Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vui buồn đời kiểng: Bài 2: Thuê thám tử tư theo dấu kiểng tặc

Tạp Chí Giáo Dục

Cây mai chiếu thủy của ông Tư Sửu (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bé, TP.HCM) được ông cho là “cây tài, cây lộc”. Mới đây, ông phải mất gần 20 triệu đồng thuê thám tử tìm lại được. Ảnh: TUY AN

Đối với nhiều đại gia, chứng tỏ sự giàu có, quý phái không còn là những chiếc xe hơi đời mới, cặp bồ với các cô gái chân dài… mà hiện nay họ lại “đọ sức” với nhau qua thú chơi kiểng “độc”, đắt tiền. Mất đi một chậu kiểng nghĩa là mất một “chậu lộc”. Thám tử tư sẽ là người mà nạn nhân của kiểng tặc tìm đến.
Kiểng tặc
Một sáng đầu năm 2010, trời se lạnh, ông hàng xóm gọi điện. Còn ngái ngủ, tôi cũng chẳng thèm quan tâm, bấm nút từ chối cuộc gọi và lăn ra ngủ tiếp. Đồng hồ chỉ mới 5 giờ sáng, chuông điện thoại lại reo, lại ông hàng xóm. Biết có chuyện chẳng lành, tôi không thể từ chối lần nữa. Ông hàng xóm bảo: “Nhà tao bị kiểng tặc vô khiêng hết rồi”.
Thống kê lại, ông hàng xóm của tôi mất cả thảy 14 chậu kiểng gồm sứ trắng, sứ đỏ, khế, mai… trị giá trên 100 triệu đồng. Ông hàng xóm của tôi cũng thuộc loại đàn ông mê kiểng hơn mê vợ. Không nằm trong hàng đại gia cũng chẳng đến nỗi nghèo khó, nói chung ông có đủ điều kiện để chơi kiểng, có cái se sua với người ta. Hôm nhà ông bị kiểng tặc, là hôm mà cả nhà dắt díu nhau về quê ăn giỗ. Cửa cổng dã chiến bằng lưới B 40 đã bị cắt tung.
Thời buổi bấy giờ để chứng tỏ đẳng cấp của mình, ngoài việc tậu xe hơi đời mới, ở biệt thự, nhà có hồ bơi, quán bar… ra các đại gia còn có thú chơi các loại cây kiểng quý phái, thuộc hàng hiếm ở Việt Nam. Như đại gia Tuấn “khờ” (từng dính líu trong một vụ tiêu cực đất đai ở huyện Nhà Bè, TP.HCM). Suốt thời gian dài hơn 4 năm, đại gia Tuấn “khờ” đọ sức với đại gia Minh Cương (chủ hệ thống gần chục quán nhậu ở nhiều quận, huyện và các tỉnh thành miền Tây) với thú chơi những chậu kiểng bề thế trong nhà. Mỗi chậu kiểng có giá thấp nhất không dưới 50 triệu đồng. Cuộc đọ sức rồi cũng có lúc phân kẻ thắng người bại. Người bại trận là Tuấn “khờ”. Thời gian sau, Tuấn “khờ” chơi “bẩn” bằng cách cho người đến gửi thiệp đám cưới con gái và đã lén bỏ thuốc sâu vào gốc cây kiểng của đại gia Minh Cương. Sự việc bị bại lộ khi người giúp việc cho đại gia Minh Cương phát hiện.
Từ khi thú chơi kiểng sang trọng, quý phái ấy thịnh hành cũng là lúc bắt đầu xuất hiện nghề kiểng tặc. Đại gia Minh Cương cũng từng phải bỏ ra cả tháng trời ròng rã để tìm lại được gốc sung 40 năm tuổi bị kiểng tặc rinh hồi cuối tháng 9-2009. Theo đại gia Minh Cương, cây sung không thuộc loại kiểng đắt tiền nhưng tuổi đời 40 năm thì quả là xưa nay hiếm. Có người trả giá cây sung này lên đến 120 triệu đồng nhưng ông một mực từ chối vì “Từ khi có cây sung này, nhà ăn nên làm ra”.
Thám tử tư theo dấu kiểng tặc
