Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vun đắp đạo lý thầy – trò

Tạp Chí Giáo Dục

Đo lý thy – trò là mt trong nhng đo lý thiêng liêng nht ca con ngưi. Cũng như đo trung vi nưc và đo hiếu ca con cái đi vi cha m, đo lý thy – trò góp phn to nên bn sc văn hóa ca dân tc và ct cách con ngưi Vit Nam.

Thy trò mt trưng THPT ti TP.HCM trong gi hc ti phòng thí nghim.  Ảnh: I.T

1.Ở đời Trần, Chu Văn An (1292-1370) là một người thầy danh tiếng. Ông đậu Thái học sinh (tiến sĩ), được vua Trần kính trọng, mời ông dạy học cho Thái tử. Nhưng ông vốn là người ưa đọc sách thánh hiền hơn ham mũ cao, áo dài; nên sau khi không được vua chấp nhận “Thất trảm sớ” (Sớ xin chém 7 tên quan tham nhũng), ông đã cáo quan về quê mở trường dạy học. Sĩ tử khắp nơi nghe danh đã đổ về theo học ông rất đông. Ông luôn luôn giữ mình liêm chính và rất nghiêm minh với học trò. Ông dạy cho học trò 4 điều cốt lõi, ý nghĩa rất uyên thâm: 1- “Cùng lý” – là học chuyên cần, kiệm ước (giảm những ham muốn thường ngày), đạt lý luận sâu sắc đến cùng cực, cao rộng; 2- “Chính tâm” – là giữ cho lòng mình ngay thẳng, liêm chính; 3- “Tịch tà” (nghĩa đen: chiếu có trải ngay ngắn mới ngồi), nghĩa là: bình thản, không làm điều xấu, việc ác, luôn luôn giữ gìn tác phong đúng mực; 4- “Cự bí”- là gắng sức khắc phục, vượt mọi khó khăn. Nhiều học trò của ông trở nên thành đạt, nổi tiếng, như Phạm Sư Mạnh và Lê Quát đều đỗ Thái học sinh, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển (quan đại thần trong triều, giúp vua trị nước), nhưng khi về thăm thầy, vẫn quỳ lạy theo đúng lễ nghi thầy – trò thuở xưa; khi được thầy bảo ban, thì lấy làm hân hạnh lắm! Khắp thiên hạ đều yêu kính ông, tôn ông là “Quốc sư” – bậc thầy của cả nước! Những bậc danh sư khác trong lịch sử dân tộc, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp… cũng đã đào tạo được nhiều học trò tài giỏi, làm rạng danh đất nước.

Đạo lý thầy – trò ngày xưa là thầy dạy hết mình và luôn giữ lòng thanh cao để làm gương cho học trò; còn học trò thì nhất mực coi trọng chữ nghĩa của thầy, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tình nghĩa thủy chung với thầy, “Sống tết, chết giỗ”. Vì thế, nước ta mới có nhiều thầy giỏi, trò tài, tạo nên lịch sử hàng nghìn năm văn hiến.

2. Ngày nay, đạo lý thầy – trò truyền thống vẫn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta giữ gìn, phát huy. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, đã dốc tâm huyết truyền bá tư tưởng yêu nước thương nòi cho học trò Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận). Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến trước lúc đi xa, Bác Hồ luôn luôn chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT, quan tâm đến công tác và đời sống của các nhà giáo. Những dịp khai trường và kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (trước đây gọi là Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo), Bác thường gửi thư khen ngợi, nhắc nhở nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo, hoặc đến thăm các trường học. Điều đặc biệt làm cho các nhà giáo vô cùng xúc động, thấm thía, là Bác Hồ khẳng định: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất… Người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh” (“Hồ Chí Minh – Về vấn đề giáo dục”, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr. 236).

