Cầu Lê Văn Sỹ sẽ thông xe kỹ thuật chào mừng dịp lễ 30-4 (ảnh chụp chiều 10-4) |
Cầu xây mới sắp được thông xe, đường quốc lộ có thêm nguồn vốn mạnh để đẩy nhanh tiến độ, tuyến quốc lộ huyết mạch được người dân đồng thuận trong việc giải tỏa, thậm chí hiến đất làm đường… Đó là những tin vui góp chung với niềm vui chào mừng các ngày lễ lớn sắp tới.
Sắp thông xe cầu mới
Sau một thời gian làm ngày làm đêm, cầu Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM) đang gấp rút hoàn thành để thông xe kỹ thuật nhằm chào mừng dịp lễ 30-4. Theo đó, cầu Hậu Giang (Q.6) và cầu Bông (Q.Bình Thạnh) cũng sẽ được thông xe kỹ thuật để chào mừng kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5. Cả ba chiếc cầu trên đều được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.
Trên đây là 3 trong số 4 chiếc cầu huyết mạch ở TP.HCM được thi công xây mới nhằm đáp ứng lưu lượng lưu thông trong nội thành ngày một tăng. Tính đến thời điểm này, cầu Lê Văn Sỹ nối liền Q.3 với Q.Phú Nhuận đã hoàn thành thi công được hơn 70% khối lượng công việc.
Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM, cầu Lê Văn Sỹ mới không nâng cao tĩnh không cầu nhằm tránh đền bù giải tỏa. Ngược lại, cầu Bông mới lại được kết cấu có độ tĩnh không 2,5m, cho phép xe ô tô con và xe máy lưu thông dưới dạ cầu trên đường Trường Sa và Hoàng Sa.
Được biết trong suốt quá trình thi công, các công trình đều đảm bảo tiến độ và an toàn xây dựng.
Những công trình giao thông trọng điểm
Một cơ quan của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) vừa qua đã quyết định bảo lãnh khoản vay 500 triệu USD cho dự án mở rộng quốc lộ 20, một tuyến đường giao thông huyết mạch ở Việt Nam, nối liền TP.HCM với khu vực Tây Nguyên. Tuyến đường này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc.
Theo đó, dự án công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 20 có tổng mức đầu tư trên 4.100 tỷ đồng, sẽ được thực hiện từ ngã ba Lộc Sơn (thành phố Bảo Lộc) qua các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương và TP.Đà Lạt với tổng chiều dài khoảng 125km.
Dự kiến công trình trên sẽ được hoàn thành một phần trong năm 2015. Quốc lộ 20 theo giới chuyên môn đánh giá là tuyến đường quan trọng và đường độc đạo giúp vận chuyển hàng hóa, rau củ, hoa từ Đà Lạt đến TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Người dân cũng như nhiều doanh nghiệp ở tỉnh này đang kỳ vọng những đoạn trên tuyến quốc lộ này sẽ được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng giúp cho nhu cầu đi lại, học hành, du lịch, vận chuyển hàng hóa của tỉnh nhà cùng các tỉnh trong khu vực được thuận lợi.
Bên cạnh việc mở rộng, cải thiện quốc lộ 20, dự án mở rộng quốc lộ 1A với gần 170km đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đây là tỉnh có chiều dài quốc lộ 1A được mở rộng dài nhất cả nước, Với diện tích đất thu hồi lên đến hơn 340ha, điều phấn khởi là chính quyền địa phương luôn chủ động làm việc kể cả các ngày nghỉ để phối hợp giải quyết hồ sơ đền bù giải tỏa cho người dân một cách nhanh chóng. Thêm vào đó, hơn 7.500 hộ dân thuộc 5 huyện và một thành phố nằm trong diện giải tỏa cũng đang nỗ lực chủ động tháo dỡ công trình, thậm chí có hộ hiến đất để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án sớm được thực hiện. Vì họ biết, khi dự án hoàn thành sẽ giúp khắc phục hiện trạng an toàn giao thông, giao thương thuận lợi và đời sống người dân nhờ vậy mà được nâng cao.
Niềm vui của người dân
Anh Nguyễn Văn Tiến, tài xế chuyên vận chuyển thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhận định: “Quốc lộ 1A đường quá xấu làm cho thời gian di chuyển cây trái từ Bình Thuận đến cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn mất gần một tuần, chất lượng bị giảm sút. Chưa kể quốc lộ 1A hiện nay có diện tích mặt đường quá nhỏ, chỉ cần mất tập trung một chút là tai nạn có thể xảy ra. Nếu quốc lộ này được mở rộng thì việc xuất khẩu cây trái của người dân sẽ tốt hơn nhiều”.
Cũng với mong muốn quốc lộ huyết mạch được cải thiện, bà Phan Thị Kim Thanh, người hiến diện tích đất lớn nhất huyện Hàm Tân cho biết: “Quốc lộ 1A đoạn phía trước nhà tôi năm nào cũng có tai nạn xảy ra. Gia đình tôi hiến đất chỉ với mong muốn quốc lộ này rộng hơn, người dân đi lại được an toàn, như thế mới có thể giảm bớt tai nạn giao thông”.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã bàn giao 160km/169km mặt bằng (đạt 94%). Mặt khác tỉnh đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng để chi trả đền bù cho các hộ dân. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí và lãnh đạo của tỉnh cũng thường xuyên xuống hiện trường để kiểm tra đôn đốc việc giải phóng mặt bằng và động viên người dân tự nguyện tháo dỡ công trình. Đặc biệt ở các huyện Tuy Phong, Hàm Tân việc giải phóng mặt bằng đã được hoàn tất. Cũng ở địa bàn hai huyện này, có nhiều hộ dân hiến đất, sẵn sàng giao đất trước để kịp tiến độ và nhận tiền sau.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A, đã biểu dương tỉnh Bình Thuận về những nỗ lực trong thời gian qua. Chắc hẳn sự khen ngợi trên đây chính là động lực để tỉnh nhà thêm nỗ lực và nhiệt huyết góp phần phối hợp hỗ trợ việc mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1A, một trong những công trình trọng điểm quốc gia hiện nay.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)