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trứ cho biết: “Kiểng tặc chỉ cần rinh một chậu phát tài gọn, nhẹ bán cũng được hơn 100 ngàn đồng. Cơ sở của tôi hầu như năm nào cũng bị mất nhưng thường là những loại cây kiểng chơi hoa, lá mình bỏ phía trước, không có giá trị lắm”. Vào dịp cuối năm, kiểng tặc hoạt động tất rất rầm rộ. Theo thống kê của văn phòng thám tử tư Sài Gòn, mỗi tháng có không dưới 5 hợp đồng điều tra theo dấu kiểng tặc.
Khi bị mất những chậu kiểng trị giá hàng chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng, nhiều người không tiếc số tiền đã bỏ ra cũng như công chăm bón mà tiếc vì mất đi một “chậu lộc”. Chậu lộc ấy đã mang lại cho chủ nhân của nó sự quý phái, giàu sang và mang đến cho gia đình họ sự an lành, thịnh vượng. Một đại gia khác nguyên là cán bộ cao cấp của một bộ nọ dọn về nhà mới ở quận 7 được vài hôm thì bị kiểng tặc viếng nhà. Đại gia này tiếc rẻ: “Mới mua mấy cây kiểng từ Cần Thơ về, đang định ổn định nhà cửa rồi hãy trưng bày nhưng không kịp. Thế là mất toi gần cả trăm triệu đồng”. Đại gia này trầm ngâm, rít thuốc liên hồi, chốc chốc ông lại chép miệng: “Làm gì có gốc mai hoàng hậu nào như gốc đã bị mất”. Nhiều người khuyên ông nên báo với công an truy lùng bọn kiểng tặc nhưng ông một mực phải tìm đến thám tử tư vào cuộc. Nghe ông nói, cả nhà ông cho rằng vì mất cây kiểng nên ông bị “khình khình” nhưng chỉ sau vài ngày, nhân viên của văn phòng thám tử tư Sài Gòn báo tin vui: “Cây kiểng của bác đang nằm trong vườn nhà của một đại gia ở quận Bình Tân”. Thế là ông phải bỏ thêm 40 triệu đồng (đúng giá mà kiểng tặc đã bán cho chủ mới) nữa để chuộc lại cây kiểng, chưa kể tiền phí dịch vụ trả cho văn phòng thám tử tư cũng ngót vài chục triệu đồng.
Mới đây, khi gặp lại nghệ nhân Bảy Nhất (đường Hồng Lạc, Tân Bình), ông Thái – một nghệ nhân chơi kiểng mặt méo xệch nói: “Tuần qua, chỉ có một đêm về quê đám cưới thằng cháu mà ở đây kiểng tặc vào rinh cả thảy 9 chậu mai. Khổ nỗi không phải mai của mình mà là mai của người ta gửi nuôi dưỡng, không biết phải ăn nói thế nào với họ. Giờ phải đền tiền cho người ta, mà chắc gì người ta đã chịu”. 
“Bọn kiểng tặc hoạt động rất chuyên nghiệp và có tổ chức. Những năm trước kiểng tặc còn dùng xe máy chở kiểng nhưng gần đây họ mang cả xe ba gác, xe tải đến chở kiểng. Trước khi thực hiện các vụ trộm, kiểng tặc đã cất công dò la, thám thính cả tuần, thậm chí cả tháng. Không ít vụ có người của các chủ vườn tiếp tay cho kiểng tặc rồi ăn chia”. Một thám tử tư công ty thám tử tư Sài Gòn cho hay.n
Trần Tuy An
Bài 3: Làm “vú nuôi” cho kiểng
Chăm sóc, tạo dáng, “chẩn đoán bệnh” cho kiểng đang được xem là nghề thời thượng. Thu nhập được trả bằng USD, có thể lên đến chục triệu đồng/tháng với mỗi ngày vài giờ, thậm chí chỉ một giờ/ngày.
 
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)