Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vùng quê hiếu học

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm thầy giáo Lâm Bá Nhạc vào dịp tết Nguyên đán năm 2008

Nếu nhắc tới làng nghề truyền thống ở Hà Nội, người ta sẽ nghĩ ngay đến làng gốm Bát Tràng. Còn ở TP.HCM, hầu như ai cũng biết đến làng nghề bánh tráng đặc sản Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Không chỉ là một làng nghề nổi tiếng mà đây còn là mảnh đất hiếu học, nơi đã sản sinh ra những anh hùng cách mạng.
Nơi nuôi dưỡng nhân tài
Từ trung tâm thành phố, rong ruổi qua hết những con đường ồn ào của xe cộ rồi đến đường làng với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, tôi đã đặt chân tới làng nghề Phú Hòa Đông. Nhìn mảnh đất trù phú gần 2.000 ha uốn mình bên dòng sông Sài Gòn, nó không khác gì những làng quê hữu tình ở miền Bắc.
Rẽ vào chợ Phú Hòa Đông, hỏi thăm nhà thầy Mỹ, thầy Năm Nhạc, thầy Nhàn, thầy Xích người dân ở đây hầu như ai cũng biết rõ và chỉ đường tận tình. Lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên nhưng rồi mới vỡ lẽ đây là những người thầy đã gắn bó với bao thế hệ học sinh của trường làng. Họ đã góp phần dạy dỗ nên những học sinh không chỉ là niềm tự hào của quê hương Đất thép Thành đồng mà còn là niềm tự hào của cả nước.
Tôi ghé thăm nhà thầy Xích. Tên thật của thầy là Nguyễn Thành Khương nhưng người dân ở đây đã quen gọi là thầy Xích. Trong ngôi nhà rộng lớn và khang trang của người con cả, người thầy gần 80 tuổi này tiếp đón tôi một cách niềm nở. Thầy kể về những ngày dạy học dưới mái trường công Bến Cỏ, về những lớp lớp học trò đã trải qua bao năm tháng thời gian. Khi nói về những học trò mà thầy trực tiếp nắn từng chữ viết, giảng từng bài toán như Đại tá Lê Minh Chư, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Bộ Nội vụ, Thượng tá Trần Văn Đạo, nguyên Trưởng công an quận Bình Thạnh… mắt thầy ánh lên niềm tự hào. Cùng với những học trò đã góp phần làm nên tên tuổi của xã, gia đình thầy Xích cũng là một gia đình tiêu biểu. Thầy có 4 người con, hiện anh con trai cả bác sĩ Nguyễn Thành Nhân đang là Trưởng trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, người con trai kế là anh Nguyễn Thành Di, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Khu đền Bến Dược…
Cùng ở xã Phú Hòa Đông, từ UBND xã đến ngã ba Bến Cỏ, rẽ phải khoảng 50 mét là nhà thầy Lâm Bá Nhạc, còn gọi là thầy Năm Nhạc. Nhắc đến thầy Năm Nhạc, có lẽ ai cũng biết, đặc biệt là sau chuyến thăm thầy giáo làng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Sau gần 4 năm kể từ khi Chủ tịch nước về thăm, sức khỏe của thầy giảm hơn nhiều sau đợt mổ tim. Người thầy đã ngoài 80 tuổi này tâm sự: “Nguồn an ủi lớn nhất của tuổi già như thầy là nhìn lại ký ức, nhìn lại quá khứ với những năm tháng dạy học sôi nổi thời chiến. Và niềm an ủi đó còn là mỗi dịp Tết đến xuân về, học trò lại tề tựu đông đủ tại nhà mình để ôn lại kỷ niệm của những ngày xưa”. Từ một người ở chiến khu, theo chủ trương, thầy về xã Phú Hòa Đông mở Trường tư thục Nhạc Thanh để dạy học cho con em của những gia đình kháng chiến. Nhạc là tên của thầy, còn Thanh là bí danh mà thầy được gọi ở khu kháng chiến. Dạy học Trường tư thục Nhạc Thanh gần 10 năm (từ những năm 1952- 1960) thầy đã gắn bó với những học trò mà mỗi lần nhắc đến thầy còn nhớ như in. Đó là Nguyễn Minh Triết, là Sáu Chí (bí danh của Nguyễn Văn Chí, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố)… Thầy kể trong ánh mắt đầy xúc động: “Bây giờ đã làm lớn rồi mà các trò đó vẫn còn nhìn lại phía sau, thăm lại ông giáo trường làng như tôi, tôi thật cảm động”.
Mảnh đất Phú Hòa Đông không chỉ là nơi nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước mà còn là vùng Đất thép với những người con đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc như anh hùng Nguyễn Thị Nê, anh hùng Nguyễn Văn Khà… Thầy Năm Nhạc kể lại: “Trong suốt gần 10 năm dạy học ở Trường tư thục Nhạc Thanh, trường có khoảng 300 em học sinh, hầu hết các em đều đi kháng chiến chống Mĩ, trong đó 70 em đã ngã xuống trên chiến trường”.
Tiếp bước truyền thống

