Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Vú nuôi” thời @: Bài 1: Thèm một tiếng gọi … “cô giáo”

Tạp Chí Giáo Dục

“Buồn nhất là dạy quá trời nhưng đến khi các bé chuyển lên lớp trên vẫn chưa biết nói. Nhiều lúc chúng tôi vẫn nói với nhau, thèm được nghe một tiếng gọi “cô giáo”…”, cô Trần Thị Minh Nguyệt – giáo viên lớp Chim non (6-12 tháng) Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, Q.Gò Vấp – bắt đầu câu chuyện.

Nghề không dành cho người sợ cực

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong lớp 12, Nguyệt đi làm thợ may cho một tiệm gần nhà. Cả ngày cứ hết kim rồi lại chỉ, hết cắt rồi lại may, nhiều lúc Nguyệt có cảm giác mình là một cái máy. Đúng lúc ấy thì người chị họ là giáo viên Trường Mầm non Họa Mi Quận (Q.Gò Vấp) cho biết, trường đang tuyển bảo mẫu…

“Thế là tôi bỏ nghề may chuyển sang làm bảo mẫu. Lúc đó là năm 1994. Công việc của tôi là phụ giáo viên cho trẻ ăn, ngủ, dọn dẹp vệ sinh lớp học và làm vệ sinh cá nhân cho trẻ – mỗi khi trẻ tè dầm, ị đùn ra quần, tôi phải tắm rửa sạch sẽ cho các em. Lúc đầu tôi thật sự rất ngại, có cảm giác dơ bởi vì vào thời điểm đó tôi vẫn chưa lấy chồng sinh con. Hồi đó tôi được phân công làm bảo mẫu ở lớp chồi (4 tuổi), các bé cũng đã lớn nên hay nói. Nghe các bé líu lo suốt ngày, tôi thấy thương và dần dần cái cảm giác sợ dơ lúc ban đầu cũng nhanh chóng qua đi”, cô Nguyệt kể.

Để không bị tụt hậu, năm 1996, cô Nguyệt vừa đi làm vừa đi học (học tại Trường Trung cấp Sư phạm mầm non). Hai năm sau (năm 1998), khi có tấm bằng trong tay, cô Nguyệt được Ban Giám hiệu phân công làm giáo viên nhóm nhà trẻ (24 tháng tuổi). So với thời gian làm bảo mẫu ở lớp chồi thì làm cô giáo ở nhóm này cực gấp trăm lần. “Các bé tuy đã biết nói nhưng cũng chỉ là bập bẹ những từ đơn giản, bởi vậy nhiều khi muốn đi vệ sinh, các bé cũng không biết kêu cô. Đã vậy, ở lứa tuổi này, trẻ cũng rất dễ bị rối loạn tiêu hóa nên tình trạng ị đùn ra quần không ngày nào là không xảy ra. Ít thì 1-2 bé, nhiều thì tới cả chục bé. Thời đó làm gì có bỉm như bây giờ nên mỗi khi trẻ ị đùn là trây trét hết ra người, ra sàn nhà, vây ra cả đồ chơi. Thậm chí, có bé bị tự kỷ, ị ra rồi lấy tay bốc chơi. Lúc đó, giáo viên vừa phải tắm rửa cho trẻ, vừa dọn dẹp vệ sinh phòng học, đồ chơi. Có những bé đi ra phân vừa hôi vừa tanh, tắm 3, 4 lần bằng sữa tắm mới hết mùi. Còn phòng học thì lau đi lau lại mấy lần, đồ chơi ngâm xà bông rồi rửa sạch phơi khô mới dám đem vào lớp cho các bé chơi…”, cô Nguyệt nhớ lại.

Để công việc được nhẹ nhàng hơn, mỗi khi có trẻ nào ị đùn, cô Nguyệt lại ngó đồng hồ coi mấy giờ. Sau vài lần như vậy, cô nhớ được giờ ị của từng trẻ. Và cứ đến giờ đó là kêu trẻ ngồi vào bô. Trẻ ị vào bô tuy giáo viên vẫn phải vệ sinh cá nhân, đổ bô nhưng so với việc ị đùn ra quần thì bớt cực hơn rất nhiều.

“Thực lòng mà nói, với những người sợ dơ thì tuyệt đối không thể làm giáo viên dạy ở nhóm này được. Mỗi khi hướng dẫn giáo sinh tới trường thực tập, tôi thường hỏi các em: Có biết rửa đít cho trẻ không, thấy trẻ ị đùn có ghê không? Em nào nói là sợ dơ tôi đều khuyên chuyển nghề. Bởi, rửa đít, đổ bô cho trẻ là một phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày của giáo viên mầm non, nhất là những cô dạy nhóm nhà trẻ…”, cô Nguyệt chia sẻ.

