Với số ca mắc khoảng 200 ca/ngày; số ca nặng ít, số ca tử vong hiếm… Có thể nói, từ nhiều tháng nay, dịch bệnh Covid-19 gần như bị “xóa sổ” khỏi cuộc sống của đại bộ phận người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là các nước láng giềng của chúng ta đang có chiều hướng phức tạp nên người dân chưa thể lơ là với Covid-19 được…
Học sinh TP.HCM tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19
“Nhiễm thì cũng nhẹ thôi”
Đây là suy nghĩ của rất nhiều người khi nhắc đến Covid-19. Anh Lê Hừng Đông (TP.Thủ Đức) cho biết: “Tới thời điểm này tôi vẫn miễn nhiễm với Covid-19 mặc dù vợ và 2 con đều đã nhiễm. Nếu bây giờ có nhiễm thì cũng nhẹ thôi. 3 tháng trước, vợ và 2 đứa con của tôi nhiễm, trong đó vợ nhiễm lần 2 nhưng hầu như không có triệu chứng gì rõ ràng. Cô ấy và bọn trẻ vẫn đi làm, đi học bình thường. Có lẽ mọi người đã tiêm 3 mũi vắc-xin, vả lại biến thể mới không còn nguy hiểm nên bệnh rất nhẹ…”.
Là một trong số ít người tới thời điểm này mới nhiễm Covid-19, chị Trần Kiều Băng (Q.Bình Thạnh) kể: “Hồi đầu tháng 11-2022, một hôm thấy trán âm ấm, cổ họng hơi đau, đúng lúc cơ quan có 2 người vừa nhiễm Covid-19 nên nhà sẵn còn que test tôi test thử. Ai dè 2 vạch đỏ chót. Tôi thật sự không tin là mình nhiễm Covi-19. Khi tôi nói mình 2 vạch, cơ quan không ai tin vì nhìn tôi vẫn khỏe mạnh bình thường. Thật sự mà nói, Covid-19 bây giờ đã không còn là nỗi ám ảnh của mọi người nữa rồi. Nhiều người nhiễm Covid-19 còn không mệt bằng cúm mùa…”.
Không chỉ những người trẻ khỏe mà ngay cả người lớn tuổi, có bệnh nền khi nhiễm Covid-19 cũng… nhẹ tênh. Ông Nguyễn Quang Đại (72 tuổi, nhà ở Q.7) bị bệnh gan nhiễm mỡ, vợ ông là bà Nguyễn Quỳnh Nga (71 tuổi) bị bệnh huyết áp cao, hen suyễn. Trước đây, ông bà giữ kỹ lắm. Cả 2 ông bà đều hạn chế ra ngoài, không cho con cháu tới thăm. Bởi vậy dù con cháu đều đã nhiễm Covid-19 từ lâu nhưng mới đây ông bà mới nhiễm. Các con của ông Đại rất lo lắng, thậm chí con gái ông là bác sĩ còn phải xin nghỉ phép để túc trực bên bố mẹ. Tuy nhiên, “chỉ có 2 ngày đầu là tôi và vợ thấy mệt, uể oải trong người; đến ngày thứ 3 thì khỏe; sang đến ngày thứ 4 thì… như chưa hề nhiễm Covid-19”, ông Đại nói.
Đừng chủ quan vì đã có biến thể mới
Hiện nay số ca mắc trung bình/ngày ở nước ta chỉ trên dưới 200 ca ngày; số ca nặng cũng không còn nhiều, số ca tử vong thì hầu như rất hiếm. Tuy nhiên, bên ngoài Việt Nam, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn hết sức phức tạp. Các chuyên gia y tế cho rằng, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch, những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại.
Đến cuối năm 2022, thế giới ghi nhận hơn 665,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có trên 6,6 triệu ca tử vong.
Dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, một biến thể mới của biến thể Omicron đang trở nên phổ biến và chiếm ưu thế tại Mỹ – biến thể phụ XBB.1.5. Theo đó, XBB.1.5 hiện chiếm khoảng 44% số ca mắc mới Covid-19 trên toàn nước Mỹ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận biến thể XBB đã xuất hiện ở ít nhất 70 quốc gia và đã tạo ra một làn sóng lây nhiễm tại một số nước châu Á như Ấn Độ, Singapore vào tháng 10-2022.
XBB.1.5 là họ hàng của biến thể Omicron XBB và là biến thể tái tổ hợp của các biến thể phụ Omicron BA.2.10.1 và BA.2.75. Đặc điểm của XBB.1.5 là có khả năng lây truyền cao và đã phát triển khả năng né miễn dịch. Còn XBB được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 8-2022. Chúng nhanh chóng chiếm ưu thế ở quốc gia này, sau đó là Singapore. Kể từ đó, XBB đã phát triển thành một họ các biến thể phụ bao gồm XBB.1 và XBB.1.5.
Các nhà khoa học và các quan chức y tế công cộng đã theo dõi chặt chẽ dòng biến thể phụ XBB trong nhiều tháng qua. Dòng này có nhiều đột biến và có thể khiến vắc-xin Covid-19, bao gồm cả vắc-xin chuyên cho Omicron, bị giảm hiệu quả và thậm chí gây ra nhiều ca nhiễm đột phá hơn. Ca nhiễm đột phá là những trường hợp đã tiêm đủ vắc-xin nhưng vẫn mắc Covid-19.
Điều này đã làm dấy lên nhiều lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới sau mùa du lịch nhộn nhịp đầu năm 2023.
Tiêm vắc-xin biện pháp quan trọng nhất trong chống dịch
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, tiêm chủng vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch hiện nay. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên chưa đạt tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm…
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về tác dụng, hiệu quả của vắc-xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới “Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh” với thông điệp Thực hiện – 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.
Hòa Triều
Bình luận (0)