– 154 trang thơ, 10 phụ bản ảnh với cảnh đẹp và cả bìa mà người mẫu chính là tác giả, chị tự tin vào thương hiệu “người đàn bà đẹp viết văn” hay muốn chọn cách chưa ai từng làm để trình làng thi đàn Việt Nam?
– Cả hai! Quan điểm về cái đẹp có nhiều cách, tôi không tự nhận mình là người đàn bà đẹp, nhưng tôi yêu và tin vào cái đẹp! Mà cái đẹp ở trong văn thơ tôi vẫn luôn luôn tìm kiếm là cảm xúc nồng nàn chân thực. Đẹp không có nghĩa là phải vượt trội về nhan sắc, mà là cảm quan chân thực mang hơi thở cuộc sống. Ví dụ hình ảnh một người mẹ điên tắm cho con, ánh nhìn rạng ngời tình mẫu tử át hẳn sự dại khôn trong mắt, hay mái tóc rối bù, làn da sạm đen của một nữ công nhân xây dựng, nhưng nụ cười lạc quan trước công trình sắp hoàn thành đúng tiến độ… chắc chắn sẽ luôn là những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Còn với “Nếu yêu thì phải nói”, đây là tác phẩm tôi viết ra với 100% cảm xúc chân thật, nên việc tự mình thể hiện đối với tôi hoàn toàn như một lẽ tự nhiên.
Không phải là cố tình gây sốc hay khác người, nhưng đã là sáng tạo nghĩa là không ép mình theo một lối mòn bất kỳ, bởi mọi sự “giống người khác” chẳng phải là một sự bắt chước hay gây nhàm chán hay sao?
Nhà văn, nhà báo Vũ Quỳnh Hương. Ảnh: Lê Bích |
– Ra mắt tập thơ vào đúng mùa lễ cho tình yêu, vô tình hay bản năng nhạy bén của một nhà báo khiến chị “chớp thời cơ” để chinh phục thị trường?
– Nếu cứ kiên quyết đuổi theo lợi nhuận, chắc chắn thi ca không phải là mảnh đất màu mỡ để gieo hạt kinh doanh. Số bài hát, bài thơ, thậm chí tiểu thuyết bán được số tiền từ 8 con số trở lên với các tác giả Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng nếu đã mất công đầu tư thời gian, trí lực, tình cảm… mà tuyệt đối không thu được hiệu quả thì cũng… hơi buồn.
Tôi tin mình chỉ là một bông hoa nhỏ trong cả một khu vườn thi ca rộng lớn, dịu dàng viết và chân thực yêu, chắc chắn không phải là một “đại thi hào”, nhưng cũng đủ tự tin mà cho rằng dù nhỏ nhoi nhưng cũng có chút sắc hương nhất định, không thể “chờ đến khi khuất bóng” người đời mới đánh giá được là hay hay dở! Hơn thế nữa, nhạy bén trong truyền thông, theo tôi là một điều mà mọi người làm nghệ thuật đều nên có, nhất là trong xã hội hiện đại này.
– Tình yêu tuyệt đối là khái niệm chị từng đưa ra trong tiểu thuyết đầu tay "Trái tim của Sói", nó có còn hiện hữu trong "Nếu yêu thì phải nói"?
– “Bởi tại em luôn muốn nhiều hơn thế / Có bao giờ là đủ đâu? / Mà đủ để làm gì? / Em khạo khờ / Em tham lam / Em cháy bỏng / Cũng chưa bao giờ lấp đầy được hai chữ Yêu Anh”… Đó là một vài câu tôi từng viết. Xét cho cùng, đi tìm một tình yêu tuyệt đối là một việc vô chừng, đeo đuổi cái đẹp “Hoa trong gương, trăng dưới nước” – nghĩa là tưởng cận kề mà vĩnh viễn không bao giờ chạm tay tới được.
Có người cho rằng nhà văn, nhà thơ lãng mạn, nên cứ “bay bổng” mà chân không chạm đất, hoặc phụ nữ hiện đại độc lập về kinh tế, có đủ năng lực về trí lực nên nâng chuẩn đòi hỏi đàn ông quá cao. Tôi, chẳng biết may hay rủi , “được” (hay “bị”) xếp vào cả hai dạng phụ nữ nêu trên.
Thật ra, tôi là người thực tế, chưa bao giờ gạch đầu dòng những thứ phải có ở người đàn ông sẽ ở bên cạnh mình. Nhưng cũng chưa bao giờ có ý định nhân nhượng hay thỏa hiệp mà bỏ đi hai từ “tuyệt đối” bên cạnh khát vọng tình yêu. Nếu tự mình không nuôi dưỡng được ngọn lửa khao khát nhiệt huyết thương yêu trong chính mình, sao có thể trông chờ vào việc người khác sẽ mang nó đến? Cả sống và viết, với tôi đều luôn như vậy.
Một trong những bức ảnh phụ bản trong tập thơ "Nếu yêu thì phải nói". Ảnh: Na Sơn |
– Mãnh liệt sống và mãnh liệt yêu, nhưng thực tế là chị vẫn đang sống độc thân, có gì mâu thuẫn?
– Khi yêu đồng nghĩa với đam mê, tin tưởng, hy sinh, người ta để lộ ra vô vàn “tử huyệt” khiến người khác dễ dàng làm thương tổn mình. Vẫn nói rằng tôi luôn ghét sự lờ vờ, nửa nọ nửa kia, làm gì cũng phải có nhiệt huyết. Nếu xét dưới góc độ cuộc sống, có cái gì đó sẽ bị nhận xét là thái quá, đặc biệt trong chuyện tình cảm. Chắc chắn tôi không thể sống cuộc sống thỏa hiệp “mắt không nhìn thấy tim không đau” trước những người đàn ông ích kỷ chỉ muốn cộng vào chứ không bao giờ trừ đi, hoặc “giả vờ ngu” để “nâng cao sĩ diện” cho ra vẻ một phụ nữ hiền thục.
Yêu là sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chấp nhận chịu đựng, cả sóng gió và khó khăn, thậm chí có thể chết nếu cần. Nhưng nếu đã biết tình yêu dễ dàng làm cho mình thương tổn nặng nề như thế, thì yêu phải yêu cho đáng, hy sinh cũng phải hy sinh cho đáng. Tôi vẫn đang chờ đợi để có thể yêu, để hy sinh hết lòng mà không phải hối hận vì trao tình cảm nhầm chỗ.
Anh Thư (Theo VNE)
Bình luận (0)