Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vui thích tìm hiểu đất nước mặt trời!

Tạp Chí Giáo Dục

Cũng là nội dung kiến thức về bài học Nhật Bản, nhưng với dự án “Nhật Bản – hành trình đầy kỳ vọng”, học sinh Trường THPT Phạm  Văn Sáng (TP.HCM) có những trải nghiệm thú vị khi tham gia thực hiện dự án với giáo viên.

Một nhóm học sinh Trường THPT Phạm Văn Sáng giới thiệu các sản phẩm của dự án với giáo viên nước ngoài

Đây là dự án kết hợp giữa môn lịch sử và địa lý, được thực hiện theo định hướng giáo dục STEM do học sinh lớp 12A15 và 12A16 thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Đức Sơn và thầy Lê Thanh Long.

Những mô hình sinh động

Hai lớp được chia thành 8 nhóm, cùng tìm hiểu những vấn đề nổi cộm của đất nước Nhật Bản như dân số, văn hóa, lịch sử, giáo dục… Mỗi nhóm được “chia cổ phần” là một chiếc bàn nhỏ trưng bày các sản phẩm do nhóm tự thiết kế và thực hiện. Lấy tên gọi “Nhật Bản, ngược dòng thời gian”, một nhóm học sinh lớp 12A15 đã khéo léo ghép các sự kiện, giai đoạn lịch sử thành một cuốn sách kéo ngược. Chỉ cần cầm giấy rút, hàng loạt sự kiện từ giai đoạn 1945-1952, 1953-1973 được trải ra trước mắt người xem. Không chỉ thế, nhóm còn sắp xếp các sự kiện lịch sử, thành tựu thành một cỗ máy thời gian, có thể xoay ngược để đọc những thông tin về sự phát triển kỳ diệu của siêu cường quốc này. Tương tự, với đề tài “công nghiệp Nhật Bản – bức họa cho tương lai”, một nhóm học sinh lớp 12A16 có những lược đồ, hình ảnh về nền công nghiệp ở quốc gia này với robot, tàu ngầm, ô tô. Và để minh họa cho đề tài, nhóm còn tự tay làm mô hình chiếc tàu du lịch được trang bị hiện đại từ ống hút, thùng xốp, que kem và vỏ lon nước ngọt. Nhóm khác lại kỳ công làm lược đồ điện tử từ thùng xốp và đèn nháy, mỗi màu đèn thể hiện các điều kiện tự nhiên của Nhật Bản như dòng biển nóng, tài nguyên, các thành phố lớn… Trong khi đó, nhóm 4 của lớp 12A16 lại làm hẳn mô hình núi lửa và làm núi lửa phun trào khiến người xem thích thú. Vũ Thị Hồng Anh (đại diện nhóm) cho biết: “Chúng em làm cho núi lửa phun trào bằng cách thực hiện phản ứng giữa Natri và Axit clohydric (HCl). Đây là phản ứng thông thường nên hoàn toàn không gây nguy hiểm cho người xem và người thực hiện. Sản phẩm được làm từ những vật dụng rất đơn giản, dễ kiếm như giấy, băng keo, keo sữa. Lấy tên đề tài là “Nhật Bản – hành trình khám phá” nên chúng em quyết định cho một bạn mặc trang phục của người Nhật để hấp dẫn mọi người tới xem”. Không chỉ riêng nhóm này, một nhóm khác của lớp 12A16 cũng mặc trang phục của vô diện – một nhân vật hoạt hình đặc trưng để quảng bá cho đề tài về du lịch Nhật Bản.

Trang bị nhiều kỹ năng cho học sinh

Thầy Lê Thanh Long (giáo viên môn lịch sử, người hướng dẫn các em thực hiện đề tài) cho biết đề tài cơ bản thực hiện đúng yêu cầu của định hướng giáo dục STEM. Cụ thể, về khoa học, học sinh đã biết vận dụng kiến thức bộ môn đã học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Về công nghệ, các em chế tạo, sử dụng từ những vật liệu đơn giản như vỏ chai nhựa, giấy, tăm tre, các hóa chất đơn giản… thành những sản phẩm hữu ích như lược đồ điện tử, mô hình núi lửa… Về kỹ thuật, các em hiểu và thực hiện được quy trình thiết kế một số sản phẩm dự án như cẩm nang du lịch, video clip, lắp ráp mô hình, trồng rau mầm, món ăn Nhật Bản. Còn về toán học đã xử lý số liệu, phân tích, tổng hợp, xây dựng biểu đồ, tính toán chi phí sao cho tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình thực hiện sản phẩm. Bên cạnh những kỹ năng STEM, dự án còn trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết như tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, trao đổi và cộng tác, tính sáng tạo và phát kiến, làm việc theo dự án…

Về cách đánh giá, thầy Long cho biết do đề tài được thực hiện trong 3 tuần với 6 hoạt động nên cách đánh giá, cho điểm cũng khác với cách cho điểm thông thường. Theo đó, một nhóm sau khi hoàn thành sản phẩm, giáo viên sẽ phát “Tiêu chí đánh giá” cho các nhóm khác để chấm điểm nhóm trình bày với những tiêu chí như triển lãm, gian hàng, cẩm nang, clip… và nộp lại cho giáo viên để tổng hợp và đưa ra một gói điểm cuối cùng. Sau khi nhóm đã có gói điểm thì nhóm trưởng sẽ tiến hành họp nhóm để phân chia điểm cho các thành viên trong nhóm và nộp lại cho giáo viên. Trên cơ sở đó, giáo viên xem xét lại một lần nữa xem nhóm đã chia điểm hợp lý chưa, nhóm nào làm tốt thì nhóm trưởng sẽ được cộng thêm 1 điểm. Khi sản phẩm trưng bày, nhóm trưởng sẽ được phát phiếu đánh giá và cho điểm các thành viên trong nhóm tùy theo mức độ hoàn thành và nhiệt tình khi tham gia thực hiện… Sau khi hoàn thành dự án, học sinh sẽ được khảo sát kiến thức bài học bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm trong 20 phút. Điểm tổng hợp các nội dung được tính thành điểm kiểm tra 1 tiết của môn lịch sử và địa lý. “Ngoài việc thực hiện các phần việc của dự án, các nhóm còn đăng sản phẩm của nhóm lên trang facebook dự án để lớp khác tham khảo và phổ biến trong cộng đồng nhằm tạo hiệu ứng rộng hơn”, thầy Long nói.

Ngọc Anh

Bình luận (0)