Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ vi phạm ở cơ sở Anh Vương: Đóng cửa, sắp xếp nơi học khác cho các cháu

Tạp Chí Giáo Dục

Bảo mẫu Trường Anh Vương cho các cháu ăn. Ảnh chụp sáng 21-7

Trẻ không ăn uống, hay chẳng may có đùa nghịch quá mức, các giáo viên, bảo mẫu không ngại thẳng tay dùng khúc cây, móc quần áo… để “dạy dỗ” các cháu. Những sự việc này đã diễn ra tại Trường Tiểu học Anh Vương (số 86, Cống Lỡ, phường 15, quận Tân Bình), nơi mà nhiều trẻ khuyết tật được gia đình gửi vào nuôi dạy.
Đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT và quận Tân Bình đã xuống kiểm tra, làm việc ngay với Trường Anh Vương sau khi sự việc bị một số gia đình phản ảnh. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra: Tại sao một ngôi trường đã nhiều lần bị lập biên bản nhắc nhở và bị giải thể từ cuối năm 2013 nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động ngay sau UBND phường 15, quận Tân Bình?
Hoạt động trá hình ngay sau UBND phường
Theo báo cáo kết quả kiểm tra ngày 21-7 từ Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, Trường Anh Vương được phép thành lập theo quyết định 111/QĐ-UBND ngày 2-10-2009 của UBND quận Tân Bình và ông Chu Văn Việt làm chủ. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động từ tháng 10-2009 đến tháng 12-2011, qua kiểm tra của Phòng GD-ĐT quận cho thấy, chủ trường mắc nhiều lần vi phạm như: Không có hiệu trưởng điều hành quản lý hoạt động chuyên môn; không đảm bảo đầy đủ giáo viên theo quy định và giáo viên không có bằng cấp chuyên môn theo quy định của ngành; chủ trường tự ngưng hoạt động tại địa điểm cấp phép và chuyển địa điểm hoạt động đến địa phương khác mà không thông báo cho cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương; không đăng ký khai trình lao động cũng như chưa ký kết hợp đồng lao độngvới người lao động; bảo mẫu nhà trường không có chuyên môn nghiệp vụ.
Trước những vi phạm trên, Phòng GD-ĐT quận phối hợp với UBND phường 15 kiểm tra, nhắc nhở hướng dẫn thực hiện rất nhiều lần. Minh chứng là các biên bản kiểm tra ngày 28-2-2012, 26-6-2012, 17-9-2013, 15-10-2013, 5-1-2013… và hai bản cam kết xin hoàn tất thủ tục giải thể trường của chủ trường thế nhưng ông Việt vẫn không chỉnh sửa. Đến ngày 1-11-2013 phòng gửi văn bản trình ủy ban đề nghị giải thể và đến ngày 30-12-2013, Chủ tịch UBND quận đã ký quyết định giải thể với lý do trường vi phạm các quy định giáo dục của Bộ GD-ĐT và con dấu cũng bị thu hồi ngay sau đó.
Mặc dù không còn giấy phép lẫn con dấu nhưng ông Việt vẫn ngang nhiên mở trường hoạt động, nhận nuôi giữ trẻ với mức học phí nội trú lên đến 8 triệu đồng/tháng. Tại buổi kiểm tra phát hiện trường đang nhận nuôi dạy 27 trẻ chậm phát triển, tự kỷ từ 1 đến 18 tuổi, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Theo đó, trong số 10 giáo viên trực tiếp đứng ra giáo dục, chăm sóc các cháu thì chỉ có 3 giáo viên có bằng cấp chuyên ngành về giáo dục đặc biệt, 8 lao động không có văn bằng lao động chuyên môn, nghiệp vụ. Vì thế ngay trong ngày bị kiểm tra, ông Việt không trình được các giấy tờ liên quan, các bằng cấp của giáo viên, hợp đồng lao động, thậm chí cả giáo trình giảng dạy. Điều đáng nói, để qua mắt chính quyền, vào ngày 5-5-2014, ông Việt đã nhanh tay xin được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tên Công ty TNHH Chăm sóc người khuyết tật Anh Vương (do  Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cấp). Theo đó hoạt động chính là chăm sóc sức khỏe người có công, người già, người tàn tật không có khả năng tự chăm sóc.
