Nghị quyết số 39 ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị ban hành về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010; Kết luận số 25 ngày 2-8-2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 là bước ngoặt lớn, là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội và tạo động lực quan trọng cho các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, giao thương và hợp tác phát triển. Định hướng và chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung đã được các địa phương triển khai tích cực, đạt được những thành quả đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển chung của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân thì nhiều nhưng phần lớn là do tư duy “kinh tế địa phương” lấn át tư duy “kinh tế vùng”…
Nhiều địa phương ở miền Trung phát triển nhanh nhưng toàn vùng thì còn chậm
Liên kết vùng bị động, chưa mang tính tổng thể
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng – cho rằng: “Cộng đồng kinh doanh tại vùng KTTĐ miền Trung còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sức mua thị trường còn thấp; quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ hóa khi số vốn, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới hằng năm ngày càng giảm; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại khu vực chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Mặc dù khu vực này có nhiều cảng biển, cảng hàng không và là trung điểm giao thông đường bộ của cả nước nhưng chi phí logistic còn cao. Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chưa phát triển, nguồn nhân lực cao cấp còn thiếu…”.
TS. Huỳnh Huy Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng – nhìn nhận, gần 20 năm hình thành và phát triển, vùng KTTĐ miền Trung cũng đã đạt được một số thành tựu phát triển nhất định. Tuy vậy, so với kỳ vọng đặt ra, vùng chưa có nhiều nổi trội hơn so với các tiểu vùng khác của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đóng góp của vùng vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, năng lực nội sinh của vùng còn yếu nên chưa thể hiện rõ vai trò là vùng kinh tế động lực.
Để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần đa dạng nguồn đầu tư
Theo TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ quốc gia, việc phát triển kinh tế – xã hội tại vùng KTTĐ miền Trung còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do xuất phát điểm thấp, địa hình phức tạp, trải rộng ảnh hưởng đến tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội vùng. Hệ thống thể chế chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của vùng. Tư duy “kinh tế địa phương” lấn át tư duy “kinh tế vùng”, liên kết vùng bị động, chưa mang tính tổng thể. Chưa có quy hoạch thay thế quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng KTTĐ miền Trung. Vì thế, hầu hết các chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 đều chưa đạt. Ngoài ra, chưa có chính sách, cơ chế đủ mạnh, hiệu quả để tạo đột phá; còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng.
Cần đa dạng các nguồn lực tài chính cho phát triển
Để huy động nguồn lực phát triển vùng KTTĐ miền Trung, TS. Hòa đề xuất, cần đa dạng hóa các hình thức huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhất là trong lập và quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm yêu cầu phát triển, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh, bổ sung. Tăng cường các biện pháp quản lý các nguồn thu phát sinh, chống thất thu ngân sách; kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách. Tiếp tục cơ cấu chi ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, giảm chi thường xuyên. Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học – công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi để thu hút các dự án đầu tư từ các nhà đầu tư lớn. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh. Rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, tham gia sâu vào chuỗi giá trị và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh. Hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí để lựa chọn, xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, công nghệ tiên tiến, kết nối chuỗi cung ứng, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Còn TS. Lực cho rằng, nên phân lại, mở rộng vùng KTTĐ miền Trung (bổ sung thêm một số tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên có tiềm lực kinh tế mạnh). Đồng thời xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng, thể chế hóa cơ chế liên kết vùng về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, phát triển công – nông nghiệp – dịch vụ, nguồn nhân lực… Xem việc phát triển kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sinh thái là động lực tăng trưởng. Trong đó, các địa phương chú ý cân bằng các yếu tố gồm kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường. Đặc biệt, xây dựng, hoàn thiện cơ chế đặc thù, thí điểm hình thức thu hút đầu tư, kinh doanh mới, tiếp tục tạo cơ chế và môi trường hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, quốc tế. Đa dạng các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế vùng như ngân sách Nhà nước, tư nhân, quốc tế, ODA, vốn vay ưu đãi, quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp…
Phan Yên
Bình luận (0)