Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Vùng cao đêm nội trú

Tạp Chí Giáo Dục

Học vi tính buổi tối
Hơn 400 học sinh là hơn 400 niềm hãnh diện của hàng trăm làng bản 20 dân tộc sinh sống trong lòng chảo Điện Biên. Từ giã cuộc sống mộc mạc giữa núi rừng, mang theo biết bao mơ ước của bà con dân tộc, tất cả về phố thị bắt đầu làm quen đời sống nội trú ăn ở khép kín vô cùng lạ lẫm để cùng nhau biến mơ ước xây dựng quê hương thành sự thật.
Một đêm được ở nội trú tại Trường Dân tộc nội trú Điện Biên (tỉnh Điện Biên) thật đáng nhớ…
Đêm rộn tiếng cười
7 giờ tối, sân trường nội trú thật nhộn nhịp và rộn rã tiếng cười. Như đã thành lệ, vừa xong bữa cơm chiều, các học sinh rủ nhau ra sân trường chơi thể thao. Cơ thể mướt mồ hôi sau trò chơi chuyền bóng “dẻ khờ” cùng nhóm bạn mê bóng đá, bạn Giàng A Sau (người dân tộc Mông) khoe: “Ở đây chơi thể thao là nhất. Chiều nào không “dợt” vài tiếng đồng hồ là cơ thể uể oải không chịu được đâu”.
Tuy nhiên, đối với học sinh người dân tộc, đặc biệt là phe kẹp tóc, chơi đá cầu được nhiều bạn mê nhất. Phải công nhận là các bạn nữ người dân tộc đá cầu cực hay. Trong ánh sáng vàng ảo của hai ngọn đèn trên sân, cô bạn người dân tộc Mông – Lò Thị Bích điều khiển quả cầu bay lượn điệu nghệ khiến các bạn nam vỗ tay rần rần. Sân cầu lông hôm nay cũng thu hút đông đảo các fan reo hò khi các thầy xách vợt ra thi tài.
Khác hẳn với không khí sôi động ở sân trường, phòng internet ở tầng 2 với gần 40 máy không còn một chỗ trống nhưng im ắng lạ. Chỉ có tiếng lạch cạch đều đều của những ngón tay gõ trên bàn phím. Net chỉ mới về vùng cao không bao lâu nên đối với các bạn người dân tộc quanh năm vốn quen với nương rẫy núi đồi thì nó là một cái gì đó vô cùng bao la và… bí ẩn. Bạn Phan Nẻ Gợi (người Dao) khoe: “Từ hồi vô trường mình mới biết cách đọc báo mạng, phải công nhận cách kiếm tài liệu bằng “Gút -gồ” (Google) hay vô cùng luôn, nhờ đó mà mình biết thêm được rất nhiều điều”. Chiếc ti vi đặt cạnh phòng bảo vệ trường cũng đông nghịt bạn đứng xem, cười nói bàn tán rất vui về một bộ phim đang “hot”…
Không như những trường nội trú sinh viên đại học, buổi tối có thể tự do ra ngoài, các học sinh ở đây sinh hoạt như một người lính, ăn ở học tập đều do nhà trường lo hoàn toàn miễn phí.
Chỉ ngày chủ nhật, các học sinh mới được ra ngoài dạo phố mua sắm, mỗi năm cũng chỉ được phép về nhà hai lần. Thầy Mạnh Hồng – người có hơn 10 năm theo sát các học trò nội trú – cho biết: “Các em người dân tộc còn “mộc” lắm nên nhà trường phải theo dõi chặt để tránh mọi cám dỗ phức tạp bên ngoài, nếu không bản làng sẽ mất đi những “hạt giống” quí”.
Nói về chuyện “mộc” của các học trò, thầy Hồng kể nhiều học sinh khi mới vào không sử dụng được nhà vệ sinh, thậm chí có bạn chỉ quen dùng… que cây thay cho giấy vệ sinh.
Cũng có học sinh chỉ quen ăn bằng tay phải một thời gian mới biết đến muỗng đũa. Nhiều em khi đến trường cứ nằng nặc đòi về mãi, sau khi tìm hiểu kĩ các thầy mới biết không ít em người dân tộc vẫn còn hủ tục lấy vợ chồng sớm nên nhớ con không chịu được đòi về.
Sáng đèn “luyện” chữ