Ngày nay, không thiếu những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy – trò. Thời kỳ đất nước có chiến tranh, nhiều chiến sĩ tranh thủ những phút im tiếng súng, viết thư về hậu phương chúc mừng thầy, cô nhân dịp 20-11. Bây giờ, có anh bộ đội ở quần đảo Trường Sa được phép về thăm gia đình ở đất liền vào đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam, vừa đặt chân xuống mảnh đất quê hương, đã vội mua hoa đến chúc mừng cô giáo cũ, rồi mới về gặp người thân! Nhiều người bây giờ đã ở tuổi “cổ lai hy”, có nhiều cống hiến cho đất nước, vẫn xúc động mỗi dịp 20-11, vẫn ghi lòng tạc dạ công ơn của các cô giáo, thầy giáo đã dạy dỗ mình nên người.

3. Đạo lý thầy – trò cao đẹp trước hết được tạo nên bởi cả hai phía thầy và trò, đồng thời là sự quan tâm, vun đắp của Đảng, Nhà nước và nhân dân để cho đạo lý này ngày càng tốt tươi! Người thầy giáo tốt phải dạy học trò bằng đức độ trong sáng và trí tuệ uyên thâm của mình – như lời Bác Hồ căn dặn: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức. Tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức, thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con” (Bài nói chuyện của Bác tại Lớp học chính trị của giáo viên, 1959; xem “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 9, tr. 492). Còn học trò đúng mực bao giờ cũng biết kính trọng đạo đức và tài năng của các thầy, cô; coi trọng tri thức văn hóa và thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức để trở thành người hữu ích cho Tổ quốc và gia đình; có lòng biết ơn thầy, cô, có tình nghĩa thủy chung với các thầy, cô; lúc nào cũng coi mình là người học trò nhỏ của thầy, cô, cho dù khi mình có chức vụ, danh vị hoặc giàu sang đến đâu. Thầy và trò mà được như thế, mới tạo nên đạo lý cao đẹp. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một người rất chăm lo cho nền giáo dục nước nhà, đã nói: “Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”, thật là chí lý! Mặt khác, Đảng, Nhà nước và nhân dân cần đề cao và bồi đắp đạo lý thầy – trò ngày càng tốt đẹp thông qua việc quan tâm thiết thực, thường xuyên hơn nữa đến sự nghiệp GD-ĐT, “sự nghiệp trồng người”, sao cho đúng với tinh thần “quốc sách hàng đầu”; đồng thời thấy rõ được tính chất lao động đặc thù (lao động trí lực và thể lực căng thẳng) của giáo viên, đặc biệt là vai trò của người thầy giáo trong công cuộc “đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta” (Lời Bác Hồ trong “Di chúc”).

4. Nói đến đạo lý thầy – trò tức là nói đến sứ mệnh cao cả của người thầy giáo và đề cao truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, thời kinh tế thị trường và mặt trái của công cuộc “mở cửa”, đạo lý thầy – trò có nhiều biểu hiện yếu kém. Một bộ phận giáo viên chất lượng chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số ít giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có những vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống. Đáng tiếc, đáng giận là ngay chính các giáo viên còn không ít người đã bạc bẽo, nói xấu thầy, cô – ngay cả đối với những thầy cô đức độ và có tài năng sư phạm đã tận tụy đào tạo mình.

Bên cạnh đó, do “bệnh thành tích” (lấy tỷ lệ đỗ cao), cho nên rất đông HS-SV lười biếng học hành, không quý trọng tri thức văn hóa – khoa học; nhiều HS-SV có lối sống thực dụng thấp kém, quậy phá trong trường và ngoài xã hội, coi thường lễ nghĩa và cả hành hung thầy, cô! Đấy là những điều không thể chấp nhận được, trong khi chúng ta đang ra sức bồi đắp đạo lý thầy – trò và đang phấn đấu nâng cao chất lượng GD-ĐT toàn diện!

“Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ, thì yêu kính thầy”! Cho nên, muốn có các thế hệ HSSV thật sự có chất lượng cao về văn hóa tri thức, có đạo đức tốt, để xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thì cả hệ thống chính trị phải đặc biệt quan tâm đến đội ngũ các thầy giáo, cô giáo. Nói cách khác, tương lai dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi một phần hết sức quan trọng tùy thuộc vào việc không ngừng vun đắp và phát huy đạo lý thầy – trò cao đẹp.

Đào Ngc Đ
(Ging viên chính ĐH Hi Phòng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)