Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vựa heo miền Trung khan hiếm heo giống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Với hơn 14.000 hộ dân chăn nuôi, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 500.000 con heo, huyện Hoài Ân (Bình Định) được xem là vựa heo lớn nhất miền Trung. Nhưng bệnh tai xanh, lở mồm long móng liên tục phát sinh, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng… khiến người nuôi heo ở địa phương này gặp không ít khó khăn.

 


Giá heo thịt tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân quay lại tái đàn sau thời gian đóng cửa trang trại vì dịch bệnh hoành hành. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
 

Xã Ân Tường Đông có nghề nuôi heo phát triển mạnh nhất ở huyện Hoài Ân, hầu hết người dân đều nuôi heo, trung bình mỗi hộ nuôi 20 – 30 con. Tuy nhiên, sau đợt dịch bệnh cuối năm 2010, heo chết hàng loạt, nhiều cơ sở nuôi heo phải đóng cửa hoặc chuyển sang nuôi gà, vịt… Đến cuối tháng 4-2011, đàn heo trên địa bàn chỉ còn khoảng 4.000 con, chưa bằng 1/3 so với cuối năm 2010 (13.000 con).

 

Ông Trần Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, cho biết: “Sau đợt dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi cạn vốn, không còn khả năng đầu tư nuôi heo trở lại. Đến đầu năm 2011, giá heo tăng vùn vụt, hiện ở mức 51.000 – 52.000 đồng/kg nhưng không mấy người có heo để bán. Khi người chăn nuôi gầy dựng lại đàn thì giá thức ăn gia súc tăng nhanh, heo giống khan hiếm và giá cao ngất ngưởng, ở mức 50.000 – 60.000 đồng/kg… nên gặp không ít khó khăn”.
Các xã Ân Tường Tây, Ân Nghĩa, Ân Tín, Ân Đức, thị trấn Tăng Bạt Hổ… cũng có nhiều người lùng mua heo giống để tái đàn. Ông Nguyễn Văn Bơ, chủ trang trại nuôi heo ở thôn Khoa Trường, xã Ân Đức, cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay giá heo tăng trở lại nên việc nuôi heo có lãi. Đàn heo của gia đình tôi luôn duy trì 150 con heo thịt, 18 con heo nái. Sau 3 tháng nuôi, cuối tháng 4-2011, tôi xuất chuồng 40 con heo thịt với giá 51.000 đồng/kg, trung bình mỗi con heo cho lãi khoảng 1,2 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, nhiều người tìm đến gia đình tôi mua heo giống nhưng tôi không thể bán, heo nái đẻ ra chỉ đủ để gia đình phát triển đàn. Nếu không mua được heo giống chất lượng, người chăn nuôi vì áp lực tái đàn nhanh phải mua heo giống ở thị trường, chất lượng thả nổi, không có nguồn gốc rõ ràng… sẽ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh cao”.
Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, đến cuối tháng 4-2011, đàn heo của huyện chỉ còn 95.000 con, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, toàn huyện Hoài Ân đang có 137 trang trại ở địa phương, nuôi khoảng 1.100 heo nái. Lượng heo giống từ các trang trại chăn nuôi khá nhiều, nhưng phần lớn các chủ trang trại đều giữ lại để nuôi. Vì vậy, khi nông dân bắt đầu tái đàn đã gặp khó khăn vì nguồn heo giống tại chỗ khan hiếm, trong khi heo giống nhập từ bên ngoài chất lượng không đảm bảo.
Ông Nguyễn Cần, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Địa phương đang quyết tâm giữ thương hiệu “vựa heo miền Trung” nhưng không vì thế mà khuyến khích nông dân phát triển đàn heo bằng mọi giá. Trước hết phải tính đến hiệu quả chăn nuôi và kiên quyết thực hiện chủ trương phát triển đàn heo gắn với phòng chống dịch bệnh. Để làm được điều này, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương vận động người chăn nuôi thực hiện tốt việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Đồng thời, khuyến cáo nông dân chú ý chọn giống heo chất lượng để bảo đảm an toàn cho đàn heo của địa phương.

Không cần nhập thịt heo

Theo tính toán của Bộ Công thương, trong năm 2011 cần phải nhập khoảng 100.000 tấn thịt (chủ yếu thịt heo) để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm áp lực “sốt” giá thịt heo. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 24-5, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết: Nguồn cung thịt heo ở các địa phương gần đây đã tăng đáng kể, tại nhiều chợ không còn xảy ra tình trạng thiếu thịt và giá heo hơi đã giảm đáng kể so với thời điểm tháng 4-2011. Tại Đồng Tháp, Vĩnh Long… thương lái mua heo hơi với giá giảm còn khoảng 5,2 – 5,5 triệu đồng/tạ. Mặt khác, nguồn cung ứng thịt gà, vịt, các loại cá… cũng tăng cao. Do đủ cân đối cung cầu tiêu dùng hàng ngày nên việc nhập thịt heo sẽ ảnh hưởng xấu đến việc chăn nuôi trong nước.

Hoàng Trọng / SGGP


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)