Tòa soạnThư đi – tin lại

Vụ thầy giáo có hành vi bạo lực: Bài cuối: Vì đâu nên nỗi?

Tạp Chí Giáo Dục

Mối bất hòa giữa thầy Bần và cha cùng các anh chị em kéo dài gần 4 năm qua đến không thể ngồi lại giải quyết, vì sao?
Ngoài căn nhà nằm trên thửa đất khá rộng như đã thông tin với bạn đọc, không bị tranh chấp thì mâu thuẫn của gia đình ông Bồ phát sinh từ một mảnh đất khác có diện tích hơn 10.000m2. Qua tìm hiểu của chúng tôi, mảnh đất này do vợ chồng ông Bồ và bà Sáu tạo dựng được vào năm 1961. Hai vợ chồng ông cải tạo và canh tác đến năm 1990 thì sức khỏe yếu, bệnh tật nên thỏa thuận giao lại toàn bộ cho con trai là thầy Bần một mình canh tác, gìn giữ. Đồng thời, vợ chồng thầy Bần có trách nhiệm chăm lo cho cha mẹ bởi lúc này, hầu hết các anh em của thầy đều lập gia đình và đi làm ăn xa hoặc chuyển đến nơi khác sống. Theo thầy Bần, sự “ra đi” của các anh em kéo dài từ năm 1990 đến năm 2005 mới… lần lượt trở về. Trong khoảng thời gian này, do cơ quan Công an xã Bình Chánh nhiều lần tiến hành kiểm tra hộ khẩu của ông Bồ, thấy có nhiều người vắng mặt mà không xin tạm vắng nên ông Bồ làm đơn xin xác nhận một số thành viên có tên trong hộ khẩu nhưng không có mặt ở nhà cả ngày lẫn đêm. Ông Bồ còn khẳng định thời điểm này vợ chồng ông sức khỏe kém không làm gì nổi, chỉ nhờ duy nhất người con trai là thầy giáo Tô Thanh Bần chăm sóc, lo toan mọi việc.
Mâu thuẫn phát sinh từ lúc các người con còn lại của ông Bồ tụ họp đông đủ và cùng nhau ngồi lại thỏa thuận chia đất. Bấy giờ, họ mới phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thửa đất hơn 10.000m2 nói trên) của gia đình đã không còn do bị thầy Bần dùng thế chấp vay 150 triệu đồng để làm ăn, trang trải việc gia đình. Thầy Bần cho biết: “Do anh em đều cho rằng tôi “lấy cắp” và tự ý sử dụng một mình nên sau khi chuộc về, họ luôn tìm cách gây chuyện”. Tuy nhiên, qua xác minh của chúng tôi, lúc cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi vay, thầy Bần có hỏi ý kiến cha và được ông Bồ đồng ý bảo lãnh (có biên bản và chữ ký xác nhận của ông Bồ).
Khi có lại giấy tờ, dù không có mặt thầy Bần nhưng các anh em thầy vẫn tự ý chia đất. Theo đó, thỏa thuận chia được lập vào tháng 9-2007, thầy Bần chỉ nhận được phần diện tích đất ngang bằng với các anh em khác trong gia đình (mỗi người gần 1.000m2). Vì không có mặt, không đồng ý với thỏa thuận nên tháng 3-2008, khi thầy Bần đang làm việc trên thửa đất nói trên (công việc thầy đã làm từ năm 1990 đến thời điểm này) thì bị ông Bồ cùng một số người khác dùng cây gậy đuổi đánh, không cho làm. Từ đó đến nay, thầy Bần không còn được canh tác trên diện tích đất nói trên nữa. Không những vậy, vào năm 2000, xin phép cha, thầy Bần có trích khoảng 2.000m2 đất để lên nền, dự tính xây nhà, nhưng hiện tại, do bị đuổi đánh nên trên phần đất lên nền ấy không phải là căn nhà của thầy mà xuất hiện hai căn nhà của hai thành viên khác trong gia đình. Thầy Bần đau đớn bởi ông Bồ trước sau bất nhất, sự xuất hiện của các anh em khiến ông “quay lưng” với người con gần 20 năm phụng dưỡng mình!
Thầy Bần cho biết: “Công sức 17 năm gìn giữ, cải tạo đất của tôi giờ coi như đổ sông đổ biển, khi đất còn khô cằn, chưa có giá trị thì các anh em bỏ đi, không thèm canh tác, nay họ trở về để đòi phần sở hữu của mình và chia cho tôi một phần ngang bằng họ khiến tôi rất buồn và uất ức”. Mâu thuẫn gia đình từ việc tranh chấp đất đai đến nay vẫn chưa được giải quyết, phần thầy Bần, liên tục 4 năm qua cũng mất quyền canh tác, sử dụng đất và hiện tại đang rơi vào tình cảnh không có nhà, không có đất như đã nói trên…
Tuyết Dân
Về việc là một giáo viên nhưng có hành vi bạo lực gia đình đã gây ảnh hưởng đến uy tín, đạo đức nghề giáo khiến dư luận thời gian qua không đồng tình. Do vậy, chúng tôi thông tin đến bạn đọc những uẩn khúc, nội tình sự việc một cách khách quan để bạn đọc nhìn nhận, chia sẻ.
 

 

Bình luận (0)