Mỹ – Nga – Trung Quốc đều tất bật với những kế hoạch mới dành cho trạm vũ trụ của mình, còn châu Âu có cuộc đua riêng âm thầm mà quyết liệt
Kế hoạch trên được thông báo tại Đại hội Hàng không quốc tế lần thứ 74 ở thủ đô Baku – Azerbaijan ngày 4-10. Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (), đơn vị thuộc nhà thầu vũ trụ chính của Trung Quốc, cho biết thời gian hoạt động của Thiên Cung sẽ kéo dài hơn 15 năm.
Thiên Cung đi vào hoạt động từ cuối năm 2022, chứa tối đa 3 phi hành gia ở độ cao quỹ đạo lên tới 450 km.
Theo hãng tin Reuters, với trọng lượng 180 tấn sau khi mở rộng thành 6 mô-đun, Thiên Cung vẫn chỉ bằng 40% khối lượng của ISS, nơi có thể chứa phi hành đoàn gồm 7 người. Tuy nhiên, ISS đã hoạt động trên quỹ đạo hơn 2 thập kỷ và dự kiến "nghỉ hưu" sau năm 2030, cùng thời điểm Trung Quốc kỳ vọng trở thành cường quốc vũ trụ.
Chưa dừng lại đó, Trung Quốc còn dự định thực hiện sứ mệnh mang những mẫu vật đầu tiên thu thập ở phía xa trên bề mặt mặt trăng về trái đất trong năm tới.
Theo đài CNN, Cơ quan Quản lý Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho hay nước này sẽ thực hiện liên tiếp 3 sứ mệnh lên mặt trăng là Thường Nga 6 (dự kiến phóng năm 2024), Thường Nga 7 (2026) và Thường Nga 8 (2028), với mục tiêu thu thập dữ liệu có giá trị để xây trạm nghiên cứu quốc tế lâu dài trên cực Nam mặt trăng vào năm 2040.
Các thành viên phi hành đoàn làm việc trên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tại sự kiện ở Azerbaijan, các quan chức Trung Quốc cũng kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu cho việc thám hiểm mặt trăng. Theo CNSA, tàu vũ trụ Thường Nga 8 sẽ dành chỗ cho 200 kg hàng hóa của nước ngoài, cho phép các đối tác quốc tế cùng nghiên cứu mặt trăng.
Không nằm ngoài cuộc đua, Nga cũng có kế hoạch ngoại giao không gian tương tự Trung Quốc. Nga đề xuất các đối tác trong khối các nền kinh tế mới nổi BRICS – Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – xây dựng một mô-đun cho trạm vũ trụ của mình.
Về phía Mỹ, hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và công ty thám hiểm vũ trụ Voyager Space của Mỹ ngày 2-8 đã công bố thành lập liên doanh để phát triển trạm vũ trụ thương mại Starlab nhằm thay thế ISS vào cuối thập kỷ này.
Trước đó, Voyager Space thắng hợp đồng phát triển Starlab trị giá 160 triệu USD của NASA vào cuối năm 2021.
Chủ tịch Voyager Space, ông Matthew Kuta, cho biết liên doanh sẽ đáp ứng nhu cầu thường xuyên của các cơ quan vũ trụ toàn cầu, đồng thời mở ra cơ hội mới cho người dùng với mục đích thương mại.
Cuộc đua ở châu Âu Theo báo The Guardian, Thụy Điển đang âm thầm dẫn đầu cuộc đua sở hữu bãi phóng không gian đầu tiên của châu Âu (bên ngoài Nga) để đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Nằm giữa những vạt rừng thông khổng lồ ở cực Bắc Thụy Điển, cách vòng Bắc Cực gần 200 km về phía Bắc, là Trung tâm Vũ trụ Esrange. Bắt đầu vận hành từ năm 1966, trung tâm này từng thuộc về Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) trước khi trở thành sở hữu của Công ty Vũ trụ Thụy Điển (SSC). Ngoài Esrange, cuộc đua quyết liệt kể trên còn có sự tham gia của Trung tâm Vũ trụ Andøya (Na Uy), bãi phóng SaxaVord (Anh), Azores (Bồ Đào Nha) và Andalusia (Tây Ban Nha). Tính cấp thiết phải có bãi phóng riêng của châu Âu càng tăng lên do cuộc xung đột đã kéo dài 18 tháng qua ở Ukraine. "Châu Âu thiếu năng lực phóng vệ tinh do phụ thuộc nặng nề vào bãi phóng của Nga ở Nga và ở Baikonur – Kazakhstan" – ông Stefan Gustafsson, Phó Chủ tịch về chiến lược của SSC, nhấn mạnh. Trong khi đó, nhu cầu phóng vệ tinh trên toàn cầu lại tăng theo cấp lũy thừa. The Guardian cho hay dự kiến khoảng 18.500 vệ tinh nhỏ được phóng lên trong giai đoạn 2022-2031, so với con số 4.600 của thập kỷ trước, để phục vụ thông tin liên lạc, hạ tầng internet, quan sát trái đất, mục đích an ninh quốc gia… Thực tế giao thông hàng không tấp nập cũng khiến châu Âu không được xem là nơi lý tưởng để phóng vệ tinh. Trung tâm Esrange hạn chế được điểm yếu này nhờ có bãi đáp khổng lồ tới 5.200 km² trải dài giữa Na Uy (ở phía Tây) và Phần Lan (ở phía Đông). Hầu như không có người sinh sống ở đây, ngoại trừ những người Sami chăn tuần lộc và họ sẽ được vào hầm trú ẩn mỗi khi có vụ phóng. Ngoài ra, theo ông Gustafsson, công nghệ phóng mới cũng hạn chế rủi ro khi đưa tên lửa lên cao hơn 100 km và cứ thế ra ngoài không gian. Hải Ngọc |
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)