Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vui cùng Nỗi buồn chiến tranh

Tạp Chí Giáo Dục

Bìa ấn bản mới nhất của Nỗi buồn chiến tranh
Nỗi buồn chiến tranh là câu chuyện cảm động về tình yêu của người lính, ra đời vào năm 1987 với tên gọi Thân phận của tình yêu. Khác với dòng sách viết về chiến tranh bấy giờ, nhà văn Bảo Ninh đã miêu tả một cuộc chiến dưới góc độ cá nhân, với những thân phận con người và nỗi niềm riêng chôn giấu. Tác phẩm ngay từ lúc chào đời được đón nhận nồng nhiệt. Năm 1991, cùng với Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Nỗi buồn chiến tranh được vinh dự nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và được phát hành rộng rãi ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm sau đó, Nỗi buồn chiến tranh lại có một vòng đời lận đận bởi bị… cấm, không được in lại với lý do quá nhạy cảm.
Để rồi sau hơn 20 năm, cuối tháng 5 vừa qua, Nỗi buồn chiến tranh lại một lần nữa được vinh danh, là tiểu thuyết được dịch sang nhiều ngoại ngữ nhất và Bảo Ninh vinh dự là nhà văn đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng Văn học châu Á. Trước niềm vui này, ông Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: “Sự đổi mới của văn học cho phép tác giả đề cao sự thật. Chỉ có sự thật mới đứng vững trước những nghiệt ngã của cuộc đời. Và Nỗi buồn chiến tranh mở cánh cửa để thế giới hiểu rằng chiến tranh ở Việt Nam không đơn thuần chỉ là một cuộc chiến. Cuốn sách là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới, xứng đáng đại diện cho nền văn học Việt Nam trong giai đoạn này”.
Tuyết Dân

Bình luận (0)