Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ tranh chấp đất giữa Trường THPT Lê Quý Đôn với ngân hàng: Kiến nghị thành phố tìm đất hoán đổi cho ngân hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều ngày 30-3 vừa qua, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với các sở, ban ngành và đại diện của hai đơn vị là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (NHTMCPCTVN) và Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3 về việc tranh chấp phần đất giữa hai đơn vị này. Tiếp theo vào sáng 14-4, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM tiếp tục có cuộc họp với các sở, ngành nhằm lắng nghe các bên trình bày để làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến dự án xây dựng tòa nhà của NHTMCPVN tại số 112 Nguyễn Thị Minh Khai.
Đây là khu nhà biệt thự, nằm trong ô phố bao quanh bởi các tuyến đường Lê Quý Đôn – Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần. Tháng 7-1999, UBND TP có quyết định phê duyệt các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước ở quận 3, trong đó có khu vực này. Ngày 10-9-2007, Sở Xây dựng đã có văn bản số 6963/SXD-QLN báo cáo vụ việc lên UBND TP.HCM. Theo công văn 6963, từ 30-4-1975 đến nay, ba cơ quan Nhà nước đã vào tiếp quản toàn bộ quần thể kiến trúc của khu tứ giác nói trên. Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp quản Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn. Phần diện tích còn lại gần 1.300m2 do NHCT VN và Bộ GD-ĐT quản lý. Bộ GD-ĐT bố trí cho bốn hộ dân là cán bộ, công nhân viên sử dụng phần diện tích 833m2. Phần đất còn lại là của NHCTVN diện tích gần 450m2 (trong phần đất 1.300m2) có vị trí tiếp giáp với phần đất của bốn hộ nói trên và Trường THPT Lê Quý Đôn. Sở GD-ĐT có công văn đề nghị Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà TP.HCM không giải quyết cho bốn hộ dân này khi họ đề xuất được mua lại phần diện tích đang sử dụng. Từ những kết quả làm việc nói trên, ngày 6-12-2007, UBND TP.HCM đã chỉ đạo xử lý “dứt điểm” vụ việc trong công văn 8469/UBND-ĐTMT. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của các sở, ban, ngành, UBND TP.HCM đã quyết định không bán khu nhà nói trên cho bốn hộ lưu cư đang sử dụng, do khu vực này thuộc khuôn viên để thực hiện dự án đầu tư mở rộng Trường THPT Lê Quý Đôn. Công văn này cũng chỉ rõ: giao cho các cơ quan có thẩm quyền xây dựng phương án di dời tổng thể (bao gồm cả khu nhà số 112 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3). Đồng thời hối thúc Sở GD-ĐT cùng Trường THPT Lê Quý Đôn và UBND Q.3 khẩn trương thực hiện thủ tục đầu tư mở rộng trường. Năm 2010, ngân hàng (NH) có nhu cầu xây dựng trụ sở làm việc, Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TP đề xuất hai phương án kiến trúc. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên hiện trạng kiến trúc công trình và phương án 2 cho xây dựng tầng cao tối đa là bốn tầng. UBND TP chấp thuận phương án 2, Sở Xây dựng TP cấp phép xây dựng tòa nhà cho NH.
