Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ sản xuất thuốc chống cúm A/H5N1: Các công ty dược thanh minh

Tạp Chí Giáo Dục

Dự kiến sáng 13-9, 4 công ty Imexpharm, Pymepharco, STADA-VN và Pharimexco sẽ tổ chức họp báo nhằm cung cấp thông tin về việc sản xuất, cung cấp thuốc Oseltamivir cho kế hoạch dự trữ thuốc chống cúm A/H5N1 của Bộ Y tế. Trước đó, một số tờ báo đã liên tiếp đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vụ việc này…

Thuốc Tamiflu. Ảnh: I.T

Ngày 10-9, trong buổi giao ban báo chí tại TP.HCM, giải thích về lý do được chọn tham gia dự án sản xuất thuốc Oseltamivir, cả 4 công ty cùng khẳng định: “Chúng tôi là những công ty hàng đầu về công nghệ và năng lực sản xuất của ngành dược VN. Do đó ngay từ đầu chúng tôi đã hiển nhiên được đưa vào danh sách 10 công ty có đủ điều kiện sản xuất mặt hàng này. Chúng tôi không hề vận động để được lựa chọn mà do Bộ Y tế quyết định giao trách nhiệm”…
Giá thuốc thấp nhất khu vực?
Giải thích về việc không mua nguyên liệu của Roche giá 12.000 USD/kg mà lại mua nguyên liệu ở nơi khác giá cao hơn (17.500-18.000 USD/kg), các công ty nhấn mạnh: “Chúng tôi không hề nhận được lời chào hàng nào từ Roche. Một yếu tố khác cần nêu ra là theo thông tin của báo chí, Roche cam kết cung cấp nguyên liệu cho Bộ Y tế VN với giá 12.000 USD/kg. Theo lý thuyết, với giá nguyên liệu này, mỗi kg sẽ sản xuất được 10.000 viên Tamiflu với giá thành ước lượng là 1,3 USD/viên nhưng thực tế Roche bán thuốc cho Bộ Y tế với giá 39.600 đồng/viên (2,49 USD). Trong khi chúng tôi mua nguyên liệu với giá 17.500-18.000 USD/kg mà có thể cung cấp cho Bộ Y tế với giá 1,75 USD/viên. Với sự chênh lệch giữa chào giá nguyên liệu và giá bán thành phẩm như trên, liệu Roche có nghiêm túc bán nguyên liệu cho VN sản xuất không và chất lượng nguyên liệu đó như thế nào?”.
Mặt khác, các công ty này cũng cho biết trong bào chế dược, việc sử dụng nguồn nguyên liệu nào trong sản xuất còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như sự hỗ trợ của nhà sản xuất nguyên liệu về hồ sơ chuyên môn, mối quan hệ hợp tác lâu dài với đối tác cung cấp, sự hỗ trợ kỹ thuật trong trường hợp sản phẩm mới mà nhà sản xuất thành phẩm chưa có kinh nghiệm… “Nếu xem xét toàn diện, việc mua nguyên liệu từ Roche hàm chứa rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp sản xuất. Đây là một quyết định kinh doanh rất bình thường, không ai có thể ép buộc doanh nghiệp phải nghe theo”, các công ty dược khẳng định.
Cũng theo các công ty này, họ không bán nguyên liệu cho Bộ Y tế mà là cung cấp thuốc Oseltamivir 75mg thành phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng của thành phẩm trong suốt thời gian quy định của hợp đồng.
“Giá 1,75 USD/viên – giá thấp nhất trong khu vực là do Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất ấn định cho các công ty sau khi hai bộ đã khảo sát giá tại Thái Lan: 1,75 USD/viên, Bangladesh: 1,8 USD/viên, Indonesia: 2 USD/viên, Ấn Độ: 2,5 USD/viên và Trung Quốc: 2,59 USD/viên”, các công ty dược cho biết.
Giá rẻ hơn nhưng chất lượng ngang nhau?
Tuy mua nguyên liệu với giá cao hơn giá của Roche (cam kết với Bộ Y tế) từ 5,5-6 USD/kg nhưng giá bán thành phẩm của các công ty dược này lại thấp hơn Roche 0,74 USD/viên. Vậy chất lượng của hai loại thuốc này có ngang nhau?
“Về công nghệ bào chế ra thành phẩm, các nhà máy của chúng tôi hoàn toàn đủ điều kiện để sản xuất ra thành phẩm đạt tiêu chuẩn tương đương với Roche. Tiêu chuẩn thành phẩm Bộ Y tế đặt ra trong hợp đồng với chúng tôi hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn của Roche. Điều này đã được chứng minh qua việc các cơ quan kiểm nghiệm nhiều lần lấy mẫu thuốc do chúng tôi sản xuất và kiểm tra, kết quả đều đạt chất lượng”, các công ty này khẳng định.
Về hạn dùng của thuốc, việc cung cấp thông tin nguyên liệu của Roche có hạn dùng 10 năm là hoàn toàn không có cơ sở. Thực tế, ngày 18-8-2009, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo việc gia hạn sử dụng cho thuốc này tùy thuộc vào cơ quan quản lý dược các nước và EMEA (Cơ quan Quản lý dược châu Âu), Mỹ, Canada, Úc, Hongkong đã chính thức gia hạn sử dụng thêm 2 năm cho các thuốc hiện đang tồn kho. “Tuy nhiên, theo quy chế dược, dù chúng tôi có sử dụng nguồn nguyên liệu với hạn dùng 5 năm thì hạn dùng của thành phẩm sản xuất ra cũng vẫn chỉ được phép công bố lần đầu là 2 năm vì mới đưa vào sản xuất. Việc gia hạn sử dụng khi hết hạn dùng đã công bố này căn cứ trên dữ liệu độ ổn định của thuốc và là một quyết định rất bình thường đối với các thuốc tồn trữ chống dịch tại các quốc gia trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng xin thông báo hiện nay các thuốc đang tồn kho do chúng tôi sản xuất từ năm 2006 vẫn còn đảm bảo chất lượng như khi mới sản xuất nhưng rất tiếc lại không được gia hạn sử dụng”, các công ty dược bức xúc.
Hòa Triều
Ngày 6-9, các công ty này đã có đơn kiến nghị khẩn cấp (lần thứ 4) gửi Thủ tướng, các phó thủ tướng, Tổng Thanh tra và Phó tổng Thanh tra Chính phủ về việc: “Kiến nghị giải quyết những bất hợp lý trong dự thảo kết luận thanh tra việc thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc Oseltamivir của các doanh nghiệp cho Bộ Y tế”. Theo đó các công ty kiến nghị Chính phủ cho phép không hoàn lại số tiền theo kiến nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ; xem xét lại nội dung đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ: “Chuyển cơ quan điều tra làm rõ giá mua nguyên liệu của các công ty”. Vì đây là một hợp đồng kinh tế nên phải được giải quyết theo pháp luật và thông lệ tranh chấp kinh tế.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)