Hiện nay giá tôm từ 240.000-250.000đ/kg (loại 30 con/kg), nhưng dân ấp Cảng Búi (xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) không có tôm để bán. Trước mắt họ là một “cánh đồng hoang”, vắng lặng tới mức máy bơm bị bỏ thí ngoài đồng.
"Ăn nên làm ra" chỉ còn là quá khứ
Không dưới 20.000 ha thả tôm giống ở Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù lao Dung và Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng bị chết hàng loạt. Chi cục thú y Sóc Trăng ước tính mức độ tổn thất của người nuôi tôm đến thời điểm này trên 1.000 tỉ đồng…
Ông Trang Văn Túi, chủ nhiệm HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa (xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu), lo lắng khi trong xóm bắt đầu có trộm.
Dân Cảng Búi từng xem HTX Hòa Nghĩa là “vùng nuôi tôm” bất bại, 10 năm rồi chưa hề thất vụ nào. Năm ngoái, HTX bán trên 139 tấn tôm, nhưng năm nay, cả HTX nếm mùi cay đắng như những người nuôi tôm ven biển hiện thời. “Khi chuyển câu lạc bộ lên HTX, chúng tôi có 17 hộ, có 4 hộ nghèo, nhưng chưa bao giờ mệt trí với tệ nạn”, ông Túi nói.
Người nuôi tôm chán chường, máy bơm bỏ thí ngoài đồng. Ảnh: H.L
Ông Túi cho biết thêm: “Từ hồi chuyển 53,5ha đất lúa lên nuôi tôm (1999) giá 1kg tôm (30 con) tương đương 100kg gạo. Được một lần bán tôm với giá kỷ lục, sau đó giảm dần, chỉ tương đương vài chục ký gạo. Trước đây nuôi 4 tháng là tôm đạt trọng lượng 30 con 1kg, nay phải nuôi 5-6 tháng. Năm nay tôm lại chết hàng loạt không biết nguyên do…”.
Khi nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên do tôm chết hàng loạt thì không ai dám thả. Ông Túi quyết định thà cứ để ao trống hoặc chuyển sang tôm càng hay một thứ gì đó chứ không vội thả nuôi. Những xã viên HTX Hòa Nghĩa đồng ý như vậy vì 10 năm nay, nhờ cách điều hành của của ông mà họ có tích lũy, họ sẽ chờ đợi đến tháng 6 để có quyết định mới.
Ông Tăng Văn Xúa, nhà cung cấp thức ăn cho các chủ vuông tôm, cuối vụ mới thanh toán, cho biết mỗi năm, ờ đây dân chọn 3 thời điểm để thả tôm, khi độ mặn nước ở 10 ‰. Hiện nay độ mặn nước 17 ‰, tôm chết hàng loạt nên đại lý phải trả lại thức ăn cho công ty.
Không nuôi tôm, không thể trở lại trồng lúa và chưa biết phải làm gì khi ít nhất 99% diện tích nuôi tôm bị thiệt hại. Thất mùa, không có doanh nghiệp hay thương lái nào lui tới vùng nguyên liệu nữa. “Thương lái mua tại ao, trả tiền liền, trong khi doanh nghiệp phân loại, ngày sau mới lấy tiền, tôm phải thật tốt, người nuôi phải chở lên tới nhà máy”, các xã viên HTX Hòa Nghĩa kể lại thời ăn nên làm ra đang trở thành quá khứ.
Môi trường nuôi không ai quản lý
Tôm thả cách nay 30-40 ngày đều bị chết, thức ăn số 1, số 2 coi như ế, đại lý phải trả lại cho công ty; nhưng tôm chết đều trời thì công ty sẽ làm gì với thức ăn này khi thời gian bảo quản chỉ có 30 ngày? Ông Túi nghi ngờ thức ăn sẽ là vấn nạn kế tiếp của vùng tôm. Hồi xưa để có 1kg tôm chỉ tốn 1kg thức ăn, nay 1,7kg thức ăn mới được 1kg tôm. Hiện nay giá thức ăn 31.000đ/kg.
TS Nguyễn Văn Hảo, viện trưởng viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, bộ NN&PTNT cho biết: Các kết quả xét nghiệm mẫu tôm bệnh, tôm chết thu được tại các vùng nuôi của Sóc Trăng, Bạc Liêu… bằng phương pháp PCR, mô học, sinh học phân tử xác định tôm chết hàng loạt là do nhóm trung gian giữa vi khuẩn và virus – nhóm Gamma-Proteobacteria – gây hoại tử gan tụy với ký chủ trung gian là Protozoa. Theo TS Hảo, quy trình xử lý đất, nước và việc quản lý môi trường nuôi thời gian qua chỉ phù hợp với việc phòng trị các bệnh đốm trắng, thân đỏ, đầu vàng… chứ không loại trừ được ký chủ trung gian Protozoa mang vi khuẩn Gamma-Proteobacteria.
"Chúng tôi được khuyến cáo phun xịt 30 lít formaline/1.000m2. Hiện thời giá thuốc 22.000đ/lit, vấn đề không phải là tiền mà là người xịt không chịu nổi khi một ao xịt 150lít để xử lý đất và nước vẫn lấy từ sông Mỹ Thanh. Nếu nguyên nhân từ nguồn nước thì sao?", ông Xúa đặt vấn đề. Việc quản lý môi trường nuôi không tốt cũng ảnh hưởng đến hệ thống gan tụy của tôm nuôi, nhiều nhà khoa học cảnh báo từ lâu, nhưng vùng nuôi tôm Hòa Đông, có lẽ những vùng khác cũng tương khi khi môi trường nuôi, quy hoạch lấy nước, xả nước thải… gần như không ai quản lý.
Theo TS. Hảo, không loại trừ cả trong một số chế phẩm vi sinh chứa rất nhiều Protozoa. Người nuôi tôm nên quan tâm nhiều hơn đến việc xử lý nền đáy ao và xử lý nước tốt hơn để loại trừ Protozoa. Điều này, còn khó hơn khi vùng nuôi “lớn nhanh như thổi “ trong khi nguồn nhân lực quản lý đủ tầm ở cơ sở đếm trên đầu ngón tay.
Mỗi năm một vụ tôm, cơ hội tạo ra hàng tỷ USD từ xuất khẩu đang mỏng manh và nhiều rủi ro, bất trắc khi tôm chết hàng loạt ở Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau…
Hoàng Lan / SGTT
Bình luận (0)