“Vú nuôi” Trần Văn Cường (quận 8) thực hiện chăm sóc, tỉa cành tại vườn kiểng của khách hàng |
Chăm sóc, tạo dáng, “chẩn đoán bệnh” cho kiểng đang được xem là nghề thời thượng. Thu nhập được trả bằng USD, có thể lên đến chục triệu đồng/tháng với mỗi ngày vài giờ, thậm chí chỉ một giờ/ngày.
Nghề dao kéo
Tại Việt Nam, “vú nuôi” cho kiểng có tay nghề cao thuộc loại hàng hiếm. Đa phần xuất thân từ những người làm vườn lâu năm, có kinh nghiệm cộng với lòng yêu nghề, đam mê cây cảnh. Tuy nhiên, để đến với nghề không đơn giản chỉ bấy nhiêu là đủ điều kiện. Nghệ nhân Bảy Nhất, quận Tân Bình nói: “Việc chăm sóc, tỉa cành đúng kỹ thuật phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về loại cây cần chăm sóc. Khó “nuốt” nhất vẫn là “bắt bệnh” cho cây. Nghệ nhân này đưa ra ví dụ: Một cây mai chiếu thủy bị đốm trắng ở lá nhưng chưa hẳn nó đã bị nấm lá như những đốm lá xuất hiện ở các loại cây khác. Đây là một bệnh mà nhiều người thiếu kinh nghiệm, phun không đúng loại thuốc làm cây chết”.
Hôm tôi đến nhà, “bác sĩ” kiểng Huỳnh An Hội (phường 11, quận Gò Vấp) đang chuẩn bị đồ nghề cho một “hợp đồng” mới. Đồ nghề của “bác sĩ” kiểng chẳng khác nào đồ nghề của một bác sĩ bình thường bao gồm các loại dao, kéo, kim tiêm, lọ, bao thuốc lớn nhỏ… “Chỉ thiếu thuốc sát trùng và bông băng”, tôi nói. “Bác sĩ” Hội dí dỏm với giọng Bắc đặc sệt: “Ai bảo thiếu, nó có cả đây này”. Vừa nói “bác sĩ” Hội lôi từ trong ngăn kéo túi xách ra nhiều tấm vải, lưới đủ màu sắc. Đó là dụng cụ để anh bó, chiết cây khi khách yêu cầu.
Thế có bao giờ anh chẩn bệnh sai? “Có tài giỏi chi đâu, phải có sai mới có trúng. Có tay nghề hàng chục năm còn tìm không ra bệnh cho cây là chuyện bình thường”. “Bác sĩ” Hội trả lời. Thế khi không tìm được bệnh, mình phải làm sao? Tôi lại hỏi. Phải nghiên cứu tài liệu, bệnh cây trồng có nhiều loại ngặt nghèo lắm. Có khi tìm được tài liệu liên quan đến loại bệnh ấy thì cây đã có dấu hiệu không “thèm” nước. Đến nước này phải bỏ nhỏ vào tai chủ: “Bác sĩ chào thua”. “Bác sĩ” Hội cũng cho biết, bệnh ở cây cũng giống như bệnh ở con người. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng về sau.
Còn với “bác sĩ” Nguyễn Anh Thái, chủ vườn kiểng Hoa Viên, phường An Khánh, quận 2, có 12 năm kinh nghiệm “bắt bệnh” cho kiểng cũng phải đầu hàng với một cây cau vua mang quá nhiều loại bệnh. “Bác sĩ” Thái kể: “Tôi nhận chăm sóc gần 50 cây cau vua cho một biệt thự ở quận Thủ Đức với giá 5 triệu đồng/tháng trong thời hạn 5 năm. Theo hợp đồng, nếu một cây chết tôi phải đền lại gấp đôi tiền lương tháng, một cây chậm phát triển tôi sẽ bị trừ đi 1/5 tiền lương… Gần đây, cây khỏe mạnh, tươi tốt nhất lại có dấu hiệu “ngã bệnh”. Khổ nỗi, mất cả tháng ròng tôi vẫn chưa “chữa” được. Tôi phải cầu cứu đến các bậc cao niên trong làng kiểng từ miền Tây đến miền Đông họ cũng bó tay. Ban đầu các nách lá có màng nhện trắng, sau chuyển sang vàng và chỗ thân có màng ấy bị mềm nhũn. Rồi sau đó thân cây nẻ ra hình răng cưa, đó là một loại bệnh chưa bao giờ có ở cây cau vua”.
Thời vàng son của nghề
Dịch vụ chăm sóc cây kiểng tại nhà chưa bao giờ thịnh hành như lúc này. Từ những khách hàng không có thời gian chăm sóc đến những khách hàng có thừa thời gian nhưng thiếu kinh nghiệm đều cần đến dịch vụ này. Theo nghệ nhân Bảy Nhất, thuê dịch vụ chăm sóc kiểng dù tốn kém nhưng bù lại có người “bắt bệnh” cho cây để chữa bệnh kịp thời. Dịch vụ chăm sóc kiểng thường bao gồm trọn gói: cắt tỉa, tạo dáng, phòng trừ sâu bệnh, bón phân, tưới cây. Theo đó, tùy vào túi tiền của khách cũng như yêu cầu chăm sóc của từng loại, số lượng kiểng trong nhà mà có những dịch vụ tương ứng để khách lựa chọn như chăm sóc hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng quý.
Lương của “bác sĩ” thường không ổn định, thu nhập phụ thuộc vào số hợp đồng cũng như có thời gian để chạy sô. “Bác sĩ” Hội cho tôi xem cuốn tập học trò chi chít lịch làm việc. Dò theo hàng số thứ tự, tôi đếm được tổng cộng có 24 hợp đồng. Có hợp đồng thực hiện trọn gói chăm sóc, tưới cây, bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh. Cũng có hợp đồng chỉ làm mỗi công việc chẩn đoán và chữa bệnh cho cây. “Bác sĩ” Hội ghi cẩn thận, chi tiết với từng cái gạch đầu dòng những công việc phải làm. Trung bình mỗi hợp đồng như vậy, “bác sĩ” Hội kiếm được khoảng 1 triệu đồng sau khi trừ các chi phí như phân, thuốc, đất, tiền xăng đi lại, tiền lương, cơm nước cho nhân viên… Như vậy, với 24 hợp đồng, mỗi tháng thu được 24 triệu đồng ngon ơ. Tuy nhiên, “bác sĩ” Hội cho hay, 24 hợp đồng/tháng là con số quá lớn, không phải “bác sĩ” nào cũng may mắn có được.
Ngoài khoản lương từ 3-5 triệu đồng/tháng, các “y tá” (theo cách nói dí dỏm của “bác sĩ” Hội) còn nhận được tiền “bo” từ chủ nhà. Với các hợp đồng chăm sóc kiểng cho cơ quan, xí nghiệp thì hiếm chứ các hợp đồng cho các biệt thự, các đại gia hoặc người nước ngoài thì “vô đậm” lắm, nhất là dịp cuối năm.
Hiện nay, nghệ nhân Bảy Nhất cũng có trong tay trên dưới 10 hợp đồng chăm sóc trọn gói cây kiểng dài hạn cho các đại gia và thương gia người nước ngoài tại TP.HCM và Bình Thuận. Mỗi hợp đồng như vậy có trị giá từ 500 USD đến 1.200 USD/tháng tùy vào quy mô, số lượng vườn kiểng. Có không ít người thuê hẳn “bác sĩ” về nhà lo ăn uống, chỗ ở với mức lương trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Như “bác sĩ” Tuấn (em trai “bác sĩ” Hội là một ví dụ.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)