Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

“Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” trong đề thi ngữ văn được đánh giá cao, gây xúc động

Tạp Chí Giáo Dục

“Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” trong đề thi ngữ văn được đánh giá cao, gây xúc động - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” trong đề thi ngữ văn được đánh giá cao, gây xúc động Audio

Với chủ đề xuyên suốt “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc”, đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 – kỳ thi đầu tiên theo Chương trìnhh GDPT 2018 được đánh giá cao, gây xúc động mạnh, phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay.

Thầy Phan Thế Hoài – giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân đánh giá cao đề thi ngữ văn đầu tiên theo Chương trình GDTP 2018.

Nội dung đề thi đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình mới môn ngữ văn; Phần Đọc hiểu và Viết, câu 1 viết đoạn văn 200 chữ, phù hợp với mọi đối tượng học sinh để xét tốt nghiệp THPT; Câu nghị luận xã hội có sự phân hóa rất lớn, đòi hỏi thí sinh phải nhanh nhạy với các vấn đề thời sự, có góc nhìn, quan điểm đúng đắn, sâu sắc… thì mới có thể đạt điểm cao. Đây cũng là câu phân hóa tốt giúp các trường ĐH làm căn cứ tuyển sinh. Riêng phần ngữ liệu trong đề ngắn gọn, dễ hiểu, có tính thẩm mỹ, giáo dục cao.

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Cụ thể, thầy Hoài phân tích: Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh làm rõ chủ đề: “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc”. Đây là một vấn đề mang tính thời sự trong bối cảnh đất nước đang sáp nhập tỉnh, thành, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội và bạn bè quốc tế.

Câu nghị luận xã hội này rất có ý nghĩa với tuổi trẻ. Trong bối cảnh này, việc nhấn mạnh “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” là cách để củng cố lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia.

Câu nói “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” còn thể hiện ở sự thống nhất về mặt địa lý và chủ quyền; nhấn mạnh sự gắn kết về văn hóa và tinh thần của nhân dân các vùng miền. Câu nói này cũng là lời nhắc nhở ý nghĩa về sự gắn kết thiêng liêng giữa mỗi người với mảnh đất mình sinh ra, lớn lên và với cả dân tộc.

Đây là chân lý trường tồn, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường phát triển, hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Hãy luôn yêu thương, trân trọng và cống hiến cho dù đó là một “vùng trời” nhỏ bé nhất, bởi lẽ, đó chính là một phần máu thịt của Tổ quốc thân yêu.

Triệt tiêu văn mẫu, học tủ, phổ điểm từ 6-6,5

Thầy Phan Thế Hoài khẳng định, đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn năm 2025 đã góp phần triệt tiêu văn mẫu, học tủ, đoán đề. Đề thi theo đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 môn ngữ văn là phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.

Theo thầy Hoài, học sinh đã được làm quen với cấu trúc đề thi từ rất sớm. Giáo viên không rập khuôn theo các câu hỏi trong đề tham khảo mà có sự thay đổi linh hoạt theo yêu cầu cần đạt, đặc trưng thể loại của chương trình môn ngữ văn bậc THPT, cùng với đó là quan tâm đến những vấn đề thời sự được dư luận xã hội quan tâm để đánh giá được năng lực học sinh một cách toàn diện theo tinh thần của Chương trình GDPT 2018. Vì vậy, học sinh ở TP.HCM luôn ở tâm thế chủ động trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Do vậy, thầy cho rằng, học sinh sẽ làm tốt được phần đọc hiểu, nghị luận văn học, còn sẽ phân hóa cao ở phần nghị luận xã hội. Có thể dự đoán phổ điểm thi môn ngữ văn năm nay dao động từ 6-6.5 điểm, thí sinh đạt mức từ 8.0 trở lên sẽ không nhiều và rất ít điểm 9, 10.

Yến Hoa

Bình luận (0)