Y tế - Văn hóaThư giãn

Vừa hát vừa xếp hàng xin phép

Tạp Chí Giáo Dục

Sự chậm trễ trong việc cấp phép cho ca khúc không chỉ khiến các tác giả mà chính công chúng cũng chịu thiệt thòi.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa công khai danh sách cả ngàn bài hát trước 1975 được phép phổ biến. Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết lúc đầu nhà quản lý chỉ định công khai những bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến trên trang mạng của Cục. Tuy nhiên, sau đó Cục lại quyết định công khai tất cả các bài hát được cấp phép. Nhờ đó, danh sách các bài hát được cấp phép này sẽ phong phú hơn. Chẳng hạn, một bài hát được nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài hát là Bonjour VietNam (biểu diễn Phạm Quỳnh Anh, tác giả Marc Lavoine) cũng có mặt trong danh sách.
 
Nghệ sĩ Ánh Tuyết trong đêm diễn tưởng nhớ Trịnh Công Sơn – Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhìn lại danh sách, có những bài hát đã được cấp phép từ 1989 như Suối mơ, Buồn tàn thu của cố nhạc sĩ Văn Cao. Cũng có cả những bài hát mới cấp phép hồi cuối năm ngoái như Đêm gọi người yêu của Dạ Cầm – Vũ Chương… Như vậy ít nhất hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi những bài hát trước 1975 được xem xét và cấp phép công bố. Tính trung bình mỗi năm có chừng 50 bài hát được cấp phép – một con số không nhiều.
Cũng chính vì thế, chỉ riêng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thôi thì đã thấy danh sách bài hát được cấp phép của ông thật ngắn ngủi. Nhạc sĩ với cây đàn guitar đã hát Nối vòng tay lớn mừng ngày giải phóng này mới chỉ có 32 bài hát sáng tác trước 1975 được cấp phép. Trong khi đó, theo nhà thơ Đỗ Trung Quân, số lượng sáng tác của ông trước 1975 phải lên tới chừng 200 bài. “Tôi nói đơn giản, chỉ riêng hợp tuyển giới thiệu bài hát của Trịnh Công Sơn trước 75 mà tôi giữ đã có mười mấy cuốn, mỗi cuốn chừng 10 bài. Như vậy, số lượng bài hát được cấp phép là quá nhỏ”, nhà thơ cho biết.
Với danh sách 32 bài hát của Trịnh Công Sơn hiện đang được Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố, có thể thấy có nhiều buổi diễn cũng như phim ca nhạc vi phạm vì hát “phạm” phải bài chưa được cấp phép trình diễn.
Trong số những bài chưa được cấp phép theo công bố mới nhất của Cục, có thể kể đến Biết đâu nguồn cội sáng tác năm 1972 là bài được hát trong bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên. Mang âm hưởng dân ca, bài tình ca còn chuyển tải triết lý sống hỉ xả, được nhiều ca sĩ chọn hát trong các đêm nhạc Trịnh. Đóa hoa vô thường (1973) sau những ngày buồn với Khánh Ly đã sáng lên với chất giọng giàu lý tính của cô Bống Hồng Nhung. Chưa kể, Ánh Tuyết Band cũng từng hát Dã tràng ca, một sáng tác năm 1962 của cố nhạc sĩ tài hoa.
Chưa kể, với sức lan tỏa rộng rãi của băng đĩa, sự “cổ vũ” của các thiết bị âm thanh, sự gần gũi khách hàng của các quán karaoke thì việc “hát chui” những bài hát trên và nhiều hơn nữa tác phẩm Trịnh Công Sơn là điều khó kiểm soát. Bản thân những tác phẩm nêu trên đều từng được biểu diễn trên các sân khấu mà không có ảnh hưởng xấu gì. Vì thế, việc đẩy nhanh tiến trình rà soát, sớm bổ sung thêm những bài hát trước 1975, trong đó có bài hát Trịnh Công Sơn là điều cần làm.
Trả lời PV Thanh Niên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Vương Duy Biên cho biết việc cấp phép hiện được thực hiện rất khoa học và thông thoáng. Tuy nhiên, nhà quản lý không phải là nhà khoa học nên việc sưu tầm tư liệu hẳn cũng có hạn chế. Chính vì thế, Cục Nghệ thuật biểu diễn rất mong cá nhân có liên quan hợp tác bằng cách đề nghị cấp phép cho những bài hát chưa có phép.
Nhưng trước mắt, để quá trình này nhanh gọn và hiệu quả hơn, Cục cũng cần lên một lộ trình cụ thể, phương án cụ thể để giải quyết vấn đề cấp phép cho các tác phẩm sáng tác trước 1975. Trong lộ trình đó, một số tác giả đặc biệt về tài năng cũng như sức lan tỏa của tác phẩm, chẳng hạn như Trịnh Công Sơn cũng cần có cách xét duyệt linh hoạt. Bởi nói cho cùng, nếu việc cấp phép cho những tác phẩm tốt chậm trễ, không chỉ tác giả mà chính công chúng sẽ phải chịu thiệt thòi.


Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)