Có mặt tại buổi làm việc, bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Đây không phải là trường học như một số phương tiện truyền thông nêu. Bởi theo giấy phép đăng ký thì đây là một công ty. Ngành nghề chính là chăm sóc sức khỏe người có công, người già, người tàn tật nhưng lại trá hình để nhận chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Trước sự việc trên, chúng tôi cũng yêu cầu cơ sở phải tháo bảng hiệu xuống ngay trong ngày”.
Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra: Tại sao một ngôi trường đã nhiều lần bị lập biên bản nhắc nhở và bị giải thể vào cuối năm 2013 nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động ngay sau UBND phường 15? Bà Thanh cho biết do sự quản lý khá lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên để xảy ra tình trạng này.
Chúng tôi được biết chính quyền địa phương đã tới trường tìm gặp ông Việt đến 3 lần để giải quyết nhưng đều không gặp được.
Sẽ sắp xếp chỗ học cho 27 trẻ
Ngay sau khi nhận được thông tin, một số người thân, gia đình đã đến đón con ra khỏi trường. Trường hợp cháu Kỳ Nam (8 tuổi, quê Long An), ông bà nội nhanh chóng đến chở em về. Bà nội Nam chia sẻ, bố mẹ Nam chia tay nhau từ lâu, Nam chuyển về ở với hai ông bà. Chẳng may em bị phát hiện tự kỷ nhưng ở quê lại không có trường lớp nên ông bà hỏi thăm gửi em về đây đến nay được 4 năm.
Hay trường hợp em Trần Minh Sang (11 tuổi, quê Đà Nẵng) cũng tương tự. Ngay trong ngày, bố Nam từ quê xuống Sài Gòn để đón em về. Là người thân cận nhất với em Sang, chị Nguyễn Thị Trâm có mặt ở trường từ rất sớm. Chị chia sẻ: “Nhìn thấy hình ảnh cháu mình bị đánh đập tôi đau lòng quá. Sang rất tội nghiệp, cháu bị tự kỷ, hay tự cắn, cào mặt đặc biệt khi thời tiết nắng nóng. Ở Đà Nẵng không có trường lớp nội trú nên bố mẹ cháu gửi vào Trường Anh Vương nhờ chăm sóc, dạy dỗ và nhờ tôi thăm nom cháu mỗi tháng 1 lần. Sự việc xảy ra tôi cũng không biết phải ăn nói như thế nào với bố mẹ cháu”.
Theo chị Trâm, bố mẹ Sang tìm được thông tin Trường Anh Vương trên internet. Qua làm việc với ông Việt được ông này “tâm sự” có một người con bị tự kỷ nhưng bằng những phương pháp giáo dục đặc biệt nên con ông Việt tiến bộ. Vì thế ông lập trường nhận chăm sóc, giáo dục trẻ là vì cái tâm. Sang đến học từ tháng 7-2013, học phí trong hợp đồng là 8 triệu đồng/tháng. Theo hợp đồng cha mẹ Sang chỉ được đến thăm đón 1 lần trong năm, còn lại để người thân (nhưng Sang không biết mặt) đến thăm nhằm tránh tình trạng đòi về. Thỉnh thoảng bố Sang ghé vào nhưng chỉ được phép đứng nép bên cửa sổ nhìn con.
Chị Trâm kể thêm, những lần đến bất ngờ thì thấy Sang ăn mặc không chỉnh tề, rất “hoàn cảnh”, các cô không được vui lắm. Ngược lại thì Sang được ăn mặc sạch sẽ, các cô niềm nở. Có lần thông qua video chị quay lại gửi về cho mẹ Sang xem thì phát hiện Sang bị mất một răng cửa. Thắc mắc thì cô giáo nói răng bị mất từ lâu rồi. Và một số vấn đề khác xảy ra như: Ngoài hợp đồng đã ký, năm đầu ông Việt yêu cầu mẹ Sang đóng 5 triệu tiền xây dựng. Sang năm sau yêu cầu đóng thêm 3 triệu và thêm 5 triệu tiền khám bệnh, rồi hàng tháng thường xuyên đòi tiền trước hạn. Mẹ Sang bức xúc nhưng vì thương con nên vẫn cố.
Trước những sự việc trên, để 27 trẻ tiếp tục được đến trường lớp, ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình – cho biết sẽ giới thiệu, sắp xếp chỗ học cho những trẻ thuộc địa bàn quận tại Trường Chuyên biệt Hướng Dương. Riêng những trường hợp khác sẽ được giới thiệu đến một số trường trên địa bàn TP. Cũng trong thời gian giải quyết, phòng đề nghị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ không để xảy ra bất kỳ một sai phạm nào; yêu cầu chủ cơ sở làm việc với gia đình các cháu để trao trả các cháu về với gia đình và chấm dứt nuôi dạy trẻ trước ngày 23-7.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Bình luận (0)