Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ vi phạm thi tốt nghiệp tại Bắc Giang: Bệnh thành tích quá nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi tổng biên tập, lãnh đạo các báo đài về sự việc tại Hội đồng thi THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang. Nhưng dường như, dư luận vẫn chưa thể “hạ nhiệt” được vấn đề này. Là một nhà giáo gắn bó với ngành giáo dục lâu năm, thầy Tô Giang, nguyên giáo viên khối chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, người luôn sát cánh cùng các đội tuyển Olympic Vật lý suốt thời gian qua đã có những cái nhìn rất riêng về vấn đề này.
PV: Thưa thầy, là một nhà giáo, thầy có bình luận gì về clip tiêu cực tại Bắc Giang đang được dư luận rất quan tâm trong thời gian vừa qua?
Thầy Tô Giang: Kết thúc kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT, người phát ngôn là Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng ban chỉ đạo thi, đánh giá: “Kì thi diễn ra nghiêm túc, an toàn”. Ngay lúc đó, tôi đã không tin vấn đề ông ấy nói. Đó chỉ là sự đánh giá không đúng hoặc nếu đúng thì đó là cho xong chuyện, tâm lý chung của lãnh đạo là muốn cho nó qua đi. Bản thân ông ấy, trước khi làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã từng là giáo viên, rồi lên đến giám đốc sở, ông biết thừa trong toàn quốc làm sao nghiêm túc, an toàn được. Điều đó khó tin, nhưng không muốn bới ra thì đúng hơn. Là lãnh đạo, ai chả nghĩ “không ai bới ra thì mình cũng không bới ra” hoặc “không ai bới ra thì tốt”, chắc gì bản thân họ đã tin là nghiêm túc.
Sự việc này một lần nữa khiến chúng ta liên tưởng đến sự việc hạ barem điểm của bộ tại 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Với tôi đó là việc làm kinh khủng. Đó là ý thức của người lãnh đạo “lấy ý thức làm trọng” mà bỏ qua cả kỷ luật thi cử. Tất cả tiêu cực này đều xuất phát từ người lớn rồi sự việc cũng “chìm xuồng”. Bộ cũng thua vì không thấy ai bị kỷ luật hay cách chức. Đáng ra, 11 người phải cách chức, hoặc họp lại với nhau để tìm ra người đưa ra ý tưởng đầu tiên để xử lý.
Chúng ta đừng nói tại trẻ con, bản thân các thầy cô giáo, các trường không nghiêm, căn bệnh thành tích lại tái phát thì trẻ mới làm vậy được.
Vậy theo thầy, nguyên nhân của sự việc này là do đâu?
Nguyên nhân là do bệnh thành tích quá nặng. Không ai chấp nhận con mình yếu. Cứ nhìn mà xem, tổng kết chỉ có giỏi và khá, tất cả các kì học. Như vậy, chúng ta ngang nhiên thừa nhận “học là phải thành công”. Ngày xưa,  học không thành công là chuyện bình thường. Tú Xương thi 5 lần trượt, nhưng ngày nay làm gì có chuyện đó. Không đỗ trường này thì đỗ trường kia, không đỗ hệ này thì đỗ hệ khác. Thực ra cũng có cái khó. Bởi ngày xưa, người già, trẻ con chung lớp không có gì lạ. Nhưng ngày nay, người cao tuổi đi học ngồi với bọn trẻ là có kì thị, nên tống ra trường cho nhanh. Chúng ta đang nuông chiều cả cái không hợp lí.
Chưa cần nói đâu xa, bản thân vợ tôi cũng tin con mình là học sinh giỏi đứng thứ 25 của lớp. Khi tôi nói, mẹ cháu còn bảo “đã hỏi cô giáo, cô bảo “Thằng này được lắm!””. Khi tôi hỏi ra, lớp cháu có 50 học sinh thì 40 học sinh giỏi, còn 10 học sinh khá. Vậy đấy, chỉ là giỏi phong trào.
