai công ty cổ phần, không góp vốn đúng hạn.
Từ ngày 15-9 đến 4-11, ông Võ Văn Vi (Đà Nẵng) đã đăng ký thành lập 37 công ty (một công ty TNHH và 36 công ty cổ phần). Các công ty này có vốn điều lệ đăng ký thấp nhất là 500 triệu đồng, 15 công ty đăng ký vốn điều lệ 100 tỉ đồng, sáu công ty đăng ký vốn điều lệ 300 tỉ đồng, hai công ty đăng ký 500 tỉ đồng và một công ty đăng ký đến 1.450 tỉ đồng.
Trước đó, từ năm 2009, ông Vi đã đăng ký thành lập hai công ty (một công ty TNHH và một công ty cổ phần).
Chỉ cấm làm giám đốc…
Về việc tại sao một cá nhân lại có thể đăng ký thành lập nhiều công ty như trường hợp trên, bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết Luật Doanh nghiệp (DN) không cấm một cá nhân đăng ký thành lập nhiều công ty TNHH, công ty cổ phần.
Bà cho biết hiện còn sáu hồ sơ của ông Vi cũng đang chờ cấp. Tuy nhiên, sáu hồ sơ này cũng đăng ký chức danh chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) chứ không đăng ký chức danh giám đốc. Do đó, theo đúng quy trình và quy định thì Sở cũng sẽ phải cấp chứ không có lý do từ chối các hồ sơ này.
Sở đã rà soát 39 giấy chứng nhận đăng ký DN, trong đó ông Vi đăng ký 35 hồ sơ với tư cách chủ tịch HĐQT và hai hồ sơ với tư cách chủ tịch hội đồng thành viên. Luật DN không cấm trường hợp này.
Bà Hòa cho biết khoản 2 Điều 116 Luật DN quy định “giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty không được đồng thời làm giám đốc hoặc tổng giám đốc của DN khác”. Có hai hồ sơ ông Vi đăng ký chức danh giám đốc là hồ sơ Công ty Cổ phần Sách VTI và Công ty Cổ phần Năng lượng VTI.
Sẽ điều chỉnh lại
Về xử lý hai chức danh giám đốc nói trên, bà Nguyễn Thị Hữu Hòa cho biết hệ thống đăng ký kinh doanh hiện là hệ thống điện tử, có hàng rào kỹ thuật để thực hiện các chức năng kiểm tra một người có đăng ký làm giám đốc hai DN. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý hồ sơ, có thể nhân viên tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh đã không thực hiện hết các thao tác kỹ thuật, dẫn đến trường hợp ông Vi đăng ký làm giám đốc hai công ty cổ phần.
Bà Hòa cũng cho biết người đăng ký kinh doanh tự khai và chịu trách nhiệm về các thông tin của mình. Nếu có sơ sót mà đã cấp phép rồi, khi phát hiện thì sẽ làm việc với DN để yêu cầu điều chỉnh lại.
Chiều qua, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với đại diện Cục Thuế thì đại diện Cục Thuế cho biết trong số các hồ sơ thì có 12 hồ sơ có phần thông tin đăng ký thuế là ông Võ Văn Vi làm giám đốc, tổng giám đốc.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết hiện nay việc đăng ký DN thực hiện với cổng đăng ký DN quốc gia. Hiểu nôm na, DN nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong hồ sơ có phần khai thông tin đăng ký kinh doanh và phần thông tin đăng ký thuế. Nhân viên đăng ký kinh doanh tiếp nhận, nhập dữ liệu vào hệ thống điện tử. Đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra chính thông tin về đăng ký kinh doanh. Sau khi kiểm tra sẽ chuyển hồ sơ vào hệ thống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận hồ sơ này, chuyển cho Tổng cục Thuế để Tổng cục Thuế cấp mã số DN (đồng thời là mã số thuế). Cơ quan thuế có hai ngày để kiểm tra thông tin, trong đó kiểm tra chính về thông tin đăng ký thuế. Nếu chấp nhận hồ sơ thì cấp mã, chuyển trả về cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ chuyển về Sở, Sở trả kết quả cho DN. Nếu không chấp nhận hồ sơ thì cơ quan thuế không cấp mã số và nêu rõ lý do để phản hồi cho DN.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng cơ quan đăng ký kinh doanh cũng như cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm kiểm tra thông tin đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, chịu trách nhiệm chính về hồ sơ là DN theo nguyên tắc tự khai, tự chịu trách nhiệm.
Đăng ký vốn: Tự khai là chính
Về việc tại sao một cá nhân có thể đăng ký nhiều công ty với số vốn lớn như thế, đại diện Cục Thuế cũng cho biết ngành thuế cũng có nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự chịu trách nhiệm. Thậm chí, báo cáo tài chính của DN có khai vốn, cũng là tự khai tự chịu trách nhiệm. Nếu khâu hậu kiểm phát hiện vi phạm thì xử lý.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong trường hợp đăng ký vốn mà đến hạn vẫn góp không đủ thì xử lý theo Nghị định 53/2007 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Mức phạt đến 10 triệu đồng nếu góp không đủ số vốn và buộc DN phải góp cho đủ vốn. Tuy nhiên, cả trường hợp đăng ký giám đốc hai công ty cổ phần, không góp vốn đúng hạn thì cũng không có quy định tước giấy phép của các công ty này.
Hậu kiểm việc góp vốn của ông Võ Văn Vi vào các công ty
Theo quy định, trong hồ sơ đăng ký, công ty cổ phần, công ty TNHH có quyền ghi số vốn và ghi thời hạn góp vốn. Giả sử góp vốn bằng thương hiệu trị giá 1 tỉ đồng thì cũng phải có chứng nhận thẩm định giá thương hiệu đó, chứ không phải muốn khai ra sao thì khai. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra vốn của một công ty cũng phải theo quy trình. Ở khâu hậu kiểm có các nguyên tắc về hậu kiểm, ví dụ các DN khai vốn cao sẽ bị chú ý hậu kiểm hơn. Trường hợp ông Vi, khi đăng ký khá nhiều công ty vốn cao (100 tỉ đồng, 300, 500 tỉ đồng) thì phòng hậu kiểm đã đưa vào diện quan sát và cũng đã có kế hoạch kiểm tra, nhất là khi một số công ty mà ông Vi đăng ký có thời hạn góp vốn là 1-11-2011.
NGUYỄN THỊ HỮU HÒA, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP
Nên bỏ quy định cấm làm giám đốc nhiều công ty cổ phần
Luật DN không cấm cá nhân làm giám đốc của nhiều công ty TNHH. Tuy nhiên, cấm cá nhân vừa làm giám đốc công ty cổ phần lại làm giám đốc công ty khác (cổ phần hoặc TNHH…). Ý nghĩa của quy định này là công ty cổ phần có liên quan đến phần vốn của rất nhiều cổ đông, làm giám đốc, giữ quyền điều hành công ty này lại vừa làm điều hành công ty khác thì có thể mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, gây thiệt hại cho cổ đông.
Tuy nhiên, có một điểm mâu thuẫn là Luật DN lại không cấm một cá nhân làm chủ tịch HĐQT nhiều công ty cổ phần, mặc dù chủ tịch HĐQT cũng nắm nhiều quyền lực điều hành công ty!
Quy định cấm làm giám đốc nhiều công ty cổ phần nói trên được xem là không phù hợp thực tế và trong chương trình rà soát, sửa đổi Luật DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị bỏ phần quy định này đi.
Ý kiến đề xuất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
QUỲNH NHƯ
Theo Pháp luật

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)