Cử nhân dạy… trẻ 6 tháng tuổi

Cô Nguyệt đang vui chơi cùng các bé 6-12 tháng tuổi

Từ sáng sớm tới tối mịt chỉ loay hoay với mấy đứa trẻ – hết cho ăn, rồi lại cho ngủ, dạy hát, dạy múa và… dọn phân cho các bé, nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ cần tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp là đủ rồi. Nhưng, những người như cô Nguyệt thì lại không nghĩ vậy. Bởi, giáo viên có chuyên môn càng cao, càng nhiều kinh nghiệm thì trẻ càng được chăm sóc, giáo dục tốt. Vì vậy, năm 2003, cô Nguyệt lại tiếp tục đi học nâng cao (học ĐH chuyên ngành sư phạm mầm non, hệ vừa học vừa làm).

Trình độ chuyên môn càng cao thì cô Nguyệt càng phải dạy lớp nhỏ hơn. Và từ năm học 2014-2015, cô Nguyệt bắt đầu dạy lớp 6-12 tháng. “Lớp chỉ có 12 bé trong khi có tới 2 giáo viên và 1 bảo mẫu nhưng chúng tôi vẫn bị các bé xoay chóng cả mặt. Các bé còn nhỏ nên khóc dữ lắm, nhất là thời gian đầu. Cô giáo vừa bồng, vừa dỗ vừa hát mà bé cũng không chịu nín. Đã thế ngày còn ị tới 3-4 cữ, dẫu có mặc bỉm nhưng vẫn trây ra người, nhất là những bé đi tướt (tiêu chảy). Việc cho các bé ăn cũng cực nữa. Nhiều bé ở nhà chưa biết ăn dặm nên vào trường giáo viên phải tập từ đầu. Cô phải ẵm ngửa bé và cẩn thận đút từng muỗng nhỏ…”, cô Nguyệt mô tả công việc của một “vú nuôi” thời @.

Sáng sớm. Chưa kịp lo cho con nắm xôi hay ổ bánh mì ăn sáng, cô Nguyệt đã hối hả tới trường. Vì có nhiều phụ huynh đi làm xa nên mới 6 giờ 30, thậm chí là 6 giờ 20 đã đưa trẻ tới trường. Nhận trẻ từ phụ huynh, cô bắt đầu liên tay, liên miệng và liên mắt. Tay trái ẵm đứa này, tay phải vỗ về đứa khác, miệng ru đứa này nhưng mắt lại phải quan sát đứa kia. “Nhìn các bà mẹ vất vả nuôi con nhỏ, người ta thường hay nói “Khổ như nuôi con mọn”. Đấy, các bà mẹ chỉ nuôi một đứa mà đã khổ rồi huống hồ chúng tôi nuôi một lúc tới 5-6 cháu thì cực tới cỡ nào. Không những vậy trẻ lại không cùng một mẹ sinh ra nên tính tình cũng khác, chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng khác. Và quan trọng hơn là có trẻ còn phải ẵm ngửa, trẻ mới biết ngồi, đứa lớn hơn một chút thì vừa biết bò nên mỗi bé phải có một chế độ nuôi dạy riêng. Đã cực lại cực hơn” – cô Nguyệt cho biết!

Bài, ảnh: Hòa Triều

LTS:  Tốt nghiệp CĐ, ĐH thay vì ngồi văn phòng thì họ lại đầu tắt mặt tối với mấy đứa trẻ chỉ vừa biết ăn, khóc, ngủ… Sáng – mặt trời chưa ló dạng thay vì đưa con mình đi học, họ lại vội vã tới trường đón con của  mọi người. Chiều – mặt trời khuất dạng đáng lý phải về nhà lo cơm nước cho chồng con thì họ vẫn còn  phải loay hoay với học trò. Họ là những cô giáo đang dạy lớp 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập trên địa bàn TP.HCM. Không ít người gọi đùa các cô là “Vú nuôi” thời @…

“Nói vậy không có nghĩa là không có niềm vui. Trẻ đang nằm trong nôi, thấy cô đi qua cũng biết kêu: “Ơ, ơ”, khi cô giáo gọi thì các bé nhoẻn miệng cười. Với những trẻ biết bò, thấy cô đi đâu là bò theo đó. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ giúp chúng tôi thêm yêu nghề…”, cô Nguyệt tâm sự.

 

Bình luận (0)