Tại buổi làm việc ngày 30-3, ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch thường trực UBND TP đặt câu hỏi: TP đã có chủ trương và cụ thể bằng các văn bản chỉ đạo, vậy tại sao đến bây giờ các sở, ban ngành vẫn chưa hoàn chỉnh được phương án di dời, mở rộng trường? Đại diện Sở Xây dựng giãi bày: Tháng 12-2010 sở nhận được hồ sơ xây dựng của NH, với đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Vì vậy, sở phải cấp giấy phép để NH được xây dựng. Còn việc lập quy hoạch, thiết kế là do Sở QH-KT. Đại diện Sở KH-ĐT cho biết: Dự án mở rộng trường đã có từ 4 năm nay sở đã có kế hoạch, phương án đền bù và giao cho UBND Q.3 làm chủ đầu tư và Trường THPT Lê Quý Đôn làm chủ thiết kế nhưng không biết tại sao đến giờ vẫn chưa gửi hồ sơ hoàn chỉnh để sở trình TP xem xét giải ngân vốn. Đại diện UBND Q.3 chứng minh: Quận đã thiết lập phương án đền bù cho bốn hộ dân và NH với mức giá là 181 triệu đồng/1m2 nhưng chưa thống nhất nên kế hoạch có bị chậm lại. Đại diện Sở TN-MT cho biết: Sau đó, xem xét cho thấy giấy chủ quyền trước đây cấp cho đơn vị này (1989) là NHCTVN nhưng bây giờ là NHTMCPCTVN, vì vậy Sở TN-MT không chấp thuận với việc NH này được quyền sử dụng đất tại số 112 do chưa có văn bản nào công nhận là đã chuyển đổi. Đó cũng là lý do Sở Xây dựng đề nghị NH này tạm ngưng xây dựng, vị đại diện sở này bồi thêm. Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài kết luận: “Trước việc chưa hoàn chỉnh dự án mở rộng trường, việc cần làm hiện nay nhất là phải thu hồi ngay diện tích đất của bốn hộ dân, bố trí xây dựng và mở rộng trước một số hạng mục cần thiết của trường. Sau đó, các sở ban ngành và UBND Q.3 phải nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ, phương án cụ thể cho việc mở rộng trường. Đặc biệt, các sở ban ngành cùng lưu ý khi đã có dự án hoàn chỉnh thì khó khăn đến mấy cũng phải thu hồi, đền bù giải tỏa để thu hồi đất phục vụ cho giáo dục. Khi hoàn chỉnh phương án, các bên sẽ cùng bàn bạc, thống nhất phương án đền bù diện tích đất (450m2) của NHTMCPCTVN để thu hồi phục vụ việc xây dựng khu bảo tồn và mở rộng trường. Nhưng trước khi có kế hoạch hoàn chỉnh việc NH có đồ án thiết kế xây dựng phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh thì NH vẫn được xây theo đúng quy định của pháp luật. Không thể nói, đất đó nằm trong khu bảo tồn thì cá nhân, đơn vị chủ sử dụng không được xây dựng, sửa chữa. Nếu áp đặt cứng nhắc thì dễ dẫn đến việc lãng phí, áp đặt, rồi biến khu đất đó thành nhà hoang. Nếu đơn vị muốn lấy thì thỏa thuận với NH theo giá thị trường”.
Sau khi có kết luận của UBND TP.HCM, NH đã tiến hành tháo dỡ khu nhà cũ, tuy nhiên đến ngày 6-4 Sở Xây dựng có văn bản đề nghị NH tạm dừng tháo dỡ để hoàn chỉnh việc chuyển đổi tên từ NHCTVN thành NHTMCPCTVN đúng theo tên của chủ quyền đất, mới tiếp tục được xây dựng.
Trước sự việc này, sáng 14-4Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP tiếp tục có cuộc họp với các sở, ngành nhằm lắng nghe các bên trình bày để làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến dự án xây dựng tòa nhà của NHTMCPVN tại số 112 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3). Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP đã thống nhất: HĐND TP sẽ có văn bản đề nghị UBND TP tìm một vị trí đất khác để hoán đổi cho NHTMCPCTVN. Đề nghị NH giữ nguyên hiện trạng đất như hiện nay theo kiến nghị của Trường THPT Lê Quý Đôn cũng như sự thống nhất giữa Sở GD-ĐT cùng các sở, ban ngành để các bên liên quan trong thời gian sớm nhất sẽ trình TP đề án mở rộng hoàn chỉnh khu bảo tồn Trường THPT Lê Quý Đôn.
Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)