Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vui buồn chuyện chấm thi – Kỳ cuối: Thí sinh… hành giám khảo

Tạp Chí Giáo Dục

Vẫn biết giám khảo luôn cần phải bản lĩnh, phải đặt sự bình tĩnh, tỉnh táo lên hàng đầu trong việc chấm thi để đem lại kết quả công bằng và khách quan nhất. Nhưng đó chỉ là đòi hỏi từ một phía…

Thí sinh nộp bài thi môn văn (khối D) tại hội đồng thi Trường ĐH Nông lâm – Ảnh: N.Hùng

Trong số các giáo viên chấm thi tự luận, giáo viên chấm môn văn luôn là người có nhiều tâm tư nhất khi đọc bài thi của thí sinh. Nhưng từ cách làm bài của thí sinh, nhiều giáo viên chợt giật mình về cách dạy của mình.
Những bài thi cười ra nước mắt
Chuyện mình làm việc nghiêm túc trong khi giám khảo khác thì không cũng dễ gây tâm tư. Cô T. – giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền – tâm sự: “Đã ba năm nay mình không đi chấm thi, đơn giản vì khi đi chấm thấy… buồn quá. Có những giám khảo chấm rất tốc độ, họ quan tâm đến số lượng bài thi mà mình chấm được chứ không phải chăm chút, nâng niu từng sáng tạo nhỏ của thí sinh. Và quan điểm của những giám khảo này là cứ cho điểm bình bình, không ai kiện mình được”.
Thử hỏi xem, giám khảo có bị… tra tấn không với những kiểu “sáng tác” mà thầy Trọng Văn, một giám khảo ở TP.HCM, ghi lại từ các bài thi khối C, D1, M mà một giám khảo ở TP.HCM đã ghi lại trong khi chấm thi tuyển sinh 2009: Vợ anh Tràng (trong tác phẩm Vợ nhặt) được miêu tả “xanh xao gầy còm cõi vì qua một đêm tân hôn thức trắng, như thế đó mà khuya phải thức dậy thiệt sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả gia đình, cho mẹ cụ Tứ, mà khó nữa vì mẹ cụ Tứ kêu đi nấu cơm mà lại nấu bằng cám heo ăn thì sao mà thành cơm được, khổ cho chị thiệt”. Còn anh Tràng thì “thề đến chết không thèm lấy vợ quá nghèo chi cho cực thân nhưng thấy người đàn bà dù không đẹp lắm nhưng thèm bánh đúc và nghèo quá nên anh lấy luôn về làm vợ cho rồi”.
Câu gần 50 chữ không có một dấu chấm, dấu phẩy khiến giám khảo đọc muốn hụt hơi. Chưa kịp hoàn hồn thì giám khảo gặp ngay đoạn văn khác cũng lai láng không kém: “Hoàn cảnh nhân vật đàn bà Nguyễn Minh Châu thật đáng thương vì chị là một mình người đàn bà chài lưới nuôi trồng say sỉn và hơn chục đứa con là sản phẩm của những trận say sỉn người chồng đi nhậu về còn ra bờ kênh tìm vợ đang đánh cá và thắt lưng tơi tả…” (bài thi viết về hình ảnh và số phận người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu).
Cũng với câu hỏi này, có thí sinh còn nêu dẫn chứng: “Không chỉ có nam nhà văn mà nữ nhà văn cũng có sự đấu tranh giành quyền lợi cho phe mình. Bà Huyện Thanh Quan là bà chúa thơ Nôm đã có nhiều bài thể hiện tâm trạng bi cực của người phụ nữ như: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn. Bảy nổi ba chìm với nước non. (thơ Hồ Xuân Hương). Lặng lẽ thân cò khi quãng vắng. Âu sầu mặt nước buổi đò đông (thơ Tú Xương). Chỉ có người đàn bà mới viết được như thế về mình chứ người đàn ông làm sao hiểu được họ cam chịu…”.
Chưa hết, khi phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, có thí sinh đã viết: “Xuân Diệu chọn cách nói ước lệ của thơ xưa chứ đã yêu và tận hưởng tình yêu thì phải lâu dài chứ ai đời chỉ yêu có một tuần mà không yêu lâu dài đến cả tháng, cả năm”. Riêng câu hỏi dạng nghị luận xã hội, các thí sinh đã viết khá thật thà: “Nếu quá thật thà, không quay cóp thì chắc chắn tôi không thể qua được 12 năm học để giờ này được vinh dự ngồi đây làm bài thi đại học. Vậy gian lận trong thi cử, kiểm tra có lợi nhiều đấy chứ! Ông bà ta dạy “Thật thà cha thằng dại” quả không sai phải không các bạn?”.
