Sinh viên liên thông Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định trong một giờ học |
Các trường ĐH-CĐ hy vọng những quy định mới trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư 55 sẽ giúp các trường “vực dậy” được không khí tuyển sinh liên thông đã có phần chìm lắng suốt hai năm qua.
Hơn hai năm qua, không ít trường chỉ tuyển được trên 50% chỉ tiêu liên thông. Nhiều đơn vị thậm chí tuyển không đủ mở lớp vì người học không vượt qua được kỳ thi “3 chung”.
Nhiều thuận lợi
Một trong những điểm quan trọng của dự thảo, thí sinh vừa tốt nghiệp TC, CĐ nghề, CĐ có thể thi liên thông ngay lên CĐ, ĐH bằng kỳ thi do nhà trường quyết định. Các em không phải bắt buộc dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển như tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy. Đại diện các trường ĐH-CĐ cho rằng, điều này không chỉ tạo thuận lợi cho người học mà cho cả đơn vị đào tạo.
ThS. Nguyễn Quốc Anh – Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – nhận định, việc thay đổi hình thức tuyển sinh đầu vào như vậy phù hợp với tình hình hiện tại. Trước kia, những người vừa học xong TC, CĐ phải thi 3 môn văn hóa tại kỳ thi “3 chung” để vào ĐH thường rất khó đạt kết quả tốt. Trong khi nếu họ dự thi các môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, đều là những kiến thức vừa được học thì khả năng trúng tuyển cao hơn.
Đồng quan điểm, TS. Trần Mạnh Thành – Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt – phân tích, với những sửa đổi trong dự thảo lần này, người học mới tốt nghiệp được lợi ở chỗ không phải căng thẳng tham dự kỳ thi THPT quốc gia, cũng không phải chờ đợi đến 36 tháng mới được dự kỳ thi liên thông do trường tổ chức. Phía các trường cũng sẽ thuận lợi hơn trong đào tạo liên thông khi đón nhận những lứa sinh viên mới tốt nghiệp với kiến thức còn “nóng hổi”.
“Vấn đề quan trọng đặt ra là các trường trong quá trình tuyển sinh cũng sẽ phải tự tìm cách đảm bảo chất lượng đầu vào để sinh viên có đủ khả năng theo học. Vì nếu sinh viên dở quá, chính nhà trường sẽ thiệt hại từ hình ảnh đến thương hiệu, uy tín”, ThS. Quốc Anh nói.
Liên thông sẽ “hồi sinh”?
Các trường bày tỏ tin tưởng những thay đổi trong dự thảo lần này sẽ giúp “vực dậy” không khí tuyển sinh liên thông có phần im ắng, ảm đạm suốt hai năm qua. ThS. Trần Kim Phước – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định – so sánh: Trước kia, trường tuyển đủ chỉ tiêu liên thông hằng năm. Hơn hai năm qua, khi áp dụng thông tư 55, trường không tuyển được do chỉ rải rác hồ sơ nộp vào. “Ngay cả khi được thuyết phục vào học CĐ chính quy, nhiều người học cũng tỏ ra e ngại bởi sợ học xong rồi phải chờ đến 36 tháng mới liên thông ĐH được”, ThS. Phước dẫn chứng. Nhiều đối tượng vì điều kiện kinh tế hoặc không đủ khả năng học ĐH sẽ chọn hệ liên thông. Nguồn tuyển của hệ đào tạo này hoàn toàn có thể được cải thiện dần trong thời gian tới.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM hằng năm cũng thường tuyển đủ 1.000 chỉ tiêu liên thông. Hai năm vừa qua, khi áp dụng thông tư 55, trường chỉ tuyển được phân nửa chỉ tiêu. ThS. Quốc Anh cho rằng liên thông từ CĐ lên ĐH tiết kiệm được chi phí và thời gian hơn so với việc xét học bạ THPT rồi học đến 4 năm. Vì vậy, cùng với những thay đổi có lợi như đang dự kiến, chắc chắn hệ liên thông sẽ được quan tâm trở lại.
TS. Trần Mạnh Thành cũng chung nhận định, nguồn liên thông chủ yếu gồm những thí sinh đã học qua một bậc chuyên nghiệp nào đó. Những thí sinh này quan tâm nhiều đến vấn đề giảm thiểu chi phí và rút ngắn thời gian học tập ĐH hơn là “làm lại từ đầu” với con đường vào ĐH bằng xét tuyển học bạ phổ thông. Do vậy, khi khâu tuyển sinh đầu vào hệ liên thông không còn quá gắt gao, người học sẽ lại tìm đến và liên thông sẽ có cơ hội “hồi sinh”.
Trường CĐ Bách Việt hai năm qua, không chỉ hệ liên thông tuyển sinh không đủ mở lớp mà bậc đào tạo CĐ, TC cũng giảm mạnh người học. Cụ thể, thay vì tuyển được 1.000 chỉ tiêu hằng năm thì trong 2 năm qua lượng tuyển được giảm hẳn đi một nửa.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)