Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vừa đi học, vừa chạy bàn vẫn học giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau mỗi giờ học em phải tranh thủ đi làm thêm cho một quán phở gần nhà, Tết đến bạn bè nhận bao lì xi thoải mái tiêu xài vui xuân, còn em thì cất giữ như báu vật, chẳng dám tiêu một đồng nào mà cố dành dụm để đủ tiền đóng học phí.

Khó khăn như vậy, nhưng 12 năm qua, em Nguyễn Thảo Ngân – học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ nhận đến 31 tấm giấy khen, tổng kết cuối năm em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.  
Thảo Ngân cho biết: Ước mơ lớn nhất của em là được bước vào giảng đường đại học.
Gian nan trên đường mưu sinh
Từ khi lọt lòng, Thảo Ngân đã không biết mặt cha vì cha mẹ em chia tay nhau. Em được mẹ ẵm bồng từ quê nhà ở Mỹ Tú, Sóc Trăng lên Cần Thơ sinh sống cho đến nay.
Chúng tôi hỏi về chuyện học hành của Ngân thế nào khi không có sổ hộ khẩu thì anh Nguyễn Minh Triều (cậu ruột của Ngân) cho biết: “Tui thì may mắn hơn chị Bảy, vợ chồng tui cũng có một cái nhà để ở (gia đình anh Triều cũng sống bằng nghề làm thuê), thấy hoàn cảnh của chị như vậy lại có ý định cho cháu Ngân ăn học nên tui nhập hộ khẩu của hai mẹ con chị vào chung với gia đình tui luôn. Hồi cháu Ngân còn học cấp 1 thì hai mẹ con sống ở đây. Lúc cháu lên cấp 2, do nhà tui có rể có dâu nên chị thấy bất tiện mới dọn ra ngoài thuê nhà trọ sống cho tới nay”.
Nhìn căn nhà trọ thấp lè tè, ngổn ngang bao nhiêu là đồ, chị Nguyễn Thị Bảy – mẹ Thảo Ngân bùi ngùi cho biết: “Chật hẹp một tý những mỗi tháng tiết kiệm gần 200.000 đồng. Hai mẹ con ở căn nhà trọ này là lâu nhất, vì những căn khác ở được mấy tháng là chủ nhà trọ lại lên giá, mỗi lần như vậy là hai mẹ con lại đi tìm chỗ trọ khác, tính đến nay ở cũng gần chục nơi rồi”.
Chị Bảy thở dài rồi nói tiếp: “Ông chủ nói sửa lại hoài mà chưa thấy, tui sống thế nào cũng được, chỉ tội nghiệp con Ngân, đến mùa nắng thì nóng nực không chịu nổi nhưng khi đến mùa mưa thì dưới nền bị ngập nước, còn trên trần thì nước mưa dột lả tả. Có hôm trời mưa hai mẹ con đều đi làm, về đến nhà tập sách nó ướt hết, nó ôm đi phơi mà khóc mếu máo. Bổn phận làm mẹ không lo được chỗ ăn ở, học hành đàng hoàng cho con tui cũng xót xa lắm! Nên cho dù thế nào tui cũng cố lo cho nó biết cái chữ với người ta để sau này đỡ khổ!”.
Để có tiền sinh sống và lo cho Ngân ăn học, chị Bảy đã làm đủ thứ nghề, từ phụ hồ, phụ bàn đến bán bánh, bán vé số…, mỗi ngày như vậy chị cũng kiếm được 30.000 – 40.000đồng. Đến khi học lớp 9, Ngân cũng bắt đầu đi làm thêm, mỗi ngày cũng kiếm được 20.000 đồng để lo tiền tiêu xài hàng ngày của hai mẹ con.
Nhìn chị Bảy đi cà nhắc, chúng tôi hỏi thăm thì chị cho biết: “Tui bị viêm khớp nặng hơn  2 năm nay, bây giờ đi lại khó khăn lắm nên chẳng còn đi phụ hồ hay làm những công việc bưng vác gì được nữa. Mà con Ngân thì sắp vào đại học, tui cũng chẳng biết lo làm sao để có tiền cho nó đi học đây…”.
