Anh Tư Phúc đang bơm nước vào bồn cho khách hàng |
Nắm bắt được nhu cầu của người dân địa phương đang thiếu nguồn nước sinh hoạt, không ít người đã nghĩ ra kế mưu sinh bằng nghề đổ nước sạch. Nghề này cũng lắm gian nan, chịu nhiều tai tiếng nhưng thu nhập thì… chẳng bao nhiêu.
Lấy công làm lời
Chúng tôi đến thị trấn Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM vào một ngày trung tuần tháng tư và tận mắt chứng kiến cảnh người dân nối đuôi nhau đi đổi nước. Một cụ bà bán nước mía cho tôi biết: “Gần cả tuần nay không có giọt nước nào, sáng nay xe bồn về nhiều nên ai ai cũng tranh thủ đi mua”. Tại đây, tôi gặp vợ chồng ông Xuân, người địa phương trên đường đi lấy nước chở đến tận nhà bán lại cho người dân. Mỗi can nước 30 lít, ông phải trả cho đại lý từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng (tùy vào thời điểm), khi chở đến tận nhà người cần dùng, ông lấy mỗi can từ 2.500 đồng đến 3.500 đồng. “Bỏ công lấy lời thôi. Nhiều người nói chúng tôi ăn lời giá cắt cổ nhưng công sức bỏ ra không đơn giản như họ nghĩ. Hôm nào thiếu nước thì vợ chồng tôi cũng không có cơm ăn” – ông Xuân cho biết như thế!
Vợ chồng ông Xuân có 4 năm làm nghề đổ nước sạch. Đến nay, ông đã có gần chục “mối ruột” cần đổ nước hàng ngày, đa phần là những người ở nhà trọ không có bồn lớn để chứa nước. Trước đây, ông Xuân đổ nước bằng xe ba gác máy nhưng từ ngày cấm loại xe này, vợ chồng ông phải bỏ công sức gấp mấy lần trước đó. Ông Xuân chia sẻ: “Đạp xe đi thì không hề gì, nhưng khổ nhất là chuyển từng can nước đổ vào bồn chứa cho người mua”. Ông Xuân ngồi nhẩm tính: “Trung bình một ngày vác gần 100 can nước chứ có ít đâu”.
Cũng hành nghề đổ nước như vợ chồng ông Xuân nhưng anh Tư Phúc (P. Tân Kiển, Q.7) không tốn công sức nhiều nhờ có chiếc xe tải nhẹ. Anh lắp sau xe một bồn nhựa 500 lít, chiếc máy bơm nhỏ và vài chục mét ống dẫn nước. Khi khách hàng gọi, anh chỉ việc đi lấy nước và chở đến bơm vào nhà. Anh Phúc phân trần: “Có xe tải khỏe thiệt nhưng khách hàng ít vì giá nước mình đổ phải cao hơn người ta mới có lời”.
Nghề chịu nhiều tai tiếng
Q.7 và huyện Nhà Bè là hai địa phương thiếu nước sinh hoạt trầm trọng từ nhiều năm qua. Hàng ngày có hàng chục chuyến xe chở nước sạch được đưa về cho các đại lý, rồi đại lý bán lẻ lại cho bà con. Giá nước bị đẩy lên cao gấp 9-10 lần giá cung cấp cho đại lý do xuất hiện nhiều đại lý nhỏ, mua đi bán lại nhiều lần. Người hành nghề đổ nước chỉ bỏ công lấy lời nhưng lại bị mang tiếng là đổ nước giá cắt cổ.
Anh Phúc chia sẻ: “Không có nước sinh hoạt là một nỗi khổ của bà con, biết rằng mình kinh doanh phải có lời nhưng không nỡ hét giá quá cao. Đại lý bán giá thế nào thì mình nhích lên chút xíu để có đồng lời. Người ta hiểu thì chẳng nói gì, những người mới về địa phương ở không hiểu họ cho rằng mình “chém”, mang tiếng lắm”.
Nghề đổ nước là nghề khá tự do, làm việc bất kể giờ nào trong ngày. Có khi một, hai giờ sáng cũng có khi 12 giờ trưa phải ngồi ở các đại lý chờ xe chở nước đến. “Mặc dù đã đặt hàng trước, nhưng nếu không có mặt thì người ta bán hết, phải tranh thủ đi sớm chờ. Có lúc vừa bưng tô cơm ăn, khách hàng gọi cũng phải bỏ ngang”, ông Xuân cho biết. Người làm nghề này luôn đặt cái tâm lên hàng đầu. Có không ít trường hợp gian dối, chỉ đổ 2/3 bồn nước sạch, còn lại là lấy nước sông. Như mới đây, gia đình ông Võ Hoàng Phương (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) bỏ ra 100 ngàn đồng mua một khối nước sạch pha nước sông. Sự việc bại lộ khi cả nhà ông Phương bị tiêu chảy. Nghi vấn nước có vấn đề, cháu trai ông Phương đang công tác trong ngành cấp, thoát nước mang dụng cụ đến kiểm tra thì phát hiện có nước bẩn.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Ngoài cái tâm, người đổ nước phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của khách hàng để thông cảm và chia sẻ khó khăn với họ. Bà Xuân tâm sự: “Không phải người ta cần 20 can là mình phải chở đủ, ai khác thì không biết, chứ riêng vợ chồng tui thì hôm nào thấy thiếu nước là phải chia đều cho mỗi nhà vài can xài tạm”. |
Bình luận (0)