Tòa soạnThư đi – tin lại

Vụ sai phạm tại ĐHQGHN: Vì sao chưa giải quyết được?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều học viên của Trung tâm ETC lo ngại về khả năng không được công nhận bằng cấp. Ảnh: I.T

Những vi phạm pháp luật tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Trung tâm ETC đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận rất đầy đủ, rõ ràng và đã chỉ đạo xử lý vào ngày 20-11-2012. Tuy nhiên từ đó đến nay việc xử lý có biểu hiện “giậm chân” tại chỗ…
Áp lực số đông
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể trong việc xử lý ĐHQGHN thể hiện ở thông báo số 382/TB-VPCP, tuy nhiên mới đây vào ngày 20-2-2014 Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục gửi thông báo số 73/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra tại ĐHQGHN. Theo đó, các bên liên quan vẫn chưa thể hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc thực hiện thông báo số 382/TB-VPCP.
Thông báo số 73/TB-VPCP cho biết, ngày 22-1-2014, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại ĐHQGHN theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về xử lý sau thanh tra ĐHQGHN tại thông báo số 382/TB-VPCP ngày 20-11-2012 của Văn phòng Chính phủ. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và ĐHQGHN. Trên cơ sở kết quả của cuộc họp và theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận:  Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn chỉnh Dự thảo kết luận thanh tra Trung tâm ETC, báo cáo chính thức kết quả thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo số 382/TB-VPCP.
Giao Bộ Tài chính trên cơ sở kết quả kiểm tra, quyết định việc thu hồi ngân sách Nhà nước đối với các khoản chi không đúng quy định và hướng dẫn ĐHQGHN thực hiện.
ĐHQGHN kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện chưa đúng quy định về quản lý tài chính theo kiến nghị của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 382/TB-VPCP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong quý I/2014.
Theo quan điểm của  ông Nguyễn Mạnh Cường – nguyên Phó trưởng đoàn thanh tra ĐHQGHN thì việc xử lý sau thanh tra kéo dài xuất phát từ ba nguyên nhân. Một là, người có vi phạm pháp luật là một nhóm ít – còn người bị ảnh hưởng đến quyền lợi là học viên (hơn 3.000 người). Nhóm người có vi phạm dùng sức ép của hàng ngàn học viên để làm cho các cơ quan có thẩm quyền khó xử lý. Hai là, Ban lãnh đạo Trung tâm ETC thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại đứng sau và luôn dùng uy tín của một vài vị giáo sư từng là lãnh đạo ĐHQGHN để đối phó với các vi phạm này – dẫn đến cơ quan có thẩm quyền khó xử lý. Ba là, có cơ quan thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chậm trễ và chưa đúng nên đã dẫn tới Thủ tướng chưa thể kết luận được.
“Gia hạn” thời gian, “xin” hạ tiêu chí ngoại ngữ
Theo thông báo số 73/TB-VPCP thì Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện kết luận trong quý I/2014. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại Bộ GD-ĐT chưa thể thực hiện yêu cầu này bởi ĐHQGHN chưa có báo cáo và giải trình một cách đầy đủ.
Theo nguồn tin của phóng viên, hiện tại ĐHQGHN mới thực hiện việc yêu cầu Trung tâm ETC dừng tuyển sinh. Việc khắc phục cũng như kiểm điểm cá nhân liên quan vẫn chưa thể thống nhất để ban hành văn bản. Số học viên tốt nghiệp thạc sĩ của Trường ĐH Griggs được Bộ GD-ĐT công nhận văn bằng là hơn 20 người. Đây là những người đã nộp chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu của Bộ GD-ĐT đưa ra.
Phóng viên cũng đã liên hệ với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT để xác minh thêm về các trường hợp được công nhận văn bằng tuy nhiên lại không được đáp ứng. Trước đó, ông PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Một số học viên đã dùng chứng chỉ giả để xin được công nhận. Thực tế số chứng chỉ không hợp lệ chủ yếu là sửa điểm, sửa kết quả. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã đối chiếu với các đơn vị cấp chứng chỉ này và phát hiện sai lệch. Những người sử dụng chứng chỉ giả đương nhiên sẽ không được công nhận bằng cấp.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT thông tin thêm: Trong quá trình làm việc với Bộ GD-ĐT về xử lý sau thanh tra, ĐHQGHN đã đề xuất xin kéo dài thời gian thêm 1 năm để khắc phục đối với số bằng thạc sĩ của Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN. Theo hướng xử lý trước đó thì Bộ GD-ĐT đề nghị tổ chức cho học viên làm luận văn và hoàn thành bảo vệ luận văn tốt nghiệp theo đúng quy định pháp luật hiện hành về đào tạo trình độ thạc sĩ trước ngày 30-6-2014.
Về yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để được Bộ GD-ĐT công nhận văn bằng thạc sĩ của Trường ĐH Griggs và của Trường ĐH Delaware thì ĐHQGHN xin đề xuất “hạ thấp” xuống so với trước đây.
Trao đổi với phóng viên,Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Đó là kiến nghị, đề xuất của ĐHQGHN, Bộ GD-ĐT không thể quyết định được vấn đề này. Hiện tại Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn tất các khâu để báo cáo lên Thủ tướng và xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo”.
Thiên Lam

Bình luận (0)