Nhiều người không thích đón tết nơi phố thị, bởi nhịp sống hiện đại chộn rộn, dịch vụ hàng hóa ê hề… khiến không khí đón tết cổ truyền dường như đang dần phôi pha. Một vài năm nay, một số cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp ở thành phố đang chung tay làm sống lại không khí tết truyền thống với nhiều hoạt động mang tính cộng đồng.
Nhóm lửa yêu thương
Những ngày giáp tết, hình ảnh khiến mọi người nôn nao về với gia đình vẫn là cảnh xum vầy cùng gói bánh chưng, bánh tét, cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng. Để lưu giữ nét đẹp này, giờ đây, nhiều bà nội trợ ở thành phố vẫn cố gắng duy trì hoạt động gói bánh chưng, bánh tét dịp tết. Những ngày cận tết, có dịp dạo quanh các khu dân cư ở Gò Vấp, quận 7, quận 8… mọi người vẫn thấy trong các xóm ngõ bập bùng bếp lửa nấu bánh, ấm áp hương vị ngày tết.
Chị Cao Bích Liên (quận 7) chia sẻ: “Nhiều năm trước, trong một bữa tiệc với mấy người bạn từ nước ngoài về, con gái tôi lúc đó 10 tuổi đã lúng túng trước câu hỏi tết cổ truyền ở Việt Nam là như thế nào. Lúc ấy tôi chợt giật mình nhận ra có nhiều giá trị văn hóa truyền thống, về tết truyền thống không có trong ký ức của bọn trẻ. Để mang không khí tết thực sự cho các con, nên những năm gần đây, một nhóm các bà nội trợ chúng tôi rủ nhau, tranh thủ thời gian cùng các con chăm lo cho nồi bánh chưng ngày tết”.
Quây quần gói bánh cuối năm.
Nhiều năm nay, các bà nội trợ trong các khu phố ở quận 8 vẫn duy trì hoạt động gói bánh chưng, bánh tét vào 27, 28 tháng Chạp. Chị Nguyễn Thị Như Mai, khu phố 6, phường 16 (quận 8) quan niệm: “Tết đến mà không gói bánh thì không thấy không khí tết, hai đứa con tôi đều biết gói bánh chưng, năm nào cả nhà cũng gói để con cháu nhớ tục lệ của ông bà, tổ tiên”. Sau một năm vất vả, bận bộn với công việc, đây là dịp để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, mỗi người chuẩn bị một công đoạn và tự tay gói những chiếc bánh thật đẹp, thật thơm ngon.
Còn Hội quán các bà mẹ ở đường Phan Xích Long phường 3, quận Bình Thạnh năm nào cũng tổ chức “Ngày hội xuân yêu thương” tạo một sân chơi miễn phí cho cả gia đình với nhiều hoạt động ý nghĩa cho các bé như hướng dẫn gói bánh chưng, bánh tét, làm dưa kiệu, dưa hành, làm bao lì xì và viết câu đối tặng ông bà, cha mẹ. Tại đây, các bậc phụ huynh còn được tư vấn cách dạy trẻ một số kỹ năng giúp gia đình trong dịp tết như: rót nước mời khách, ứng xử, sử dụng tiền mừng tuổi. Những sản phẩm của các bé làm ra sẽ được bán ở gian hàng gây quỹ từ thiện…
Ngàn bánh chưng xanh
Nằm trong nhiều hoạt động ý nghĩa của chiến dịch “Xuân tình nguyện”, chương trình “Ngàn bánh chưng xanh” đã trở thành một “thương hiệu” của chiến dịch. Các bạn sinh viên được chia thành nhiều đội, cùng nhau tổ chức gây quỹ, chuẩn bị nguyên liệu làm bánh từ việc tìm mua lá dong, ngâm nếp, mượn nồi, mượn khuôn… Đêm nấu bánh của “Xuân tình nguyện” tại các sân trường đại học ngập tràn không khí tết với ánh lửa bập bùng, tiếng đàn guitar, tiếng hát, tiếng cười nói rôm rả của các bạn trẻ. Từ đây những chiếc bánh chưng,bánh tét ấm áp nghĩa tình của các bạn trẻ sẽ được trao tặng các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, các hộ gia đình chính sách ở vùng ngoại thành, trẻ em nghèo, các cụ già neo đơn ở viện dưỡng lão. Đặng Hà My, sinh viên Đại học KHXH-NV TPHCM, từng nhiều năm tham gia hoạt động “Xuân tình nguyện” cho biết: “Đã lâu rồi không được về quê, đến với “Xuân tình nguyện” là lần đầu tiên mình được học gói bánh chưng, được tận hưởng không khí tết quanh bếp lửa ấm áp”.
Năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng tổ chức các chương trình vui tết cộng đồng có ý nghĩa hướng về gia đình và chia sẻ cùng cộng đồng. Có doanh nghiệp tổ chức lớp học “Tết trao yêu thương” hướng dẫn một số kỹ năng, giới thiệu những phong tục tập quán trong ngày tết truyền thống cho các ông bố, bà mẹ trẻ, hỗ trợ phụ huynh tổ chức một cái tết trọn vẹn và ý nghĩa cho con cái và gia đình. Để giúp trẻ em hiểu thêm về giá trị của ngày tết cổ truyền và góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống gia đình Vụ Giáo dục tiểu học – Bộ GD-ĐT đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức những chương trình dành cho các em học sinh tiểu học trên phạm vi cả nước trong nhiều năm liền như: Cùng chuẩn bị tết, gắn kết yêu thương gia đình, Chung tay đón tết, trẻ làm nên xuân…
Ngoài ra, phụ huynh và các bạn trẻ còn có nhiều cơ hội tham gia nhiều lớp kỹ năng ngày tết do các câu lạc bộ, các nhóm tư vấn tổ chức như: lớp nấu ăn “Món ngon ngày tết” – thực hành những món ăn truyền thống trong ngày tết như cắt tỉa dưa hấu, làm nem vuông, mứt hạt sen, chả phụng, mứt mãng cầu, bánh tét, dưa món, giò thủ, mứt dừa; các lớp học làm bao lì xì, may giỏ xách…
PHAN NGỌC
(SGGP)
Bình luận (0)