Góc chợ Phú Hòa Đông

Tiếp bước với truyền thống của một quê hương hiếu học, kể từ sau ngày giải phóng những người dân của xã Phú Hòa Đông luôn cố gắng học tập, trau dồi kinh nghiệm để giữ vững là một trong những xã đi đầu của TP.HCM trong giáo dục. Ông Châu Tấn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã tự hào: “Xã Phú Hòa Đông từ trước đến nay đều được mệnh danh là quê hương hiếu học của TP.HCM. Hiện là một trong những xã của thành phố có đủ cả 4 cấp học được trang bị cơ sở vật chất khá tốt, từ mẫu giáo đến THPT. Xã đang xây dựng một trường THPT và một trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia vào năm tới”. Ông còn cho biết thêm: “Xã có gần 3.500 em học sinh, tỷ lệ tốt nghiệp trong những năm gần đây ở bậc THCS là 100%, THPT 98%, xã có hơn 300 sinh viên đang theo học ở các trường đại học và cao đẳng, đồng thời có 7 thạc sĩ. Đây sẽ là nguồn lực lao động tốt để xây dựng và phát triển quê hương”.
Rời UBND xã, tôi đến ấp Phú Bình thăm Hợp tác xã làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông. Mới thành lập từ năm 2006 nhưng nơi đây đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động với thu nhập bình quân là 1,5 triệu đồng/tháng/người. Chủ nhiệm Hợp tác xã là ông Lê Thế Khải. Ông không chỉ nổi tiếng là một người sản xuất giỏi mà gia đình ông còn được tuyên dương về truyền thống hiếu học. Ông kể: “Bố mẹ ông có 8 người con thì đã có tới 5 người làm nghề giáo, và trong tổng số 60 người cháu có tới 20 người công tác trong ngành giáo dục”.
Cách Hợp tác xã làng nghề khoảng 1 km, trên con đường nhựa bằng phẳng, tôi đến thăm nhà thầy giáo Phạm Văn My. Ông Hùng (Phó chủ tịch UBND xã) vui vẻ kể cho tôi nghe: “Thầy My là người luôn đi đầu trong quỹ khuyến học của xã đó. Năm vừa rồi, gia đình thầy đã đóng góp cho xã hai căn nhà tình thương (trị giá 35 triệu đồng) và hơn 3.000 cuốn sách, vở cho các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn”.
Và ở đây tôi còn được mọi người giới thiệu đến Câu lạc bộ nhà giáo. Được thành lập từ năm 2007 với 43 giáo viên đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn tâm huyết với nghề như thầy Nhạc, thầy My, thầy Nhàn… Họ hội tụ lại để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, góp ý về phương pháp giảng dạy cho những giáo viên trẻ. Đồng thời còn tham gia tư vấn cho thế hệ trẻ trong những vấn đề phát triển kinh tế của vùng.
Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)