Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Vừa lái xe vừa nghe điện thoại: Dễ gây tai nạn

Tạp Chí Giáo Dục

Nên phạt nặng hành vi vừa lái xe vừa nghe điện thoại. Ảnh: H.T
Hành vi vừa lái xe vừa nghe điện thoại không chỉ vi phạm Luật Giao thông mà còn rất nguy hiểm cho chính người điều khiển phương tiện và cho người khác.
Nhiều nguy hiểm chực chờ
Ngày nay, khi chiếc điện thoại không còn là hàng xa xỉ và được sử dụng phổ biến thì cũng phát sinh những hệ lụy đi cùng. Chỉ cần chịu khó quan sát trên các trục giao thông, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người, nhất là các bạn trẻ sử dụng điện thoại di động để gọi điện, nhắn tin, nghe nhạc… khi lưu thông bằng xe máy hàng ngày, dù đó là tuyến đường vắng vẻ hay đông đúc.
Rất nhiều bạn trẻ dùng một tay điều khiển xe máy, tay còn lại cầm điện thoại vừa bấm số, nhắn tin, dò nhạc MP3… và mắt cứ mải mê nhìn vào màn hình mà không chú tâm đến việc điều khiển xe máy, bất chấp ánh mắt khó chịu của những người xung quanh. Dường như mọi người xem đây là một hành động rất đỗi bình thường khi tham gia giao thông, không hề nghĩ tới sự nguy hiểm của chính mình và các phương tiện đang tham gia xung quanh. Do chú tâm vào chiếc điện thoại nên người lái xe thường thiếu tập trung, va chạm với xe chạy cùng chiều hoặc ngược chiều, cùng lúc ô tô phía sau trờ đến, chắc chắn tai nạn là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, việc nghe điện thoại khi đi xe không những gây mất an toàn giao thông mà còn làm “mồi” cho kẻ xấu thực hiện hành vi cướp giật.
Những tai nạn thương tâm
Không chỉ với người điều khiển xe máy, thói quen vừa lái xe vừa nghe điện thoại còn phổ biến ở cánh tài xế lái ô tô. Chắc không ai quên vụ tai nạn xảy ra vào ngày 16-4-2014 ở đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (thuộc địa phận ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) giữa một chiếc xe khách và một chiếc xe bồn đang tưới cây trên đường làm 7 người bị chết và 8 người bị thương đã từng gây xôn xao dư luận, theo các cơ quan chức năng, ngoài lý do lái xe chạy khuya nhiều chuyến, chủ xe không cho thay người thì nguyên nhân chủ yếu là do tài xế vừa chạy vừa nghe điện thoại nên không làm chủ tốc độ, không xử lý tình huống kịp thời, khiến chiếc xe khách đâm thẳng vào chiếc xe bồn gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Và không chỉ với xe khách, việc các bác tài ô tô một tay cầm điện thoại nói chuyện, nhắn tin, một tay lái xe là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có lẽ do không bị xử phạt và tự tin với tay lái của mình, nên các tài xế ô tô vẫn không ngại sử dụng điện thoại di dộng khi đang lái xe. Hầu hết họ tận dụng thời gian ngồi trên xe để nói chuyện, để giải quyết công việc từ xa, và như vậy thật tiện lợi nhưng cũng thật nguy hiểm. Theo các chuyên gia hướng dẫn lái xe an toàn của các hãng ô tô, dùng điện thoại khi đang lái xe sẽ gây phân tâm, khiến không tập trung nhìn làn đường. Khi quá tập trung cho việc trao đổi thì khả năng điều khiển, kiểm soát động tác lái xe của người lái cũng giảm. Chính sự không tập trung đó đã khiến tài xế không lái đúng làn đường quy định, không giữ được tốc độ thích hợp, không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước và phản ứng chậm trước các biến cố bất ngờ. Đó là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn ô tô đã xảy ra. Để ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc xảy ra, Luật Đường bộ các nước phạt rất nặng những người tham gia giao thông mà sử dụng điện thoại. Ở nước ta, trong các khung hình phạt cũng đã áp dụng phạt hành chính đối với người sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, do mức phạt chưa “đủ đô” nên tình trạng vừa lái xe vừa nghe điện thoại vẫn diễn ra trên các cung đường.
Theo số liệu thống kê không chính thức, tai nạn xảy ra do vừa lái xe vừa nghe điện thoại tương đương với số tai nạn do người lái xe có sử dụng rượu, bia. Vì sự an toàn của chính bản thân, của những người ngồi trên xe và các đối tượng tham gia giao thông khác, người lái xe chỉ nên nghe điện thoại khi thực sự cần thiết. Và nếu không thể dừng xe để nghe, gọi điện thoại thì nên sử dụng điện thoại bằng tai nghe, tránh việc vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại.
Lê Quang Huy
(Giáo viên Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang)
Hãy tuân thủ đúng Luật Giao thông
Trung tuần tháng 10-2014, vừa điều khiển xe ô tô vừa nghe điện thoại, tài xế Nguyễn Trung Hiếu (Nghệ An) không làm chủ được tốc độ, đã gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 người trong 1 gia đình chết thảm. Cuối tháng 11-2014, trên QL1 thuộc địa phận ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã xảy ra một vụ va chạm giữa hai xe máy khiến người đàn ông và người phụ nữ bị thương nặng. Nguyên nhân được xác định là do người đàn ông điều khiển xe máy vừa chạy vừa nghe điện thoại nên không chú ý quan sát đã đâm mạnh vào xe máy của người phụ nữ. Ngày 3-1 vừa qua, cô nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc H. (Quy Nhơn) vừa điều khiển xe máy vừa mải mê nhắn tin điện thoại đã tông sầm vào chiếc xe ba gác ngược chiều. Cú va chạm làm H. bị gãy chân và chiếc điện thoại bị hỏng. Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi lái ô tô hay các loại xe tương tự ô tô, với mức từ 600-800 ngàn đồng; từ 60-80 ngàn đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô. Luật quy định là vậy, song có lẽ cơ quan chức năng chưa thực sự tập trung xử lý nghiêm hành vi này nên việc người dân vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Để bảo vệ bản thân và gia đình, mỗi người hãy tuân thủ đúng Luật Giao thông, ngay từ một việc nhỏ là hạn chế thói quen sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông.
T.B
 
 

Bình luận (0)