Mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm gặp được Neil van Schalkwyk, người được xem là “cha đẻ” chiếc kèn nhựa vuvuzela đã trở thành hiện tượng gây sốt toàn cầu của mùa World Cup 2010, tại TP Cape Town.
Khi được hỏi “Có phải ông quá bận rộn trong mùa World Cup này?”, “vua kèn” Neil van Schalkwyk nói ngay: “Vâng, thật tình tôi quá bận rộn”. Những đơn đặt hàng vuvuzela tới tấp, xưởng sản xuất ở Cape Town làm việc không nghỉ để đáp ứng nhu cầu mua kèn từ CĐV Nam Phi lẫn quốc tế khiến Neil van Schalkwyk vừa vui vừa quá tải. “Chúng tôi có thể sản xuất 10.000 chiếc mỗi ngày” – Schalkwyk khẳng định.
Neil van Schalkwyk (cầm vuvuzela) và bạn bè tại Cape Town |
Ngoài đời, trông “vua kèn vuvuzela” giống một thầy giáo bình dị hơn nhà doanh nghiệp sở hữu bản quyền một mặt hàng gây biết bao tranh luận ở mùa World Cup. Đặc biệt, Neil van Schalkwyk có gương mặt rất châu Á mặc dù ông là một người Nam Phi gốc Hà Lan chính cống ngay từ họ tên.
Ý tưởng sản xuất kèn nhựa vuvuzela bắt đầu từ đâu? Van Schalkwyk kể lại: năm 1995, khi đang là một hậu vệ chơi cho đội bóng trẻ Santos ở Cape Town, ông đã ghi được một bàn thắng trong trận gặp đội Battswood. Ông nghe từ khán giả một âm thanh ù ù ồn ã phát ra trong đám đông. Đó là âm thanh từ chiếc kèn dài cong quẹo làm từ sừng linh dương, được những người Nam Phi dùng để tụ họp xóm làng thời xưa.
Trở về nhà từ cầu trường huyên náo hôm đó, van Schalkwyk vắt tay suy nghĩ đến một dụng cụ cổ vũ lý tưởng dành cho CĐV Nam Phi. Làm việc trong một nhà máy nhựa, van Schalkwyk nghĩ ra vài cách để sản xuất một loại kèn có âm thanh tương tự những gì ông đã nghe trong trận đấu. Và vuvuzela ra đời, có độ suôn dài tiêu chuẩn từ 65cm-1m. Tên gọi “vuvu” theo tiếng dân tộc Zulu ở Nam Phi có nghĩa là “làm huyên náo lên”.
Van Schalkwyk bắt đầu bán được 500 chiếc vuvuzela trong năm 2001. Một năm sau đó đã có 20.000 chiếc được tiêu thụ. Khi đó, van Schalkwyk nghĩ: “Ôi, đây có lẽ là cú hốt bạc chót”.
Nhưng không, chiếc vuvuzela mà van Schalkwyk giữ bản quyền sở hữu (cuối tháng 6 vừa qua ông đã chia sẻ bản quyền chung với nhà thờ Nazareth Baptist ở vùng Shembe do các thành viên giáo hội này cũng từng tự chế ra chiếc kèn hình dáng giống vuvuzela bằng thiếc khoảng năm 1910) bắt đầu được CĐV Nam Phi yêu thích trong các trận đấu của giải bóng đá quốc gia.
Van Schalkwyk đồng sáng lập Công ty thể thao Masincedane để đẩy mạnh việc sản xuất vuvuzela. Trước World Cup 2010 đã có hơn 800.000 chiếc kèn được bán. “Ở Nam Phi chúng tôi có tới 11 ngôn ngữ chính thức nhưng chỉ có một ngôn ngữ mà ai cũng hiểu được: vuvuzela” – van Schalkwyk tự hào nói.
Vuvuzela được thế giới biết đến từ Giải FIFA Confederations Cup năm 2009 và trở thành hiện tượng tại World Cup 2010. Hầu như ai cũng mang vuvuzela vào sân cổ vũ như một hình thức “nhập gia tùy tục” đầy thú vị. Hãng Hyundai làm một chiếc vuvuzela kỷ lục lớn nhất thế giới (dài 35m) đặt giữa một đường cao tốc trên không tại Cape Town. Cựu danh thủ Pháp Zinedine Zidane sang Nam Phi cũng thổi vuvuzela, tuyển thủ Anh Jamie Carragher mua vuvuzela về nhà cho con. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, mục sư đoạt giải Nobel hòa bình Desmond Tutu hào hứng ủng hộ bất chấp có nhiều ý kiến phản đối và bực mình với âm thanh như tổ ong của vuvuzela tại World Cup.
“Tôi mất ngủ rất nhiều vì những lời than phiền vuvuzela” – van Schalkwyk thừa nhận. Ông nảy ra sáng kiến bán kèm vuvuzela với… một cặp bịt tai để giảm tiếng ồn. Vuvuzela cũng được tung ra với đủ màu sắc và trang trí thêm nhiều hoa văn, quốc kỳ các nước dành cho CĐV quốc tế. Từ Nga đến Brazil, nhiều nơi trên toàn thế giới liên lạc với van Schalkwyk để đặt hàng mua vuvuzela. Ở châu Âu, Công ty Đức Urbas-Kehrberg đã sản xuất 1,5 triệu chiếc vuvuzela với phần trăm lợi nhuận chia sẻ với van Schalkwyk. Vuvuzela thành cơn sốt toàn cầu.
Khi nghe chúng tôi nói vui chắc van Schalkwyk giàu lắm vì vuvuzela, ông cười nói không phải thế và rất lo âu “bởi nạn vuvuzela bị sản xuất lậu với chất lượng kém và giá rẻ hơn hàng chính gốc”.
Chúng tôi kể với van Schalkwyk rằng nhiều người hâm mộ ở VN cũng thích vuvuzela, ông ngạc nhiên: “Tôi rất thú vị khi nghe tin này đấy. Nếu có ai hứng thú với việc sản xuất vuvuzela tại VN, hãy liên hệ với tôi nhé!”.
TRUNG NGHĨA (theo tuoitre)
Bình luận (0)