Điểm thu mua, lưu trữ bình ắc quy, mặt hàng dễ cháy nổ trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh |
Người dân TP.HCM vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ cháy lớn tại bãi phế liệu trên đường Trường Sơn, Q.Tân Bình vào chiều 22-3, chỉ cách Sân bay Tân Sơn Nhất chừng 500m đường chim bay. Vụ hỏa hoạn đã khiến khu vực này hỗn loạn, cuộc sống người dân khu vực trở nên bất an. Trước đó là vụ nổ kinh hoàng tại một vựa ve chai ở Hà Đông, Hà Nội làm 4 người chết. Hai vụ tai nạn này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo “ngòi nổ” tại các vựa ve chai tồn tại trong khu dân cư đông đúc.
Sống trong sợ hãi vì gần vựa ve chai
Mùa nắng nóng đến gần, hiểm họa cháy đang là nỗi ám ảnh của người dân, nhất là khi một số nơi vẫn còn lơ là, xem nhẹ công tác an toàn cháy nổ. Không khỏi giật mình khi phương tiện chữa cháy tại chỗ đối với các vựa ve chai là thứ xa xỉ.
Tìm đến vựa ve chai nằm bên đường Nguyễn Văn Linh, đoạn qua xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, chúng tôi như ngạt thở bởi từ trong nhà ra ngõ là những đống ve chai đã phân loại, nào là bình gas mini, thùng giấy các tông, chai nhựa, vỏ bình ắc quy…
Chị chủ vựa tên Thủy (quê Hải Hậu, Nam Định) ra vẻ lo lắng vì những ngày qua chính quyền địa phương lại yêu cầu di dời vựa ra xa khu dân cư. “Hợp đồng thuê đất còn đến hơn năm, đi thì mất tiền cọc – nhiều chứ đâu có ít mà giờ cũng chẳng biết đi đâu”, chị Thủy tâm tư. Chị Thủy cũng cho biết, dù luôn miệng nhắc nhở các em chất hàng gọn gàng, cấm hút thuốc lá trong khu vực nhưng trước sự lo lắng của người dân xung quanh nên cũng áp lực lắm.
Trên đường Lê Văn Lương (đoạn từ P.Tân Kiểng, Q.7 đến xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) có hàng chục vựa ve chai lớn nhỏ. Trong đó, hầu hết các vựa đặt tại những căn nhà cấp 4 lụp xụp, người thuê lại tự ý cơi nới bằng loại vật liệu dễ cháy kiếm được từ đống ve chai.
Nhắc đến vựa ve chai ở cách nhà vài chục mét, ông Nguyễn Ngọc Cư (xã Nhơn Đức) lắc đầu, nói: “Nó mà cháy thì chỉ có chết chứ không cách nào cứu nổi. Người ta bảo có dại mới sống bên vựa ve chai nhưng đành chịu vậy chứ biết phải đi đâu bây giờ. Mong chính quyền địa phương vận động họ dời vựa đi chỗ khác cho dân nhờ”.
Cũng theo ông Cư, trước đây vựa này còn thu mua cả bình gas, bình khí C02, mỗi lần chuyển từ xe xuống hoặc từ kho lên xe, họ quăng đùng đùng rất nguy hiểm.
Vựa ve chai có nguy cơ xảy ra cháy ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh là nỗi ám ảnh của người dân |
Theo tìm hiểu của phóng viên, thông thường vựa ve chai thu mua rồi phân loại, sau đó lưu kho khoảng 5 ngày hoặc 1 tuần mới chuyển đến các cơ sở tái chế. Tuy nhiên, thời gian lưu kho còn lệ thuộc vào giá cả thị trường, đó cũng là thời gian người dân xung quanh sống trong phập phồng, âu lo.
Phóng viên cũng được thông tin từ một số người dân ngụ tại đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh phản ánh về nhiều vựa ve chai thu mua bình ắc quy. Ghi nhận của chúng tôi, phía trước căn nhà này chất hàng chục bao bình ắc quy được cho là “bén lửa” còn hơn cả những vật liệu dễ cháy khác. Nguy hiểm hơn, cách đó chỉ vài căn là điểm bán bình bơm hơi đủ loại.
Khó di dời “bom” ra xa khu dân cư
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ vựa ve chai trên đường Hoàng Sa (Q.Bình Thạnh) thừa nhận: “Từ lúc xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông – Hà Nội, chúng tôi cũng bị áp lực. Gia đình cũng đang tìm nơi để di dời sớm, đảm bảo an toàn cháy nổ trong khu dân cư theo cam kết với chính quyền”. Ông Thành cho biết thêm, làm nghề hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ ông dám mua bình gas, bình C02 cũ… Bởi: “Nó có thể giết chết mình bất cứ lúc nào”, ông Thành nói.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Hoàng Hưng – Công an huyện Bình Chánh – cho biết: Thời gian qua địa phương cũng đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh ve chai cảnh giác cao độ về cháy nổ. Bên cạnh đó, trách nhiệm người cho thuê nhà, đất để kinh doanh ve chai cũng phải cam kết chấp hành tốt quy định về an toàn cháy nổ, tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Luận (Đoàn luật sư TP.HCM), Nghị định 26/2012/ NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ, các cá nhân, tổ chức khi phát hiện các vật liệu nổ, chất nổ từ bom, mìn, vũ khí thì có trách nhiệm trình báo và giao nộp cho chính quyền địa phương. Riêng các vật liệu dễ cháy nổ thì không thể bắt ép người dân giao nộp mà chỉ tuyên truyền vận động họ. Bởi đó là một món hàng ve chai, họ có thể mua và bán nó mà pháp luật không cấm.
Chính vì vậy mà khá nhiều chủ vựa ve chai không thể cưỡng lại lợi nhuận từ việc thu mua bình gas, bình CO2 cũ… Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc các vựa ve chai có thể cháy, nổ bất cứ lúc nào. Còn hậu quả thì vô cùng khôn lường khi các vựa ve chai tồn tại ngay trong khu dân cư đông đúc…
Bài, ảnh: Tuy An
Bình luận (0)