Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vui Giáng sinh cùng Tề Thiên Đại Thánh đại chiến Hồng Hài Nhi

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở Tề Thiên Đại Thánh đại chiến Hồng Hài Nhi

Chương trình Ngày xửa ngày xưa 20 với tên gọi Tề Thiên Đại Thánh đại chiến Hồng Hài Nhi (kịch bản: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) của Sân khấu IDECAF năm nay ra mắt đúng vào mùa Giáng sinh 2009 tại Nhà hát Bến Thành và kéo dài đến ngày 3-1-2010. Câu chuyện được bộ đôi tác giả Quang Thảo – đạo diễn Đình Toàn thực hiện rất hấp dẫn, hoành tráng, mang đậm không khí Noel cũng như truyền tải thông điệp giáo dục nhẹ nhàng đến các khán giả nhí. Trên đường đi thỉnh kinh, bốn thầy trò Đường Tăng (Quốc Trung) nghe tiếng kêu cứu của một đứa trẻ, họ dừng lại giúp thì mắc bẫy của cậu nhóc Hồng Hài Nhi (Đại Nghĩa) nghịch ngợm. Tôn Ngộ Không (Đình Toàn), Trư Bát Giới (Bạch Long) và Sa Tăng (Đức Thịnh) phải chiến đấu với “băng nhóm” Hồng siêu quậy (Hữu Châu) do Hồng Hài Nhi làm thủ lĩnh để bảo vệ sư phụ. Hồng Hài Nhi bắt được Đường Tăng, về báo với mẹ là Thiết Phiến công chúa (Thanh Thủy) để mở tiệc mừng. Các học trò của Đường Tăng đến tận hang động của Thiết Phiến công chúa để cứu thầy, tiếp tục lên đường thì gặp ngọn Hỏa Diệm Sơn. Tôn Ngộ Không quay về mượn quạt ba tiêu của Thiết Phiến công chúa để dập tắt ngọn lửa nhưng bị đưa quạt giả. Cuối cùng, Thiết Phiến công chúa tỉnh ngộ, đem quạt dập tắt lửa và nhờ Quan Âm Bồ Tát (Mỹ Duyên) thu phục Hồng Hài Nhi. Hồng Hài Nhi từ biệt hai người bạn trong nhóm, dặn dò họ ở lại chăm ngoan học hành và nghe lời cha mẹ… Những ca khúc về Noel, bài hát thiếu nhi được lồng câu chuyện thật vui nhộn. Đại Nghĩa chinh phục các khán giả nhí qua vai Hồng Hài Nhi nghịch ngợm, được cha mẹ cưng chiều nên không lo học khiến các bạn trong lớp chẳng ai thèm chơi. Cậu còn phun lửa quậy phá từ hàng xóm đến trường học. Vai Tề Thiên Đại Thánh của Đình Toàn cũng thật thú vị. Vừa là đạo diễn nên Đình Toàn tự chăm chút nhiều “mảng miếng” rất đắt cho mình. Nhất là màn hư cấu biểu diễn hiphop với sự minh họa của vũ đoàn và sự vây quanh của các fan hâm mộ ảo. Trư Bát Giới của Bạch Long mang cặp kính trắng vừa than khóc vừa hát “khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi”, khiến khán giả không thể nhịn được cười. Sân khấu được thiết kế đẹp lung linh, khán giả nhí như được đưa vào một không gian huyền ảo đầy bất ngờ, đúng chất của một câu chuyện phép thuật thần thông dù đã rất quen thuộc với các em.
H.THANH

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)