Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Vừa làm vừa học vẫn ra trường sớm

Tạp Chí Giáo Dục

Làm ngày, học đêm và tranh thủ miệt mài với sách vở cả thứ bảy lẫn chủ nhật, sinh viên Võ Minh Trí (sinh năm 1985, quê Khánh Hòa) vẫn tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sớm 1 học kỳ với xếp loại khá.

Võ Minh Trí trong buổi nhận bằng tốt nghiệp mới đây

Tân kỹ sư Võ Minh Trí là một trong 2 sinh viên hệ vừa làm vừa học được Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tuyên dương vì thành tích học vượt mới đây.

Làm ngày, học đêm

Võ Minh Trí tốt nghiệp ngành kỹ thuật cơ điện tử với tổng điểm trung bình tích lũy là 7,1. Vì đi học khá muộn, lại đang làm thợ cơ khí hàng không tại Nhà máy A41 Cục Kỹ thuật Phòng không – Không quân, nên Trí đặt mục tiêu học vượt, hoàn thành sớm chương trình để dành thời gian làm thêm nhiều công việc khác.

Việc học vượt đối với một sinh viên bình thường đã khó, vừa làm vừa học như Trí càng khó hơn. Một ngày của chàng sinh viên này bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng, với việc chuẩn bị bài vở cho ngày học mới. Đây là khoảng thời gian trống duy nhất trong chuỗi lịch làm việc và học dày đặc của bạn. Ban ngày, Trí làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 chiều. Tiếp đó, bạn học ở trường từ 6 giờ chiều đến gần 9 giờ tối. Không chỉ ngày bình thường, cả thứ bảy và chủ nhật cũng được chàng sinh viên dành trọn cho sách vở. Những buổi cuối tuần hiếm hoi được nghỉ, Trí tranh thủ đi gặp người thân, bạn bè.

“Nếu bản thân nỗ lực 100%, dốc toàn bộ sức lực thì sẽ luôn hài lòng với kết quả dù đó có là thành công hay thất bại”, tân kỹ sư chia sẻ.

Trí chia sẻ, nhiều hôm đi làm về, chưa kịp vơi cảm giác mệt mỏi đã lại hối hả chạy đi học để không trễ giờ. Khuya về, chống chọi với cơn buồn ngủ đến trĩu mắt, bạn vẫn cố gắng cặm cụi ôn bài, hệ thống lại kiến thức, sợ để lâu lại “trôi” đi mất.

Việc học tín chỉ lắm lúc cũng làm khó chàng sinh viên trong đăng ký môn, sắp xếp lịch học. Lựa chọn môn học sao cho không trùng giờ với các môn khác luôn khiến chàng sinh viên phải động não. Vất vả nhất rơi vào những mùa thi, chàng sinh viên này chạy như một con thoi, vừa cật lực ôn luyện để đạt kết quả thi tốt, vừa tránh ảnh hưởng đến hiệu quả công việc tại nơi công tác.

Đi sau, về trước

Tân kỹ sư nhận thấy rằng việc học vượt đem lại lợi ích cho bản thân ở chỗ tiết kiệm được thời gian và một khoản chi phí đáng kể cho việc đi lại. Tuy nhiên, để thực sự học vượt hiệu quả, Trí đã lập “kỷ luật” rất gắt gao với bản thân. Theo đó, bạn phân chia rõ thời gian học, làm việc và chơi cụ thể. Khi làm việc, bạn tập trung, nghiêm túc và tìm cách ứng dụng ngay những kiến thức vừa học để chúng “thấm” lâu hơn. Sau giờ học, bạn ghi chú những nội dung nào còn chưa hiểu, tranh thủ trao đổi ngay với bạn cùng lớp hoặc giảng viên.

“Vì tôi bỏ dở dang kiến thức từ lâu rồi nên khi học lại cũng gặp không ít trở ngại, đôi khi cảm giác như bị… chựng lại. Nhiều kiến thức vì thế cũng trở thành… mới mẻ, do đó tôi phải tìm hiểu trên mạng, học hỏi thầy cô, bè bạn rất nhiều”, Trí bộc bạch.

Dù có lúc cũng cảm thấy thua thiệt vì việc học có phần muộn hơn so với những sinh viên khác nhưng chàng trai trẻ luôn tìm cách động viên bản thân không ngừng cố gắng. Đối với Trí, trong bất kỳ lĩnh vực gì, từ công việc đến học hành hay rèn kỹ năng sống, nếu bản thân nỗ lực 100%, dốc toàn bộ sức lực thì sẽ luôn hài lòng với kết quả dù đó là thành công hay thất bại. Cũng nhờ những cố gắng hết mình này mà Trí dù xuất phát sau nhưng đã về đích trước những sinh viên khác.

Được biết, Trí sinh ra trong một gia đình có 3 anh em, ba làm công việc đi biển, mẹ ở nhà nội trợ. Từ nhỏ, cậu bé Trí đã ước mơ trở thành một sĩ quan quân đội và đến hôm nay bạn vẫn đang nỗ lực để chạm vào ước mơ này.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)