Với phụ huynh đi tổng kết, con mình khá là không vui, nhất định phải là giỏi. Nên luận điểm 80% giỏi trong một đám đông là thực tế.
Có giải pháp gì để hạn chế vấn đề này không, thưa thầy?
Tìm một giải pháp hữu hiệu để xử lý triệt để căn bệnh thành tích rất khó. Tôi nghĩ không ai dám khẳng định làm được điều này. Nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, xử lí không nghiêm là bệnh nặng trong giáo dục hiện nay. Tâm lí nể nang rất kinh khủng và nó là mầm mống của tiêu cực. Tôi nghĩ trong đầu người lãnh đạo phải luôn luôn nghĩ, tiêu cực lúc nào cũng có thể xảy ra, và luôn muốn nảy sinh. Trong thi cử cũng thế. Do đó, phải có biện pháp cương quyết, không phải chỉ riêng với học trò mà cả với hệ thống quản lí trường thi (chủ tịch hội đồng thi, giám thị…), phải làm cho những bộ phận này tỉnh ngộ. Chúng ta đừng vội tìm nguyên nhân từ trẻ em mà phải nghĩ đến người lớn. Khi xem clip, bộ nghĩ ngay đến việc tìm xem ai là người tung ra clip, họ có mục đích gì, chứ không hề đề cập chuyện “ai dám làm điều đó”. Thiết nghĩ, khi xem clip, lãnh đạo phải đề cập ngay chuyện “tại sao tổ chức kì thi kém thế?”. Bây giờ, xử lí học sinh quay clip thì dễ nhưng cũng đồng thời xử lí người chống tiêu cực. Chúng ta xử lý học sinh quay clip là đúng với quy chế, nhưng cũng phải tìm ra cách khác để phát hiện tiêu cực.
Theo thầy, chúng ta có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp mà chỉ tập trung vào kỳ thi ĐH?
Hiện nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đến trên 90%. Trong vật lý, 10% coi như ảo. Tuy nhiên, theo tôi, không nhất thiết phải bỏ kì thi này. Năm nay, bộ đã giao quyền tự chủ tổ chức kì thi cho các sở. Tôi nghĩ, năm sau, mạnh dạn hơn, bộ giao ngay cho các trường. Các trường tự tổ chức thi, tự chấm thi. Tôi dám chắc những trường như Đồi Ngô không dại gì mà nhận mình đỗ tốt nghiệp đến 100% trong khi Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam lại đỗ có 98%! Giao quyền cho trường, đồng thời là tăng tính tự chịu trách nhiệm của các hiệu trưởng.
Còn như bây giờ, chúng ta đang tạo điều kiện gian dối một cách công khai. Vì kết quả cao hay thấp là do người khác chấm, không phải trường. Nên cứ nghĩ nghiêm mà hóa ra không nghiêm là vì thế. Thi ĐH thì nhất thiết không được bỏ trong thời gian tới. Đây là “thành lũy” cuối cùng để đánh giá học thật, thi thật của chúng ta hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
“Tại Trung Quốc sắp tới kì thi ĐH có trên 300.000 phòng thi, có 9 triệu học sinh thi vào ĐH. Trong số này lấy khoảng 6 triệu, về nguyên tắc là quá nhiều, nhưng họ đã có ý thức các phòng thi đều lắp camera. Cùng với đó, niêm phong phòng thi, chuyển bài thi lại nhờ cảnh sát cơ động. Nhìn vào đó, về hình thức cũng đã thấy họ có ý thức chống tiêu cực tốt hơn mình.
Còn đối với Việt Nam, tôi thấy vẫn chưa có một động thái nào, mới là nói miệng. Các quy chế đưa ra chỉ trên giấy tờ. Nghĩ là nghiêm nhưng thực ra lại không nghiêm”, nhà giáo Tô Giang nhìn nhận.
 
 

Bình luận (0)