Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vững tâm lý trước kỳ thi

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh luyện thi môn toán tại một trung tâm luyện thi tại Q.10. Ảnh: Y.Hoa

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT hay ĐH, CĐ, rất nhiều thí sinh chăm chỉ học tập, nhưng khi vào phòng thi lại mất bình tĩnh mà quên kiến thức hay vi phạm quy chế thi, ngất xỉu trong khi thi…
Giáo Dục TP.HCM xin trích đăng một số ý kiến của các chuyên gia tâm lý nhằm giúp thí sinh chuẩn bị tâm lý thật vững vàng trước kỳ thi, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
ThS. Đào Lê Hòa An (Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt):
Cần đọc rõ quy chế thi
Trong quá trình ôn thi, nếu thí sinh chỉ ôn một mình thì tốn khá nhiều thời gian. Trong khi đó, nếu có phương pháp học nhóm hiệu quả, các em cùng tranh luận, khảo bài cho nhau thì chắc chắn sẽ ghi nhớ kiến thức nhanh hơn.
Những năm trước, chúng tôi đã gặp khá nhiều trường hợp: Trước ngày thi thí sinh ôn tập miệt mài ngày đêm, khi đến ngày thi thì ngủ quên nên đến phòng thi muộn. Vì thế, trước ngày thi phụ huynh nên nhắc nhở các em ngủ sớm để dậy đúng giờ đi thi, đồng thời đầu óc sẽ tỉnh táo hơn là khi các em thức đến 1-2 giờ để ôn lại bài.
Trước khi vào phòng thi, thí sinh nên đọc rõ quy chế thi bởi nếu không nắm rõ quy chế này, các em rất dễ mất bình tĩnh trước nhiều tình huống, từ đó dễ xảy ra những chuyện đáng tiếc. Chẳng hạn, nhiều em mang điện thoại vào phòng thi, khi nộp bài xong thì lấy điện thoại ra gọi cho gia đình mà chưa ra khỏi địa điểm thi, bị giám thị phát hiện cũng vi phạm quy chế thi. Trường hợp khác, một số điện thoại dù đã tắt nguồn nhưng đến giờ báo thức chuông vẫn reo inh ỏi, nhiều em không biết điều này nên cứ ung dung làm bài đến khi giám thị lập biên bản mới nhớ ra thì đã muộn.
Nhiều thí sinh chịu áp lực tâm lý khi nghĩ rằng thi là phải đậu, không đậu thì mắc cỡ với bạn bè nên căng thẳng lúc làm bài. Vì thế, để tâm lý nhẹ nhàng, phụ huynh nên khuyên các em cố gắng hết khả năng, nếu không đạt thì năm sau thi lại hoặc chọn con đường khác ngoài việc học ĐH. Khi vào phòng thi, phụ huynh nên chuẩn bị sẵn “phao cứu sinh” là chai nước để các em thỉnh thoảng uống nước, tăng thêm tốc độ truyền thông tin lên não. Một thanh sôcôla nhỏ có chất cà phê cũng giúp tâm hồn thí sinh tỉnh táo hơn khi làm bài.
ThS. tâm lý Trần Thị Thanh Trà (Giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM):
Cần giữ sức khỏe, thư giãn đầu óc
Thời gian này nếu thí sinh đầu tư nhiều vào học tập thì chất lượng và kết quả không cao vì đây là giai đoạn nước rút. Học tập là một quá trình lâu dài, từ khi bắt đầu vào lớp 10, nhiều em đã có định hướng nghề nghiệp để chăm chỉ học tập, đặc biệt là những môn sẽ thi ĐH. Vì vậy, thời điểm này phụ huynh không nên ép buộc các em học ngày học đêm mà chỉ hệ thống lại kiến thức (ôn tập lại). Hệ thống lại kiến thức tức là các em không nên ghi nhớ quá nhiều bài học, nhớ từng số, từng chữ nữa mà nên vẽ sơ đồ tư duy, sơ đồ hình cây để phác họa các ý chính.
Bên cạnh việc ôn tập, thí sinh nên dành thời gian vui chơi để thư giãn đầu óc. Ngoài ra, sức khỏe trong mùa thi cũng rất quan trọng. Vì vậy, phụ huynh cần nhắc các em ăn ngủ đúng giờ, có chế độ ăn hợp lý như nhiều vitamin, tập thể dục để nâng cao sức khỏe, tinh thần trước mùa thi.
ThS. tâm lý Nguyễn Thị Thu Huyền (Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Những “mẹo” khi bị run
Một số thí sinh khi bước vào phòng thi thường bị đổ mồ hôi, tim đập nhanh, tay chân run rẩy nên làm bài khó đạt kết quả cao. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là do các em chuẩn bị kiến thức chưa được tốt hoặc hệ thần kinh yếu nhưng lại chịu áp lực khi thi. Vì vậy, phụ huynh cần có giải pháp cộng hưởng lâu dài thì mới khắc phục được tình trạng này như hướng cho các em thời gian, phương pháp học phù hợp… Ngoài ra, gia đình nên động viên và truyền niềm tin cho thí sinh bằng cách nói các em hãy cố gắng hết sức thì sẽ có kết quả tốt để các em tự tin khi bước vào phòng thi.
Để giảm bớt căng thẳng trong phòng thi, phụ huynh nên chuẩn bị khăn giấy ướt để các em lau mồ hôi, chuẩn bị chai nước để khi thí sinh quá hồi hộp xin giám thị ra ngoài uống nước. Ngoài ra, thí sinh nên chuyển đổi tư thế ngồi một cách nhẹ nhàng, nhún vai hay thả bút xuống… mỗi khi căng thẳng để “kéo” đầu óc ra khỏi áp lực. Mặt khác, các em có thể dành vài phút để ghi một số slogan như “Bài thi không quá khó, kết quả là cố gắng, cố gắng sẽ chiến thắng…” hoặc vẽ một số hình thù không có nghĩa để thư giãn, giải lao và động viên mình khi làm bài thi.
Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)