Tamiflu không chỉ điều trị cúm A/H5N1 mà điều trị cả cúm A/H1N1 (Bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên tại Việt Nam điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới) |
Khoảng 6 tháng trước, C37-Bộ Công an và Đoàn Thanh tra Chính phủ đã làm việc với 4 công ty (gồm Imexpharm, Pymepharco, STADA-VN và Pharimexco) về việc sản xuất thuốc Oseltamivir (thuốc chống cúm A/H5N1). Sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu 4 công ty nộp trên 6,6 triệu USD vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra và đề nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ giá mua nguyên liệu của các công ty…
Ngày 13-9, tại TP.HCM, 4 công ty này đã tổ chức họp báo để giãi bày những vấn đề liên quan đến việc sản xuất thuốc Oseltamivir (thuốc phòng chống cúm A/H5N1) của Bộ Y tế.
Bán thuốc chứ không bán nguyên liệu
Cuối năm 2005, đại dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1) bắt đầu đe dọa toàn thể nhân loại. Và theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì Việt Nam là một điểm nóng, dự kiến đỉnh dịch vào tháng 3, tháng 4-2006.
Theo đó, Bộ Y tế và các bên liên quan đã có buổi họp với đại diện của Roche. Tại đây, Bộ Y tế đã đặt hàng 25 triệu viên Tamiflu nhưng Roche trả lời phải đến tháng 8-2006 mới có thể cung ứng thuốc. Trong khi đó, tại Quyết định 1259 (ký ngày 24-11-2005), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến ngày 30-6-2006, phải dự trữ đủ 30 triệu viên thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphat.
Trước tình hình này, cuối tháng 11-2005, Bộ Y tế đã kêu gọi các công ty dược trong nước bằng mọi cách tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ chống dịch và gấp rút triển khai nghiên cứu sản xuất thành phẩm Oseltamivir 75mg.
Sau đó các công ty dược đã báo giá cho Bộ Y tế, cụ thể Công ty CPDP Trung ương báo giá thành phẩm là 40.000đ/viên (tương đương giá của Roche – 39.600đ/viên = 2,49 USD/viên), Công ty CP Thương mại dược phẩm Đông Nam báo giá nguyên liệu là 19.500 USD/kg, Công ty CPDP Domexco là 20.000 USD/kg (tất cả nguyên liệu trên đều có nguồn gốc từ Ấn Độ)… Trong khi đó, “4 công ty Imexpharm, Pymepharco, STADA-VN và Pharimexco báo giá thành phẩm là 1,9-1,92 USD/viên, giá nguyên liệu từ 17.500-18.000 USD/kg”, bà Trần Thị Đào – Tổng giám đốc Công ty CPDP Imexpharmcho biết. Và các công ty này đã được Bộ Y tế chọn.
Tuy vậy, sau khi đi khảo sát giá tại một số nước và thấy giá của Thái Lan là thấp nhất – 1,75 USD/viên, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ấn định giá cho 4 công ty. Và ngày 17-1-2006, Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua 20 triệu viên thuốc Oseltamivir 75 mg thành phẩm của 4 công ty này với giá 1,75 USD/viên (tương đương 27.765,5 đ/viên).
“Với hợp đồng này, chúng tôi chỉ bán thuốc chống dịch cho Bộ Y tế chứ không phải bán nguyên liệu. Việc chúng tôi mua nguyên liệu ở đâu, giá như thế nào là quyền của chúng tôi”, ông Huỳnh Tấn Nam – Giám đốc Công ty CPDP Pymepharco nhấn mạnh.
Tiền bù lỗ chứ không phải “hoa hồng”
Theo bà Đào, việc Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu nộp số tiền bồi thường hao hụt của 4 công ty dược vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra là không có cơ sở pháp lý và cương quyết không nộp.
Bà Đào giải thích: “Về khoản tiền bù lỗ (hơn 2,8 triệu USD) của 3 công ty Imexpharm, Pymepharco và STADA-VN, khi tiến hành sản xuất, do đây là sản phẩm mới, hiệu suất của chúng tôi đã không đạt được 10.100 viên/kg nguyên liệu như lý thuyết nên dẫn đến hạch toán lỗ. Trước tình hình đó, chúng tôi phải thương thảo lại với nhà cung cấp vì theo thỏa thuận kỹ thuật và công nghệ, quy trình đã chuyển giao phải đảm bảo số lượng thành phẩm lý thuyết. Cuối cùng đã được đối tác chấp nhận bồi thường. Số tiền này đã được 3 công ty đưa vào quyết toán năm 2006 và được các công ty kiểm toán trong, ngoài nước xác nhận. Số tiền này thực chất là do các công ty thương lượng để giảm lỗ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không phải tiền “hoa hồng”. Riêng khoản tiền 3,8 triệu USD của Công ty Pharimexco là do công ty thương thảo với đối tác về phương thức thanh toán và đã được đối tác cho phép trả chậm đến hết năm 2010. Việc này đã được Ngân hàng Nhà nước ghi nhận và cho phép”.
Ông Ông Văn Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Stada-VN cho rằng, vào thời điểm đó nếu không có 4 công ty này, Bộ Y tế mua thuốc của Roche thì ngân sách nhà nước phải chi thêm trên 240 tỷ đồng. “Như vậy, bằng việc sản xuất trong nước, các doanh nghiệp đã góp phần tiết kiệm được một khoản tiền lớn cho ngân sách và quan trọng hơn là góp phần đảm bảo được độc lập tự chủ quốc gia về an ninh y tế, góp phần vào chính sách an dân của Đảng và Nhà nước ta”, ông Dũng nói.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Phó giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Y dược TP.HCM cho biết: “Tại thời điểm đó Việt Nam sản xuất được thuốc chống cúm A/H5N1 là một niềm tự hào của ngành dược, không phải quốc gia nào cũng làm được. Chúng ta đang ưu tiên dùng hàng Việt, tại sao trong nước sản xuất được lại cứ phải nhập khẩu…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Việc cơ quan điều tra, thanh tra hoàn toàn dựa vào thông tin do Roche cung cấp để đánh giá, kết luận sự việc trong khi về bản chất chúng tôi là những người cạnh tranh với Roche đối với sản phẩm này. Điều này thực sự là một bất công và buộc chúng tôi phải nghĩ đến những vấn đề phía sau của sự thiên lệch này”, bà Trần Thị Đào – Tổng giám đốc Công ty CPDP Imexpharm bức xúc. |
Bình luận (0)