Được biết, suốt 12 năm nay, chị Bảy không dám ngơi nghỉ một ngày. Bây giờ mặc dù bị viêm khớp nhưng chị Bảy vẫn đi rửa lon nước yến cho một chủ vựa ve chai. Những hôm không có việc, chị đến các quán ăn hay quán cà phê xin rửa ly chén. Cộng luôn số tiền công củao Ngân thì mỗi ngày hai mẹ con cũng kiếm được hơn 50.000 đồng. Cuộc sống tuy khó khăn trăm bề, nhưng chưa khi nào chị Bảy nghĩ tới chuyện cho con mình nghỉ học để nhẹ gánh mưu sinh.
Học giỏi để đền đáp ơn mẹ
Vừa đi học, vừa đi làm vậy mà năm nào Ngân cũng đạt học sinh giỏi. Tính đến năm nay, Ngân đã “sở hữu” 31 tấm giấy khen, trong đó có 24 tấm giấy khen học sinh giỏi từ cấp 1 đến cấp 3,  2 tấm giấy khen đạt học sinh giỏi cấp quận và 5 tấm giấy khen phong trào (thi thời trang, bóng rổ…).
Ngân cho biết: “Thấy mẹ khó khăn vất vả lo cho em ăn học nên ngoài việc tranh thủ đi làm kiếm thêm chút tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thì em chỉ biết cố gắng học giỏi để không phụ lòng mẹ và cố gắng đạt nhiều giấy khen để mẹ vui lòng”.
Chị Nguyễn Thị Bảy – mẹ Thảo Ngân bên những tấm giấy khen của con gái.
Chị Trân – chủ quán phở gần nhà trọ của mẹ con Ngân cho biết: “Khi chị Bảy qua xin cho nó phụ bàn, nó còn bé xíu hà (lúc đó Ngân đang học lớp 7 – PV). Biết cháu Ngân học giỏi lại là đứa con có hiếu nên cũng nhận nó vào làm nhưng cho nó lặt rau hay làm những công việc lặt vặt thôi. Đến năm nó học lớp 8, 9 gì đó nó mới là nhân viên chính thức phụ bàn cho quán tui. Sắp tới nếu nó đậu đại học thì tui sẽ cho nó một chỗ đặc biệt ở đây để làm mà trang trải học phí”.
Cô Trần Thị Thùy Hương – giáo viên chủ nhiệm của Ngân (từ lớp 11 – 12 B1 Trường Nguyễn Việt Dũng) cho chúng tôi biết: “Tôi có thời gian chủ nhiệm lớp em hai năm nhưng trước đó đã biết nhiều về em rồi. Từ năm lớp 9, sau mỗi giờ học, Ngân đi phụ bàn cho một quán phở, đến tháng hè em còn tranh thủ đi làm thêm ở các nhà hàng và còn theo phụ mẹ làm những công việc  một buổi như rửa chén, giặt quần áo… Khó khăn vậy nhưng em học rất tốt, cuối năm em luôn đạt học sinh giỏi, em Ngân là tấm gương cho nhiều học sinh trong trường noi theo về tinh thần vượt khó trong học tập”.
Nói về thành tích năm học 2009 – 2010, Ngân tâm sự: “Cuối năm em đạt học sinh tiên tiến (điểm trung bình 8,0) cũng có giấy khen mang về cho mẹ nhưng em hơi buồn vì kết quả thi tốt nghiệp của em chỉ đạt 40 điểm. Mặc dù vậy nhưng em cũng đang cố gắng tập trung ôn tập tại nhà để chuẩn bị tốt cho kỳ thi đại học sắp tới”.
Khi nghe Ngân nói về ước mơ vào đại học, chúng tôi thấy ánh mắt của chị Bảy rơm rớm nước mắt. Chúng tôi cũng hiểu rằng đó là mong đợi lớn nhất của cô nhưng đồng thời cũng là nỗi lo quá sức đối với. Cô Bảy ngậm ngùi chia sẻ: “Tuổi mình cũng đã lớn, chân tay lại thế này nên người ta cũng chê không dám mướn nữa, tui cũng chẳng biết làm gì để kiếm tiền lo cho nó ăn học tiếp đây!”. Một tiếng thở dài của một người mẹ nghèo, bệnh tật làm chúng tôi nặng cả lòng.
Bài và ảnh: Ngô Nguyễn / Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)