Tôi đã từng nói, dạy học với tôi là “cái nghiệp” và viết báo với tôi là “cái duyên”. Thời gian qua nhanh, mới đó mà số năm viết báo của tôi đã bằng 1/3 số năm dạy học. Trong thời gian ấy, tôi đã có biết bao chuyện vui buồn, kể làm sao cho hết…
Bài viết “Nhọc nhằn giáo viên tiểu học” của tác giả đăng trên Báo Giáo dục TP.HCM (nay là Tạp chí Giáo dục TP.HCM)
1. Ngay khi bài báo “Đặt chữ tâm trong từng tiết dạy” của tôi đăng trên Báo Giáo dục TP.HCM được phát hành, nhiều bạn bè, đồng nghiệp và người quen đã nhắn tin, gọi điện cho tôi tỏ ý đồng tình, khen ngợi. Hai người bạn của tôi ở hai quận khác nhau còn cho biết trong buổi tập huấn chuyên môn quận, báo cáo viên đã lấy bài báo này để dẫn chứng, hoàn toàn đồng ý với nội dung tôi viết. Bài báo nêu quan điểm của tôi là “Không có giáo viên giỏi mà chỉ có giáo viên có nhiều tiết dạy thành công” và các thầy cô giáo ngày xưa không có danh hiệu giáo viên giỏi, không có trình độ cao như thầy cô giáo ngày nay nhưng “vẫn đào tạo được những lứa học sinh xuất sắc bởi cái tâm của các thầy cô giáo ấy bằng ba cái tài”.
Đến nay, cuộc thi giáo viên giỏi chỉ là phong trào, không bắt buộc giáo viên tham gia. Nhưng thực tế, phong trào này vẫn làm tốn nhiều thời gian, công sức của thầy cô giáo và gây khó khăn cho nhà trường. Một hiệu trưởng nhà trường đã nói khi cả trường không ai thi giáo viên giỏi: “Mặc dù đây chỉ là phong trào, không ép buộc các thầy cô giáo nhưng tôi không thể trả lời là phong trào này, trường tôi không ai tham gia”. Một số ban giám hiệu đã đưa phong trào thi giáo viên dạy giỏi vào thi đua, vậy là có trường 2/3 giáo viên tham gia dự thi. Một giám khảo hội thi đã nói: “Trước đây, mỗi trường chỉ cử 1, 2 giáo viên dự thi. Giờ là phong trào, không hạn chế số lượng nên có trường cử cả 10 giáo viên. Chấm thi, em chóng mặt luôn”. Mới đây, báo chí đã đưa tin ở quận B., thành phố C. vừa công nhận và khen thưởng cho 235 giáo viên giỏi. Giáo viên giỏi như hoa phượng mùa hè!
2. Một ngày cuối năm 2011, cô Chủ tịch Công đoàn trường tôi lúc ấy đến gặp tôi, đưa bài báo “Nhọc nhằn giáo viên tiểu học”, nói: “Sáng nay, hiệu trưởng mời em lên cho biết cấp trên gọi điện hỏi trường làm việc thế nào mà thầy viết bài báo này. Thế nào thầy cũng được mời lên làm việc”. Tôi nhờ cô Chủ tịch Công đoàn nói lại với hiệu trưởng là hãy cho tôi biết trong bài báo chỗ nào sai, chỗ nào không đúng sự thật. Những điều tôi viết là nói thẳng, nói thật. Nếu được mời lên răn đe, tôi sẽ viết thêm bài báo giáo viên còn khổ sở vì không được tự do ngôn luận. Chẳng biết cô ấy có nói lại những điều tôi nói hay không, nhưng tôi không được mời lên “làm việc”. Từ đó, hiệu trưởng lúc ấy đã không đăng ký mua báo nữa.
3. Sáng 25-12-2017, hàng ngàn học sinh của TP.HCM đến trường rồi sau đó ra về gây bức xúc cho tất cả phụ huynh học sinh. Theo thông báo khẩn, các trường ở thành phố được nghỉ học tránh bão từ 12 giờ trưa ngày 25-12 đến hết ngày 26-12, ngoại trừ các trường ở huyện Cần Giờ được nghỉ học từ sáng 25-12. Các trường chấp hành đúng theo thông báo vẫn nhận học sinh vào sáng sớm hôm ấy. Thế nhưng, sau đó lại có thông báo cho học sinh ra về. Giáo viên phải liên lạc để phụ huynh đến đón con em về. Nhiều phụ huynh đưa con em đi học rồi đi làm xa, hoang mang, lo lắng, liên tục gọi điện thoại cho giáo viên. Một phụ huynh của trường tôi bức xúc nói: “Một thông báo thiếu tính khoa học. Chẳng lẽ bão đến huyện Cần Giờ rồi dừng lại, mấy giờ đồng hồ sau mới di chuyển tiếp sang quận 4!”. Các trường chấp hành đúng theo các thông báo gặp rất nhiều phiền phức. Trường bị phụ huynh trách móc là tại sao không cho nghỉ từ sáng. Việc học của học sinh rất quan trọng nhưng an toàn tính mạng còn quan trọng hơn. Nghỉ một buổi học mất bao nhiêu lượng kiến thức mà buộc các em đến trường để gây ra biết bao phiền phức cho phụ huynh, cho học sinh và cả thầy cô giáo. Về nhà, tôi viết ngay bài “Chẳng lẽ bão dừng lại rồi mới đi tiếp”. Bài báo được đăng online lập tức. Hôm sau, Ban Giám hiệu năm đó đến gặp tôi nói: “Anh có viết báo thì dùng bút danh và đừng ghi tên trường mình. Mỗi bài viết của anh mà liên quan đến trường, đến địa phương là cấp trên cứ gọi hoài”. Tôi cười và trả lời: “Sai thì phải sửa, sao cứ né tránh sự thật!”.