Thầy Đỗ Việt Hùng – trưởng khoa văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho biết chấm thi ngại nhất là gặp những bài viết lạc đề nhưng vẫn viết rất dài vì cứ tưởng… viết dài sẽ có thêm điểm.
“Bài vòng vo, linh tinh… giám khảo vẫn phải cố đọc để tìm ra những ý đúng của thí sinh lẫn trong đó để cho điểm vì nếu để lọt thì thiệt cho thí sinh- thầy Hùng cho biết – Những bài chữ xấu, viết khó nhìn, khó đọc cũng làm cán bộ chấm thi bị ức chế”. Cùng tâm trạng, cô D. – giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa – trăn trở: “Với những bài thi như vậy, thực lòng tôi chỉ muốn gạch ngang và cho 2-3 điểm gì đó. Nhưng làm thế thì thấy có lỗi với thí sinh, đành ráng ngồi mà “bơi” trong cái “mê hồn trận” ấy để “đãi cát tìm vàng”. Nhiều bữa chấm thi xong là có cảm giác mắt mình tăng thêm vài độ”.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Quang Hiển (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) là người nhiều năm chấm thi tuyển sinh cũng cho hay: các thầy chấm môn sử vất vả nhất là khi phải chấm những bài thi viết dài nhưng không rõ ý, không theo trình tự, trình bày tùy tiện. Lại có những bài đề bài hỏi một đằng, trình bày một nẻo, gây cảm giác rất khó chịu cho người chấm.
Thật ra đọc vài câu là biết ngay trình độ của thí sinh. Em nào học bài tử tế, trình bày được sẽ thể hiện ra ngay. Nhưng vì đáp án tính theo ý nên người chấm vẫn phải cặm cụi đọc kỹ hết bài trình bày, ghi nhận những ý trùng với đáp án để cho điểm. PGS.TS Vũ Quang Hiển và nhiều cán bộ chấm thi có cùng nhận xét là năm nay số bài thi của thí sinh không làm được bài rồi viết vẽ những nội dung không liên quan đến đề thi, những bài viết vẽ bậy vi phạm quy chế giảm hẳn, hầu như không có. “Như trước đây, gặp những bài thi thí sinh viết vẽ bậy, chúng tôi cảm thấy xúc phạm, rất ức chế”.
Chấm thi: khổ tâm, hành xác
Thù lao cho một bài thi tự luận hiện chỉ khoảng 6.000-8.500 đồng/bài thi (tùy từng trường và tùy từng môn thi) nhưng phải chia đôi cho hai giám khảo. Vài năm trở lại đây, giám khảo còn không được hưởng trọn thù lao chấm thi khi làm hợp đồng với trường ĐH, CĐ vì còn phải đóng thuế thu nhập. Tính trung bình mỗi ngày giáo viên chỉ chấm được khoảng 60-80 bài thi (với môn văn, sử, địa còn thấp hơn vì phải đọc nhiều, rất mất thời gian), thù lao nhận được chỉ 300.000-600.000 đồng/ngày trong khi đi dạy kèm một tiết họ đã được trả 200.000-400.000 đồng (đối với giáo viên giỏi).
Ông Nguyễn Văn Lâm, phó phòng đào tạo Trường CĐ Giao thông vận tải, cũng chia sẻ: biết là thấp nhưng không thể nâng hơn được vì khoản thu lệ phí tuyển sinh của thí sinh đã không đủ chi cho khâu tổ chức thi. “Đành phải động viên các thầy cô thông cảm, cố gắng chấm đúng tiến độ” – ông Lâm cho hay.
Dù Bộ GD-ĐT có đưa ra quy trình chấm thi nhưng không phải ở đâu cũng làm giống nhau. Có nơi sau khi giám khảo chấm xong lượt một, chờ thư ký dò lại điểm khiến hàng trăm giám khảo phải chờ từ 11g đến 14g, thậm chí có người đến 15g30 mới có bài để tiếp tục chấm. Giáo viên ở ngoại thành, các tỉnh lân cận không thể mệt mỏi hơn khi nghĩ về đoạn đường sáng đến hội đồng chấm thi, chiều về nhà so với khoảng thời gian “ngồi chơi xơi nước” này. Ngay mùa tuyển sinh này, có giám khảo phải vào mấy chục mục điểm (mỗi mục 0,25 điểm) vào từng phiếu chấm, căng thẳng và mệt mỏi hơn nữa.
T.DUY – H.HƯƠNG – T.HÀ (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)