Học sinh chơi đá cầu ở sân kí túc xá
7 giờ 40 tối, tiếng trống thùng thùng vang lên, các học sinh í ới gọi nhau vào lớp học bài. Không như các trường khác phải cần thầy cô giám thị hay đội trực trường điểm danh, ý thức tự giác học tập của tất cả các bạn ở đây trên cả tuyệt vời. Suốt dọc hành lang hai dãy phòng học không nghe một tiếng cười đùa hay chạy nhảy. Bạn Vàng A Tà (lớp trưởng lớp 11B3) cười khoe: “Các bạn lớp mình ngoan lắm nên không cần nhắc nhở gì đâu. Tụi mình học cho mình mà!”. Ở lớp bên cạnh, có hơi sôi nổi một tí vì các bạn đang tranh luận về một bài tập môn lý.
Đến gần 9 giờ, sân trường vắng hoe. Hôm nay là phiên trực, cô Bích Nga – giám thị – đang rảo quanh các phòng để kiểm tra lại các thiết bị điện. Một điều rất ngạc nhiên là không chỉ phòng học, khu kí túc xá ở đây đều rất sạch sẽ, quần áo giày dép được sắp xếp rất ngăn nắp không hề lung tung như ở kí túc xá sinh viên đại học.
Cô Nga bảo, dù các học trò dân tộc ban đầu còn mang vẻ “hoang dã của núi rừng” nhưng rất biết vâng lời chỉ bảo nên các thầy cô xem ra không nhọc nhằn bằng các học sinh “hiện đại” khác.
Tuy nhiên, các thầy cô phải luôn hết sức công bằng trong đối xử vì học trò người dân tộc rất dễ… “cà nanh” nhau. Cô Nga “bật mí” hơn 400 học trò ở đây cô đều xem như con ruột và nhớ tên lẫn tính cách của từng em nên không một “chuyển động” gì của các em mà cô không đoán ra được.
Rồi cô kể ra vanh vách học trò người dân tộc Thái thông minh nhưng “lém”, người Mông chăm chỉ nhưng khép kín, người Khơ Mú hơi nóng tính…
Ai cũng hiểu chuyện yêu đương của người dân tộc ở một số vùng cao vẫn còn khá “thoáng” nhưng nhờ giải thích của các thầy cô nên học sinh ở đây nhận thức rất tốt. Bạn Lò Thị Cúc cho biết: “Ở bản mình nhiều bạn cùng tuổi đều đã lấy chồng nhưng tụi mình đến đây được Nhà nước lo hết để trở thành người tốt nên chẳng nghĩ đến yêu đương sớm làm gì. Lỡ “có gì” thì sẽ khổ lắm đấy…”.
Cả khu kí túc xá hôm nay chỉ có Quàng Văn Mạnh (người dân tộc Thái) bị đau đầu nên không lên lớp nằm một mình trong phòng buồn hiu. Mạnh tâm sự ở đây chẳng có bạn nào muốn nằm một mình vì rất dễ nhớ nhà.
Nhà Mạnh ở tận Mường Nhé, cơm còn chưa no lại xa trường đến hơn 200 cây số nên mỗi lần được về nhà là cả một sự kiện, thậm chí cả năm bạn chỉ dám về nhà một lần vào dịp Tết vì sợ tốn tiền xe đi lại. “Nhớ nhà lắm chứ, nhiều lúc cả đám con gái chung phòng ôm nhau khóc nhưng mình ra đi mang theo niềm hãnh diện của cả bản thì phải ráng học giỏi để còn xây dựng làng bản sau này nữa chứ…”, cô bạn người Thái Lường Thị Bích (lớp 11B2) tranh thủ giờ ra chơi đến thăm Mạnh chia sẻ.
10 giờ 30, tiếng trống thùng thùng lại vang lên báo hiệu giờ học đêm kết thúc. Khu sân trường, khu nhà ở kí túc xá lại rộn rã tiếng cười nói thật vui. Dưới sân, một số bạn dân tộc Thái và Mông vừa dạo mát vừa thi nhau hát đối đáp thật ngộ nghĩnh.
Đêm nay, bỗng dưng bạn Lò Văn Dân hứng khởi đọc mấy câu thơ tiếng Thái vừa sáng tác để tặng cho các bạn “Tộc té nội kin khảu bái nó. Khó té nọi kin khảu bái bon…” (Cực từ nhỏ ăn cơm trộn măng. Nghèo từ nhỏ ăn cơm trộn lá khoai nước…) khiến các bạn ngồi quanh im lặng nhìn xa xăm.
Dân tâm sự dù bạn đang sống cuộc sống khá đầy đủ ở khu nội trú dành riêng cho mình nhưng hễ đêm xuống lành lạnh là các bạn hay nhớ về làng bản xa xôi nơi có rất nhiều người đang kì vọng mình thành đạt trở về…
Bài, ảnh: Uyên Uyên
Dù các học trò dân tộc ban đầu còn mang vẻ “hoang dã của núi rừng” nhưng rất biết vâng lời chỉ bảo nên các thầy cô xem ra không nhọc nhằn bằng các học sinh “hiện đại” khác. Tuy nhiên, các thầy cô phải luôn hết sức công bằng trong đối xử vì học trò người dân tộc rất dễ… “cà nanh” nhau.
 

Bình luận (0)