Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ sách tham khảo Hướng dẫn ôn tập thi THPT quốc gia năm học 2014-2015: Các trường bị “hớ”?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ sách hướng dẫn ôn tập thi THPT quốc gia 2015 gây nhầm lẫn cho các sở GD-ĐT

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các sở GD-ĐT, các trường, các đơn vị giáo dục khẳng định bộ sách tham khảo Hướng dẫn ôn tập thi THPT quốc gia năm học 2014-2015 của NXB Giáo dục Việt Nam không phải do Bộ GD-ĐT phát hành.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều trường, nhiều sở đã cho học sinh mua để về ôn tập. Đây không phải là lần đầu tiên có sự “nhập nhèm” giữa sách của NXB Giáo dục Việt Nam và sách của Bộ GD-ĐT đứng ra phát hành.
Các trường có bị “hớ”
PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội, khẳng định đây là bộ sách tham khảo của NXB Giáo dục Việt Nam như tất cả các tài liệu tham khảo khác, nhưng chỉ vì nó có tên của một vài người ở Vụ Giáo dục trung học của bộ nên có cảm giác như đấy là của Bộ Giáo dục. Theo PGS. Cương, bộ sách này, Phòng Giáo dục trung học của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thông báo xuống các trường, nếu trường nào có nhu cầu thì đăng ký với sở, không phải công văn bắt buộc. Tuy nhiên, thầy Cương cho biết học sinh trường thầy mua khá nhiều. Khi Bộ GD-ĐT thông báo không phải do bộ phát hành thì trường mới té ngửa. “Tôi nghĩ là do thông báo không rõ ràng, cộng với tên những tác giả của bộ tài liệu này phần lớn làm việc ở bộ nên các trường hiểu lầm. Vì có nhiều tài liệu tham khảo khác nhưng sở có giới thiệu đâu, tại sao bộ sách này sở lại giới thiệu nên các trường tưởng là của bộ. Chính vì vậy mà các trường bị “hớ”. Tất nhiên học sinh mua làm tài liệu tham khảo thì được nhưng không phải mẫu ra đề của bộ năm nay” – PGS. Cương khẳng định.
Cũng liên quan đến bộ tài liệu này của NXB Giáo dục Việt Nam, phó hiệu trưởng một trường THPT khác của Hà Nội cho biết trường có nhận được thông báo của Phòng Giáo dục trung học của Sở GD-ĐT Hà Nội. Nhưng sau khi xem qua, thấy không giống với cách ra đề của năm nay nên trường sợ học sinh hiểu lầm sẽ ôn theo bộ sách nên không khuyến khích các em mua. Chính vì vậy, trường chỉ mua một bộ để lưu trong thư viện, giáo viên, học sinh nào quan tâm thì lên thư viện đọc. Chia sẻ thêm về vấn đề này, vị phó  hiệu trưởng này cho biết hiện nay, dư luận đang có một tâm lý chung đó là lúc nào cũng quan niệm sách của NXB Giáo dục Việt Nam là “chuẩn mực” giống như SGK. Chính vì vậy mà có rất nhiều sự nhầm lẫn.
Liên quan đến việc tại sao Bộ GD-ĐT phải ra công văn khẳng định bộ sách này không phải do bộ phát hành, qua tìm hiểu của phóng viên, nhận thấy, rất nhiều sở GD-ĐT đã gửi công văn xuống các trường dễ gây hiểu lầm cho học sinh. Sở GD-ĐT Sơn La có công văn số 90/SGDĐT-GDPT, ngày 30-1-2015 gửi các trường THPT về việc giới thiệu bộ sách này. Công văn này do Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Duy Hoàng ký có nội dung: Sở GD-ĐT nhận được công văn số 1921/NXBGDVN ngày 15-12-2014 của NXB Giáo dục Việt Nam về việc xuất bản tài liệu Hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014-2015. Bộ tài liệu gồm có 8 môn học, bao gồm cả môn thi bắt buộc và môn thi tự chọn: Toán học, ngữ văn, ngoại ngữ (tiếng Anh), vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Nội dung tài liệu chia làm 2 phần: Phần ôn tập theo các chủ đề (các chủ đề trọng tâm ở các lớp 10, 11, 12) và Phần đề thi rèn luyện, thử sức với nhiều phân tích gợi ý lí thú bám sát cấu trúc đề thi và phương án thi mới của Bộ GD-ĐT (đáp ứng 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao). Để giúp cho giáo viên, học sinh có đủ tài liệu trong việc dạy và ôn tập đạt kết quả cao, bám sát phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Sở GD-ĐT Sơn La đề nghị các trường THPT thông báo tới giáo viên và học sinh đặt mua bộ tài liệu ôn tập nêu trên nếu có nhu cầu. Thừa Thiên – Huế cũng có công văn 229/SGD&ĐT-GDTrH ngày 27-1-2015 do Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Hùng ký về việc đăng ký tài liệu ôn tập theo định hướng, kiểm tra, đánh giá mới của Bộ GD-ĐT. Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế đề nghị lãnh đạo các trường THPT, trung tâm GDTX cho học sinh đăng ký sách ôn tập và tổng hợp số lượng từng loại theo đơn vị.
