Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vụ tháo dỡ biệt thự trên 100 tuổi tại TP.HCM: Ở biệt thự cổ cũng… khổ

Tạp Chí Giáo Dục

Việc chủ nhân cho tháo dỡ căn biệt thự số 237 đường Nơ Trang Long một lần nữa cho thấy công tác quản lý, bảo tồn biệt thự cũ tại TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập.

Căn biệt thự hơn 100 tuổi lọt thỏm trong hàng rào sắt, tường, kèo… tháo bỏ dở dang (ảnh chụp sáng 28-6)

Tháo dỡ biệt thự trước 1975 phải xin phép thành phố

Các chuyên gia cho rằng, công tác bảo tồn biệt thự tại TP.HCM nhiều năm nay được các cơ quan, ban ngành đặc biệt quan tâm, song thực tế vẫn còn nhiều chuyện rối rắm. Trả lời báo chí, ông Phạm Trần Hải (Phó phòng Nghiên cứu Quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) cho biết: Những căn biệt thự xây dựng từ trước năm 1975 muốn tháo dỡ phải có sự đồng ý của Chủ tịch UBND TP.HCM và thẩm định của Sở Quy hoạch Kiến trúc. Ông Hải khẳng định, những quy định ấy thể hiện tại công văn số 3606/ UB-QLĐT ngày 19-10-1996 của UBND TP.HCM.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố hiện còn khoảng hơn 1.000 căn biệt thự cũ, trong đó có khoảng 100 căn xây từ thời Pháp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, biệt thự 237 Nơ Trang Long có diện tích gần 500m2 được chủ nhân rao bán với giá 35 tỷ đồng (thời điểm 2015). Theo giới mua bán bất động sản, sở dĩ có giá thấp như vậy là vì biệt thự đã xuống cấp, khó có thể sửa chữa, phục dựng theo thiết kế ban đầu. Những năm kháng chiến chống Mỹ, căn biệt thự này là nơi lui tới của các tướng lĩnh. Được biết, đây là một biệt thự có tuổi đời trên 100 năm, xứng đáng xếp vào nhóm 1, tức nhóm biệt thự có giá trị điển hình về mặt kiến trúc.

Theo đó, ngay sau khi nhận tin báo của người dân về một ngôi biệt thự cần được bảo tồn, chính quyền Q.Bình Thạnh đã có mặt kịp thời, kiểm tra và chỉ đạo tạm ngưng tháo dỡ.

Sáng 28-6, có mặt tại căn biệt thự nói trên, chúng tôi thấy phía trước đóng kín cổng, hàng rào sắt bao bọc, bên trong tường, kèo… tháo bỏ dở dang. Bên ngoài còn có sự xuất hiện của những nhóm người chuyên thu mua đồ cũ, đồ cổ. Theo người dân địa phương, những người này đến đây cả ngày lẫn đêm mong gặp chủ nhân để mua lại những gì còn sử dụng được.

Luật sư Nguyễn Hồng Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) thông tin: Tự ý tháo dỡ kết cấu ban đầu của biệt thự cổ có thể bị xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Thông tư 38 của Bộ Xây dựng và Nghị định 121 của Chính phủ. Về hướng xử lý tiếp theo, một cán bộ UBND Q.Bình Thạnh cho biết, trước mắt cho tạm dừng tháo bỏ và chờ chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Khổ vì… ở biệt thự cổ

Nhiều năm nay, chủ nhân của những căn  biệt thự cổ phải hết sức vất vả vì biệt thự xuống cấp nhưng không được phép duy tu, sửa chữa. Ông Ngô Đình Tuấn, chủ nhân một căn biệt thự tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè ngán ngẩm: “Các hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Kêu bán cũng chẳng ai dám mua vì không thể sửa chữa”. 

Ông Tuấn cho biết thêm, người ta mua biệt thự cổ là để ở hoặc kinh doanh nhưng gặp không ít rắc rối từ thủ tục xin giấy phép duy tu, sửa chữa, bao năm chờ đợi không có kết quả đành phải rao bán với giá rẻ. “Ai nói ở biệt thự cổ là sướng, còn tệ hơn là ở nhà tranh vách đất. Không gì khó như đi xin giấy phép duy tu, sửa chữa nhà, biệt thự cổ”, ông Tuấn nói.

Có những căn biệt thự trông bên ngoài nguy nga, cổ kính, xứng đáng là một công trình kiến trúc gắn với lịch sử, văn hóa nhưng vào bên trong thì cũ nát, rệu rã chắp vá có thể ngã đổ bất cứ lúc nào.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Hoàng (TP.HCM) cho rằng, việc người dân tự ý tháo bỏ biệt thự là cũng vì không thể để tiền tỷ phơi nắng mưa. “Sửa để ở không được, bán không xong thì đập bỏ xây mới chứ để làm gì, trong khi đó Nhà nước không có một chính sách hỗ trợ gì”, ông Hoàng nói.

“TP.HCM cần nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, phân loại, bảo tồn biệt thự cũ. Hội đồng thẩm định và đánh giá cũng cần được thành lập với các thành viên có chuyên môn thuộc Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Văn hóa – Thể thao, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM…”, ông Hoàng đề  xuất.

Bài, ảnh: Trần Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)