4. Một lần, tôi tham dự chuyên đề và dự minh họa tiết dạy cho việc dạy tích hợp của quận. Tiết dạy đã sa đà vào tích hợp mà quên đi trọng tâm của bài dạy, đặt trưng của môn học. Khi nhận xét, góp ý theo nhóm, tôi đã thẳng thắn nêu ý kiến của mình nhưng nhóm trưởng thảo luận đề nghị ghi nhẹ nhàng hơn, tôi cũng không xem lại biên bản đã ghi. Sau đó, tôi đã viết bài “Coi chừng tích hợp là cái lẩu thập cẩm”. Khi bài báo được đăng, các biên bản góp ý được xem lại và tôi bị trách là sao khi góp ý không nói mà viết báo, làm mất uy tín ban tổ chức chuyên đề hôm ấy. Sau đó không lâu, tôi cùng một chuyên viên phòng giáo dục đi dự chuyên đề cấp thành phố. Vừa dự xong tiết dạy, chuyên viên phòng đã nói nhỏ với tôi: “Thầy nhớ góp ý khen nha, đừng chê!”. Rất may là tiết dạy hôm đó rất hay, tôi không phải “bẻ cong” ý kiến của mình để khen ngợi.
5. Năm 2018, tôi hỗ trợ hai giáo viên trẻ của trường tham gia cuộc thi làm đồ dùng dạy học. Kết quả cuộc thi đã làm tôi và nhiều giáo viên tham dự băn khoăn và bức xúc. Những đồ dùng dạy học đoạt giải cao được đánh giá là khoa học, sáng tạo không đủ thuyết phục các thầy cô giáo. Nhiều sản phẩm đoạt giải cao nhưng khó có hiệu quả trong thực tế, giá thành sản phẩm mắc, khó bảo quản, chỉ dạy được một bài học… Chẳng hạn, sản phẩm đoạt giải nhất là 4 mắt kính như mắt kính xem phim 3D, phần mềm được mua về rồi kết nối với máy tính để xem các clip, phim có hiệu ứng như xem phim 3D với giá thành cả chục triệu đồng. Chỉ 4 mắt kính thì với một lớp học có 35 học sinh và 1 tiết học ở tiểu học có 35 phút sẽ sử dụng thế nào trong thực tế. Sản phẩm này tham gia thi để lấy giải thưởng rồi đem cất. Những sản phẩm tốn nhiều công sức, thực sự sáng tạo với tiêu chí hiệu quả trong giảng dạy, dạy được nhiều bài, nhiều môn, dễ bảo quản và tiết kiệm kinh phí thì không đạt giải cao. Bởi các tiêu chí này đã không được đánh giá cao bằng tiêu chí gọi là công nghệ, hiện đại. Bất bình, tôi đã tranh luận với ban giám khảo. Về trường, hiệu trưởng báo tôi biết ban giám khảo đã gọi về trường nói với tôi đừng viết báo về cuộc thi. Không muốn mang tiếng là trường mình không đạt giải cao nên “quậy”, một thời gian sau tôi mới viết bài “Đoạt giải cao rồi… đem cất”. Bài báo đã được rất nhiều trường, nhiều giáo viên nhắn tin cảm ơn tôi đã nói thay họ những điều bức xúc, bất bình.
Gần đây, những bài báo của tôi như “Đổi mới các phương pháp quen thuộc”, “Nỗi niềm nhà giáo xưa và nay”, “Điện thoại thông minh không có lỗi”… đã được một số trường tải về đăng trên trên web của trường. Một cán bộ phòng giáo dục quen biết nhắn tin cho tôi: “Bài viết nào hay, nhớ gửi cho em nha!”. “Cái nghiệp” dạy học của tôi chỉ vài năm nữa là chấm dứt – về hưu, nhưng “cái duyên” viết báo thì tôi hy vọng kéo dài khi tôi vẫn đủ tâm, đủ lực.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)