Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Vùng đất có những con sóng khổng lồ xô lên tận nóc nhà như “ngày tận thế”

Tạp Chí Giáo Dục

Thị trấn nhỏ nước Pháp là nơi chứng kiến nhiều đợt thủy triều dâng cao nhất châu Âu với những con sóng khổng lồ xô lên tận nóc nhà 3 tầng như "ngày tận thế".
Saint Malo, thị trấn nhỏ và là một cảng lịch sử ở Pháp, nổi tiếng là nơi có thủy triều cao nhất châu Âu. Ở đây có hệ thống đê chắn sóng vững chắc nhưng hầu như không thể ngăn được những đợt sóng khổng lồ xô vào các tòa nhà dân cư.
Thành lập từ thế kỷ 1 trước Công nguyên, thị trấn cổ Saint Malo được biết tới với tên gọi khác là Reginca. Hòn đảo cơ bản không có người sinh sống cho tới thế kỷ 8 khi cư dân xung quanh bắt đầu tới định cư. Trong giai đoạn từ thế kỷ 17 đến 18, nơi này thành cảng hàng đầu và thịnh vượng bậc nhất nước Pháp, đồng thời là nơi trú ẩn của những tên cướp biển suốt thời gian dài.
Trong Thế chiến II, thị trấn bị phá hủy 3/4 và hầu hết các công trình được xây dựng lại vào những năm 1950. Tuy nhiên, một số di tích vẫn còn nguyên vẹn như ngọn tháp Solidor có từ thế kỷ 14.
Đến nay, thị trấn nhỏ nước Pháp thu hút khoảng 2 triệu du khách tới thăm mỗi năm. Họ biết tới nơi này nhiều hơn vì đây là vùng đất có những đợt sóng triều cao nhất châu Âu. Khoảng nửa năm từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm là thời điểm sóng triều ở đây dữ dội nhất.
Nhiều du khách ví von khoảnh khắc này như "ngày tận thế"
Trong khoảng thời gian đó, hai ngày một lần, cứ sau 6 giờ, biển lại chuyển động do lực hấp dẫn từ mặt trăng và mặt trời phối hợp hoạt động. Các bãi biển, những tảng đá được bao phủ bởi "vũ điệu" không ngừng của sóng.
Nếu may mắn, du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng đợt sóng triều cao tới 13 m, hất thẳng lên nóc nhà 3 tầng nằm bao xung quanh. Đó là những tòa nhà lắp cửa sổ 4 lớp dày, có thể chống lại những tia nước mạnh. Chứng kiến cảnh tượng này, không ít du khách đã ví von Saint Malo như phim trường của bộ phim về "ngày tận thế".
Khoảng 2 triệu du khách tới thăm mỗi năm để ngắm sóng triều cường
Sở dĩ thủy triều ở đây mạnh mẽ đến vậy bởi thị trấn nằm ở ngay cửa sông Rance đổ ra eo biển Mance. Từng đợt sóng mạnh liên tiếp đánh vào chân đê cổ làm bằng đá granit. 
Được biết, hệ thống đê chắn sóng cổ đã trở thành biểu tượng riêng ở Saint Malo. Hệ thống có hơn 3.000 cọc gỗ cao 3 m, được xây dựng từ thế kỷ 17. Tính đến nay sau gần 300 năm bị ngâm trong nước biển và sóng đánh liên tục nhưng các cọc gỗ vẫn trong tình trạng sử dụng tốt.
Vào thời điểm sóng mạnh, nhằm đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương sẽ đóng cửa những con đường lộ thiên nhất của thị trấn, dựng biển cảnh báo và luôn có nhân viên cứu hộ kiểm tra bờ biển. Du khách được khuyến cáo hạn chế đi bộ ở nơi sát bờ biển, tránh trường hợp rủi ro.
NN (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)