Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Vua lily trên đỉnh núi Bà

Tạp Chí Giáo Dục

Gần thế kỷ gắn bó nghề hoa, nông dân Đà Lạt rút được câu ví von cửa miệng “trồng lily như đánh bạc”. Ấy vậy mà, có người đã mạo hiểm bỏ công việc ở Sài Gòn lên Tây Nguyên đeo đuổi “canh bạc” bằng cách làm táo bạo và trở thành ông chủ của trang trại lily bạc tỷ trên đỉnh núi Bà.

Bén duyên hoa

Núi Bà, tên gọi dân dã của đỉnh Langbiang (tỉnh Lâm Đồng), vốn ẩn chứa nhiều huyền thoại, và câu chuyện về “vua lily” Nguyễn Chí Bảo (76 tuổi) ở đỉnh núi này cũng như một huyền thoại. Là một cán bộ của Bộ NN-PTNT, năm 1979, ông được tham gia chuyến học tập, khảo sát các mô hình sản xuất nông nghiệp ở châu Âu. Đến Hà Lan, ông bị “hút hồn” bởi vẻ đẹp của các loài hoa, các trang trại sản xuất hoa thương phẩm và nhất là doanh thu “khủng” mà ngành hoa mang lại. “Nếu so về khí hậu, đất đai thì Hà Lan còn thua xa Đà Lạt, vì bên đó có khoảng thời gian dài bị tuyết phủ trắng. Vậy mà vào thời điểm đó, họ đã thu về mỗi năm hơn chục tỷ đôla từ xuất khẩu hoa và giống hoa”, ông Bảo bộc bạch.

Ông Bảo hướng dẫn công nhân thu hoạch hoa lily.

Về nước, ông đề xuất ngay ý tưởng chọn Đà Lạt để phát triển vùng sản xuất hoa thương phẩm xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước. Nhưng lúc đó kinh tế còn quá khó khăn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư bài bản sản xuất hoa thương phẩm như là điều viển vông, nên đề xuất của ông bị tạm gác. Nhiều lần diễn thuyết không thành, năm 1992, ông xin nghỉ việc cơ quan để ra ngoài mua đất, lập vườn nghiên cứu và trồng hoa ở TPHCM, đồng thời nhờ bạn bè liên hệ mua đất ở Đà Lạt. Năm 1994, ông và nhóm bạn có cùng đam mê, chí hướng quyết định rời phố lên rừng, bắt đầu “giấc mơ hoa” ở tuổi 56.

“Vì sao ông không lập vườn ở trung tâm Đà Lạt mà vào tận vùng “khỉ ho cò gáy”, cách trung tâm cả hàng chục cây số?”. Ông cười: “Đây mới đúng là đất trồng hoa. Đất sạch, nguồn nước sạch, bốn bề còn rừng núi bao bọc, khí hậu phù hợp cho việc nghiên cứu và sản xuất hoa cao cấp”. Nói là vậy, nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn có một khoảng cách lớn. Những ngày đầu rời phố lên rừng, điều kiện quá khó khăn, làm ăn lời lãi không được bao nhiêu nên bạn bè của ông Bảo nản chí, người quay về TPHCM, người ra TP Đà Lạt tìm cơ hội khác. Riêng ông quyết tâm bám trụ.

Giấc mơ giống lily nội

Nhưng chặng đường để trở thành “vua lily” của ông Nguyễn Chí Bảo không hề dễ dàng. Ông kể: “Lúc đầu, tôi trồng thử nghiệm đủ thứ: hồng, cúc, đồng tiền, lily… và nhận thấy trồng lily phù hợp nhất, nên chuyển sang độc canh loài hoa này. Những năm đầu, tôi nhập giống lily của Hà Lan với giá lúc đó 6.000 đồng/củ, mỗi sào 50.000 củ, tính ra mức đầu tư quá lớn. Trong khi đó, đầu ra còn bấp bênh, loài hoa này lại có đặc điểm “chín” rất nhanh, chỉ trong vòng một tuần là nở rộ, bán không kịp phải đem bỏ. Vì vậy, không riêng gì tôi, nhiều nông dân khác cũng thất bại, thậm chí có người sạt nghiệp và sốc quá tự tử. Sau vài vụ thất bại, tôi nghiệm ra rằng, nếu cứ mua giống lily ngoại thì không ổn, mà phải nghĩ cách tự nhân giống và làm có sản phẩm quanh năm chứ không chỉ chăm chăm vào vụ tết”.