Như vậy, sau công văn số 1921/NXBGDVN ngày 15-12-2014 của NXB Giáo dục Việt Nam về việc xuất bản tài liệu Hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014-2015, các sở GD-ĐT đã bị nhầm tưởng đây là bộ tài liệu do Bộ GD-ĐT phát hành.
Vì sao nhầm?
Từ lâu, Việt Nam chỉ có một NXB Giáo dục chuyên phát hành sách giáo khoa và rất nhiều các tài liệu tham khảo. Chính vì vậy, mọi người vẫn coi NXB Giáo dục Việt Nam là chuẩn mực, là sách của Bộ GD-ĐT. Không những thế, tác giả của những cuốn tài liệu này rất nhiều người đang làm việc tại Vụ Giáo dục trung học, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT. Đây là hai đơn vị có ảnh hưởng trực tiếp tới việc học và thi của học sinh lớp 12. Chính vì vậy mà chỉ cần có công văn của NXB Giáo dục Việt Nam là người ta tin “sái cổ”. Theo PGS. Văn Như Cương, việc mượn danh nghĩa của người này, người kia để xuất bản là không nên. Ông cho rằng đây là hành động đánh vào tâm lý hoang mang của học sinh để trục lợi. Về mặt pháp lý, hoạt động của NXB Giáo dục Việt Nam không sai, nhưng bộ phải có giải pháp để xử lý những cá nhân của bộ tham gia hoạt động này. Còn GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội thì khẳng định những cá nhân nào đứng tên trên sách thì phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, cũng khó mà phân định rõ ràng NXB lôi kéo tác giả viết sách hay các tác giả chủ động tự nguyện hợp tác với NXB. Tuy nhiên dù là ai viết thì nội dung hướng dẫn ôn thi phải phù hợp với tinh thần của bộ. Chẳng hạn dư luận nói rằng sách hướng dẫn ôn luyện gồm cả nội dung của 1/2 chương trình học lớp 11, trong khi bộ nói rằng nội dung đề thi chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12. Không ai cấm người của bộ viết sách hướng dẫn ôn thi, song theo cá nhân GS. Thuyết những người liên quan đến tổ chức thi cử không nên tham gia viết sách vì sẽ dễ gây những hiểu lầm không tốt cho học sinh. Những tổ chức cá nhân lợi dụng sự hoang mang của thí sinh phụ huynh kiếm tiền cũng thật đáng trách. Có lẽ bộ cũng nên chấm dứt tình trạng này, không nên để nó tiếp tục tái diễn. Chẳng hạn nên có yêu cầu hoặc xử lý những người có liên quan đến bộ sách này.
“Tôi cũng không hiểu sao năm nay thi cử đổi mới nhiều thế mà bộ lại không công bố cấu trúc đề thi. Bây giờ thi cử đổi mới nhiều như thế, tâm lý phụ huynh và thí sinh hoang mang là không tránh khỏi. Chẳng hạn sắp thi ngoại ngữ đến nơi rồi lại lòi ra quy định có câu hỏi tự luận. Thế là tất cả đều hoảng lên, không biết phải ôn thi như thế nào, bây giờ có cái gì từ bộ hoặc tưởng rằng của bộ “trôi ra” là các em túm lấy như vớ được phao cứu sinh”, GS. Thuyết băn khoăn.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)