Nghĩ là làm, ông bắt đầu dành thời gian, công sức để nghiên cứu nhân giống lily. Nhiều đêm ông thức trắng, một mình trong chiếc lán giữa rừng lạnh lẽo, vắt óc suy nghĩ, nghiên cứu phương pháp nhân giống. Trời hửng sáng liền ra vườn cày xới đất đai, thử nghiệm trên thực địa. Ngoài những kiến thức từ sách vở, ông còn dành dụm tiền mua vé máy bay sang tận Hà Lan để học hỏi nhưng không thành, vì đó là bí mật làm ăn của họ. Đang lúc bế tắc, năm 2005, một trận lốc xoáy lại quét qua núi Bà, cuốn rạp cả trang trại hoa của ông. Khó chồng khó, người đàn ông tuổi “thất thập cổ lai hy” tưởng chừng sẽ buông xuôi. Nhưng “trong họa có phúc”, vài tháng sau trận lốc, ông tình cờ phát hiện những đám lily bị quét ngang gốc bỗng đâm chồi. Đào lên, thấy quanh gốc chi chít củ bi (củ nhỏ). “Lúc đó tôi mừng như bắt được vàng. Hiện tượng củ lily mẹ “đẻ” ra các củ con chính là bước ngoặt, giúp tôi hình dung được phương pháp nhân giống lily hết sức đơn giản và hiệu quả để tránh phụ thuộc vào giống ngoại”, ông Bảo hồ hởi nhớ lại.

Quả thực, theo cách mô tả của ông Bảo thì phương pháp nhân giống lily này hết sức đơn giản. Chỉ cần lấy củ của cây lily đã ra bông (thường gọi là củ trối), tách lấy vảy, xử lý hóa chất kích thích ra rễ, rồi đem ươm. Đây là khâu phức tạp nhất trong quy trình nhân giống vì củ mầm thường bị thối hoặc nấm bệnh, nhưng hiện nay tỷ lệ cây sống tại trang trại của ông đã đạt trên 90%. Cây con mọc lên chưa cho bông ngay, mà tiếp tục lấy củ để trồng. Cứ vậy khoảng 3 – 4 lần sẽ tạo được củ giống đạt tiêu chuẩn. Với phương pháp này, ông Bảo có thể dùng một củ trối lily mà nông dân đổ bỏ để nhân ra 200 củ giống.

Trang trại bạc tỷ

Chủ động được giống, ông Bảo mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Trang trại của ông bây giờ như một “vương quốc lily” giữa đại ngàn với hàng chục khoảnh lily, mỗi khoảnh ở một độ tuổi khác nhau, từ cây giống mới gieo ươm đến lily đang độ thu hoạch. Nhờ cách sản xuất gối vụ này mà ông có sản phẩm cung ứng thường xuyên cho thị trường chứ không chỉ tập trung vụ tết như đa số nông dân Đà Lạt. Ông tâm sự: “Với lily, chủ động được nguồn giống sẽ giúp giảm giá thành đến phân nửa. Nhưng đầu ra vẫn là yếu tố quyết định. Vì vậy, tôi kết nối trang trại với mạng lưới cửa hàng hoa tại TPHCM, Vũng Tàu, nhu cầu bao nhiêu thì alô để chuyển xuống nên không lo dội hàng”.

Gần 20 năm lên rừng bám đất gieo hạt, những mầm xanh nảy nở từ mồ hôi, nước mắt đã đem về mùa màng gặt hái. Hiện mỗi năm, trang trại ông Bảo nhân được 3 triệu củ giống để trồng và tung ra thị trường chừng đó cành lily đủ màu sắc. Năm 2012, trang trại lily mang lại doanh thu 8 tỷ, năm 2013 trên chục tỷ đồng. Vậy mà, mỗi khi nhắc đến từ “thành công”, ông chỉ cười: “Mới bước đầu thôi. Mục tiêu của tôi là con số 20 triệu củ giống mỗi năm. Ít lâu nữa, nhà báo trở lại sẽ thấy nơi đây thực sự là một vương quốc lily”.

NAM VIÊN (SGGP)

Bình luận (0)